Hội thảo tham vấn được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã thể hiện cam kết và hành động mạnh mẽ nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do Liên hợp quốc khởi xướng. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vào tháng 5/2017. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ không chỉ là một mục tiêu độc lập (Mục tiêu số 5) đã được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu còn lại, do đó việc rà soát các vấn đề bình đẳng giới trong việc thực hiện các mục tiêu SDGs là điều hết sức cần thiết không thể bỏ qua.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Hội thảo là diễn đàn không gian mở cho các vị chuyên gia, đại diện các bộ, ban, ngành, các nhóm phụ nữ cùng thảo luận và khuyến nghị đưa những vấn đề ưu tiên nhằm đạt được bình đẳng giới trong quá trình thực hiện SDGs ở Việt Nam, góp phần bổ sung, hoàn thiện Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam, cho biết, Việt Nam là trường hợp ngoại lệ khi Chính phủ quyết định xem xét không chỉ tập trung vào các Mục tiêu bắt buộc mà còn thực hiện đánh giá tiến độ trên tất cả các mục tiêu khác, bao gồm Mục tiêu số 5 về Bình đẳng giới. Việc này tạo ra cơ hội giúp Việt Nam thông báo tiến trình thực hiện bình đẳng giới cũng như những vấn đề về giới đã được giải quyết thế nào trong các mục tiêu khác. Các bên liên quan cần tận dụng cơ hội này để tạo ra sự phối hợp và phát triển mạng lưới, bao gồm cả khu vực tư nhân để thúc đẩy về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Sau khi bà Nguyễn Lệ Thủy - Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững, Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình bày tóm tắt về dự thảo Báo cáo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đã bàn thảo về việc thực hiện mục tiêu 5 về việc đạt được bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh đến việc cần có chính sách chăm sóc trẻ em tốt hơn, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa, khỏi nạn tảo hôn, nạn xâm hại tình dục, nạn bạo hành...