Thúc đẩy nguồn lực kiều bào, thu hút doanh nhân về nước đầu tư

Ngự Bình
27/11/2020 - 14:19
Thúc đẩy nguồn lực kiều bào, thu hút doanh nhân về nước đầu tư

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các vị lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm với kiều bào

Ngày càng nhiều doanh nhân kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh, xây dựng thành công nhiều doanh nghiệp mạnh. Lượng kiều hối lũy kế từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 175 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

Nhiều doanh nhân kiều bào về nước đầu tư

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức vào thời điểm rất phù hợp. Đây là thời gian các cơ quan, địa phương vừa hoàn thành việc tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở và cả nước đang thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây cũng là thời điểm để đánh giá toàn diện quá trình thực hiện Chỉ thị 45 trong 5 năm qua và xác định phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn phát triển mới.

Thúc đẩy nguồn lực kiều bào, thu hút doanh nhân về nước đầu tư - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

"Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín mà đất nước ta có được là nhờ sự đoàn kết của toàn dân tộc, sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, sự đóng góp công sức, trí tuệ, sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ những người con đất Việt, trong đó có những thế hệ kiều bào mà hiện nay đã là cộng đồng 5,3 triệu người", Phó Thủ tướng nói.

Những đóng góp quan trọng, thiết thực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được thể hiện trong nhiều lĩnh vực. Khoảng 300-500 lượt trí thức kiều bào về nước hàng năm đã tham gia tích cực, có nhiều ý kiến đóng góp, tư vấn sâu sắc, tâm huyết vào quá trình hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Hiện có 4 trí thức kiều bào từ Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Singapore trong tổng số 15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. 18 kiều bào được bầu làm Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Ngày càng nhiều doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, xây dựng thành công nhiều doanh nghiệp mạnh. Lượng kiều hối lũy kế từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 175 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới trong những năm gần đây (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới). Đang xuất hiện một thế hệ trí thức gốc Việt trẻ tài năng, tập trung ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới...

Thúc đẩy nguồn lực kiều bào, thu hút doanh nhân về nước đầu tư - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng bà con kiều bào, với truyền thống "tương thân tương ái", "thương người như thể thương thân", đã quyên góp được gần 70 tỷ đồng và nhiều hiện vật hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở trong nước và giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai.

Các chính sách về bảo hộ công dân được triển khai quyết liệt thời gian qua cũng góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, tổ chức 190 chuyến bay đưa hơn 53.000 công dân mắc kẹt, những người có hoàn cảnh khó khăn từ hơn 50 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước. Kết quả chống dịch ở trong nước cùng với sự quan tâm đối với đồng bào ta ở nước ngoài đã khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Xây dựng mạng lưới kết nối kiều bào

Theo Tiến sĩ Trần Hải Linh - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc dành sự quan tâm đặc biệt đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại để lắng nghe tiếng nói, tạo điều kiện thuận lợi để những người xa quê có điều kiện trở về, đóng góp công sức dựng xây đất nước.


Thúc đẩy nguồn lực kiều bào, thu hút doanh nhân về nước đầu tư - Ảnh 3.

Tiến sĩ Trần Hải Linh - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc

Với những lợi thế sẵn có trong nước, các kiều bào trẻ, có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản có xu hướng thành lập các mạng lưới kết nối cộng đồng doanh nhân, trí thức trong và ngoài nước để hình thành chương trình, hoạt động góp phần xây dựng, phát triển quê hương. Đây chính là nguồn lực quý báu có thể góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới," ông Trần Hải Linh cho biết.

Ông Trần Hải Linh cho rằng cần tăng cường thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, mối quan hệ từ các trí thức, doanh nhân... phục vụ mục tiêu phát triển đất nước. Cần xây dựng "cơ quan đầu mối có thẩm quyền" để trực tiếp hỗ trợ, kết nối trí thức, doanh nhân. Mặt khác, cần tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp kiều bào với doanh nghiệp trong nước để trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, làm cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu và đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu…

Thúc đẩy nguồn lực kiều bào, thu hút doanh nhân về nước đầu tư - Ảnh 4.

Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT (kiều bào Nga, thứ hai từ trái sang) cùng Việt kiều các nước

Còn Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT (kiều bào Nga) nêu rõ, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, sử dụng hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Với hơn 500.000 chuyên gia, trí thức ở khắp các vùng lãnh thổ và châu lục, cần thu hút sự tham gia rộng rãi của lực lượng trí thức kiều bào; đồng thời chú trọng phát triển tập đoàn khoa học công nghệ tư nhân. 

Ông Nguyễn Quốc Sỹ cũng đề xuất đầu tư xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm, tiến tới xây dựng một số viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ, trường đại học công nghệ và khu công nghiệp công nghệ cao với sự tham gia trực tiếp điều hành và triển khai dự án khoa học công nghệ của trí thức kiều bào tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm