Thực phẩm BVSK Una Mộc Đơn không có tác dụng chữa bệnh như quảng cáo

Hoàng Sa
07/10/2023 - 14:23
Thực phẩm BVSK Una Mộc Đơn không có tác dụng chữa bệnh như quảng cáo

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Una Mộc Đơn được quảng cáo tràn lan như "thần dược" điều trị các loại bệnh u trên các nền tảng mạng xã hội

Xuất hiện tràn lan trên các clip quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Una Mộc Đơn trên các nền tảng mạng xã hội, với những nội dung có dấu hiệu sai sự thật, thổi phồng công dụng thực phẩm này như "thần dược" chữa dứt điểm bệnh u.

Kỹ năng dàn dựng quảng cáo thổi công dụng rất tinh vi

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên các nền tảng mạng xã hội Youtube, facebook, Tiktok… có tới hàng trăm clip quảng cáo sản phẩm Una Mộc Đơn. Có một đặc điểm chung trong các clip là đều nói về công dụng sản phẩm Una Mộc Đơn như loại thuốc đặc trị các bệnh u.

Cảnh giác với quảng cáo TPBVSK Una Mộc Đơn - Ảnh 1.

Thuê diễn viên quần chúng đóng giả Bác sĩ để quảng cáo Una Mộc Đơn như thuốc chữa bệnh u

Họ dàn dựng các clip cho những người tự nhận là bệnh nhân đã khỏi bệnh u nang, u xơ, u tử cung, u buồng trứng nhờ điều trị bằng Una Mộc Đơn. 

Ngoài ra, còn sử dụng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ, người nổi iếng để quảng cáo tung hô cho sản phẩm này, nhờ đó, người xem có thể cảm thấy sản phẩm này còn tốt hơn cả thuốc. 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Đáng nói hơn cả, là có rất nhiều clip sử dụng diễn viên quần chúng mặc trang phục giống như bác sĩ, dược sĩ, rồi đóng giả cả bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm này. Thậm chí, có những bệnh nhân giả mạo đã nhiều lần bị VTV, Đài Truyền hình Việt Nam, lật tẩy trong các clip quảng cáo lừa trước đó. 

Cảnh giác với quảng cáo TPBVSK Una Mộc Đơn - Ảnh 3.

Bệnh nhân giả này từng bị báo chí lật tẩy chiêu trò diễn quảng cáo lừa người bệnh

Bà Nguyễn Thị Th, ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, Yên Bái, cho biết: "Mới đầu thì cũng không tin, nhưng xem quảng cáo nhiều, thấy có cả Đài truyền hình họ đưa tin, thì mình mua về dùng, nhưng chẳng có tác dụng gì cả, mất luôn mấy triệu bạc".

Chị Phạm Mai H, ở Long Biên, Hà Nội, chia sẻ: "Họ quảng cáo Una Mộc Đơn rất tinh vi, họ dàn dựng các clip có giao diện giống như kênh truyền hình chính thống, rồi đi phỏng vấn người bệnh đã khỏi bệnh nhờ Una Mộc Đơn, sau đó lại phỏng vấn bác sĩ để nói về sự ưu việt của sản phẩm này khiến cho người bệnh tin tuyệt đối. Vì thế mới bỏ tiền ra mua".

Bất ngờ với sự thật của "thần dược" Una Mộc Đơn

Quảng cáo thổi phồng Una mộc đơn như thần dược, thế nhưng sự thật về sản phẩm này lại khiến người ta bất ngờ. 

Cụ thể, sản phẩm Una Mộc Đơn +, được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp Giấy tiếp nhận  đăng ký bản công bố sản phẩm số 2374/2023-ĐKSP, ngày 9/3/2023. Đơn vị công bố lưu hành là Công ty TNHH thương mại CCB Việt Nam, có địa chỉ tại tầng 4 tòa nhà HUD3 Tower, số 121-123 Tô Hiệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Bộ đôi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Una Mộc Đơn, được Cục An toàn thực phẩm cấp năm 2020 và 2023.

Đơn vị sản xuất là Công ty cổ phần Bigfa, có địa chỉ tại Khu công nghiệp Lương Sơn, Km36 - QL6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. 

Trong Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm và Bản xác nhận quảng cáo của sản phẩm Una Mộc Đơn có ghi rõ, sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. 

Cảnh giác với quảng cáo TPBVSK Una Mộc Đơn - Ảnh 5.

Una Mộc Đơn không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Như vậy, tất cả những quảng cáo có dấu hiệu thổi phồng công dụng Una Mộc Đơn như thuốc chữa bệnh u đang diễn ra trên mạng xã hội, đều là trái với quy định của pháp luật hiện hành. 

Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Thổi phồng công dụng Una Mộc Đơn diễn ra suốt thời gian dài

Theo tìm hiểu thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, thì trước đó, vào ngày 20/11/2020, Công ty TNHH thương mại CCB Việt Nam đã được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 11514/2020-ĐKSP, cho sản phẩm Una Mộc Đơn. Cho đến ngày 9/3/2023, đơn vị này tiếp tục xin được Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm số 2374/2023-ĐKSP, cho sản phẩm Una Mộc Đơn +. 

Như vậy, từ năm 2020 đến nay, sản phẩm Una Mộc Đơn đã được sản xuất và lưu hành trên thị trường được 3 năm. Tại các kênh thông tin quảng cáo sản phẩm này cũng thể hiện lịch sử đăng tải clip quảng cáo có dấu hiệu thổi phồng công dụng sai sự thật hàng năm trời. 

Dàn dựng các clip có giao diện giống như kênh truyền hình chính thống để đánh lừa người bệnh

Thế nhưng, để tìm thông tin về việc sản phẩm này bị xử lý về hành vi vi phạm quảng cáo, thì chúng tôi chưa thấy bất kỳ thông tin nào. Điều này cho thấy, những hành vi quảng cáo có dấu hiệu thổi phồng công dụng của sản phẩm Una Mộc Đơn, cho đến nay vẫn "khá an toàn". 

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cùng các ban ngành hữu quan, cần sớm vào cuộc kiểm tra xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo Una Mộc Đơn có dấu hiệu sai sự thật, tránh cho nhiều người bệnh sập bẫy lừa, mua phải những sản phẩm không có tác dụng chữa bệnh. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm