pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thực hiện các quy định về tín ngưỡng và tôn giáo: Khi phụ nữ vào cuộc
Hội LHPN tỉnh Điện Biên thực hiện công tác tuyên tuyền về tín ngưỡng và tôn giáo ở huyện Điện Biên Đông
Đảng, Nhà nước ta luôn thể hiện quan điểm xuyên suốt nhất quán về công tác tôn giáo. Đảng ta khẳng định, “tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng với dân tộc”, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc là yêu cầu quan trọng của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân ngay trong thực tiễn, trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới từ 1990 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết.
Nghị quyết số 25/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo trong tình hình mới, đã ghi rõ “Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Để thúc đẩy hội viên, phụ nữ triển khai thực hiện tốt công tác về tín ngưỡng và tôn giáo, từ nhiều năm nay, Hội LHPN Việt Nam thường xuyên chỉ đạo tới các cấp tỉnh, thành Hội, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn để các hội viên, phụ nữ nắm bắt đúng đắn các chủ trương, chính sách về tôn giáo và tín ngưỡng.
Mới đây, Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức chương trình truyền thông chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo tại bản Nà Sản B, xã Sa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông). Nhiều hội viên từ bản Ca Tâu cách Nà Sản B gần chục cây số đi bộ từ sáng sớm để kịp nghe tuyên truyền và hội trường ngày càng đông hơn khi rất nhiều phụ nữ có đạo có mặt. Chị em đều chăm chú lắng nghe nội dung cơ bản về quan điểm, chủ trương, tư tưởng nhất quán của Ðảng và Nhà nước về công tác tôn giáo; tình hình tôn giáo và công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; công tác vận động quần chúng, tín đồ tôn giáo; công tác đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo trái phép…
Sau khi được tiếp thu, cơ bản chị em hiểu rằng, Ðảng, Nhà nước luôn tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật.
Chị Lầu Thị Già, ở huyện Điện Biên Đông, chia sẻ: “Cán bộ Hội LHPN huyện, xã đều tuyên truyền cho người dân nắm rõ việc nhà nước ủng hộ cho người dân theo tôn giáo, tín ngưỡng, tuy nhiên, không nên tin theo những đạo lạ, đạo không được nhà nước cho phép hoạt động. Nếu mình tin theo những tôn giáo đó là không đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Người dân chúng tôi cũng nhận thức được những việc làm sai trái của một số người tuyên truyền đạo Bà Cô Dợ, đạo Giê Sùa, nên trong bản mình không có ai đi theo”.
Việc tuyên truyền để chi em nắm bắt được những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo và tín ngưỡng không chỉ dừng ở việc phòng chống tuyên truyền tà đạo, mà các cán bộ Hội LHPN trong vai trò là tuyên truyền viên còn tuyên truyền cho bà con xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, để giảm bớt những khó khăn kinh tế trong cuộc sống. Xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh.
“Với những địa phương vùng cao, có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, thì một số người vẫn duy trì những hủ tục lạc hậu, thậm chí là mê tín dị đoan, thường tổ chức cúng bái tốn kém cho kinh tế gia đình.
Nên cán bộ Hội LHPN xã cũng thường xuyên lồng ghép tuyên truyền để chị em xóa bỏ các hủ tục không còn phù hợp với nếp sống văn minh”.
Bà Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa, Lào Cai)
Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên cũng là một trong những đơn vị tích cực thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và vận động hội viên, phụ nữ tham gia phòng, chống các hoạt động truyền đạo trái pháp luật.
Hàng năm, Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị tuyên truyền đến từng huyện, mỗi Hội nghị có sự tham gia của hàng trăm cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn các xã.
Tại đây, người dân được tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, dân tộc, tôn giáo; cung cấp thông tin về tình hình hoạt động, cách nhận diện các “tà đạo”, tổ chức tự xưng tôn giáo; cách thức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và người dân không nghe, không tin, theo các “tà đạo”, tổ chức tự xưng; Một số kỹ năng, phương pháp phát hiện, nắm bắt thông tin về tình hình hội viên, phụ nữ có liên quan đến các hoạt động truyền đạo trái pháp luật và giải đáp một số vướng mắc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ kiên quyết tố giác, đấu tranh với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng niềm tin tôn giáo để trục lợi.