Thực phẩm bẩn: Nhiều đơn vị quản lý nhưng khó quy trách nhiệm

19/03/2019 - 11:46
Vụ thịt lợn nhiễm sán vào trường học ở Bắc Ninh đang gây chấn động dư luận. Hiệu trưởng nhà trường đã bị tạm đình chỉ nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chỉ quy trách nhiệm cho hiệu trưởng là chưa đủ.

“Khi Quốc hội giám sát tối cao về an toàn thực phẩm thì thấy đây là vấn đề hết sức quan trọng và cần phải quan tâm nhưng lại được phân công cho nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm và dường như vai trò của các cơ quan chịu trách nhiệm chính thì lại không rõ,” ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết.

pham_tat_thang.jpg
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

 

- Thưa ông, vụ thịt lợn nổi hạch nghi nhiễm sán tuồn vào trường học ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh và đã có hàng trăm học sinh ở đây được kết luận dương tính với sán lợn đang gây chấn động dư luận cả nước. Với bản thân ông, ông cảm thấy thế nào trước vụ việc này?

Ông Phạm Tất Thắng: Vụ việc xảy ra với học sinh như ở Bắc Ninh là điều hết sức đáng lo ngại vì đây là nơi nuôi dưỡng các cháu nhỏ, tương lai của đất nước. Nếu cứ diễn ra tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm như vậy thì sức khỏe, trí tuệ của cả thế hệ tương lai có thể bị ảnh hưởng.

Trước thực trạng này, năm 2018 Quốc hội đã tổ chức giám sát tối cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và đã ra nghị quyết chuyên đề. Sau đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được siết lại một bước nhưng dường như vẫn chưa được kết quả như mong muốn.

Những vụ việc phát hiện ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chỉ những vụ việc rất nghiêm trọng thì mới được phát giác sớm và được dư luận quan tâm, còn những vụ việc không gây hậu quả ngay tức thì vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ mà chúng ta không kiểm soát được. Vì vậy, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề mà những bếp ăn tập thể đông người cần đặc biệt quan tâm.

- Câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao thực phẩm bẩn vẫn tuồn vào được trường học và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này, thưa ông?

Ông Phạm Tất Thắng: Khi Quốc hội giám sát tối cao về an toàn thực phẩm thì thấy đây là vấn đề hết sức quan trọng và cần phải quan tâm, nhưng lại được phân công cho nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm, và dường như vai trò của các cơ quan chịu trách nhiệm chính lại không rõ.

Ví dụ, về mặt sản xuất nông sản, sản xuất thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng kiểm soát về lưu thông là Bộ Công thương, kiểm soát về thức ăn được chế biến lại là Bộ Y tế, thực phẩm vào trong các nhà trường thì lại có Bộ Giáo dục và Đào tạo còn về mặt quản lý chung thì có vai trò của chính quyền địa phương. Thế nên, ở đây có sự chồng lấn về trách nhiệm và phân trách nhiệm chưa rõ ràng.

Vụ việc ở Bắc Ninh, ban giám hiệu nhà trường ký hợp đồng với một doanh nghiệp, công ty có tư cách pháp nhân và có cam kết về đảm bảo về chất lượng hàng hóa cung cấp nhưng họ vẫn vi phạm, thì nếu quy trách nhiệm hoàn toàn cho ngành giáo dục, cho hiệu trưởng trong trường hợp này là đúng nhưng chưa đủ. Phải nhìn thấy trách nhiệm chung của các cơ quan có liên quan đến an toàn thực phẩm trong trường học.

Nếu trong trường hợp nhà trường chọn một đơn vị cung cấp không đủ năng lực thì trách nhiệm đó hoàn toàn thuộc về nhà trường. Nhưng nếu nhà trường đã lựa chọn một đơn vị cung cấp có giấy phép, có đủ điều kiện kinh doanh, có cam kết đảm bảo cung cấp nguồn hàng, đảm bảo chất lượng thì đó không hoàn toàn là trách nhiệm của nhà trường nữa, vì việc phát hiện sai phạm phải là lực lượng chuyên môn. Ví dụ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm thì phải là ngành công thương, ngành thú y, quản lý thị trường. Còn khi đã đưa đến nhà trường, với một doanh nghiệp cấp phép đủ điều kiện, có cam kết, thì việc kiểm soát của trường là khó, dù đúng là có trách nhiệm của trường.

img_7595.jpg
Học sinh đến lấy mẫu xét nghiệm sán lợn tại Trường Mầm non Thanh Khương. (Ảnh: Thanh Thương/Vietnam )

 

- Vậy theo ông, làm thế nào để có thể giải quyết được vấn đề này một cách triệt để hơn, để các bữa ăn học đường an toàn với học sinh?

Ông Phạm Tất Thắng: Tôi cho rằng phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta, đặc biệt liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, có quy trách nhiệm rõ hơn.

Thứ hai là phải xem lại các chế tài về mặt xử lý đã đủ mạnh chưa. Nếu chưa thì phải đề xuất tăng chế tài để xử lý các vụ việc vi phạm có đủ tính răn đe.

Thứ ba là phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, để các cơ quan liên quan, đặc biệt là các đơn vị quản lý trực tiếp như các nhà trường, nơi có bếp ăn tập thể, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm phải ý thức được trách nhiệm của mình và thực hiện tốt cam kết với xã hội. Và bản thân mỗi cá nhân, gia đình phải có trách nhiệm, có hiểu biết nhất định để có thể phát hiện, chống các vi phạm trong vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm