Thuế nhà trên 700 triệu: Nhiều câu hỏi cần làm rõ

16/04/2018 - 11:31
Với việc đề xuất của Bộ Tài chính về áp thuế 0,4% phần giá trị vượt 700 triệu đồng với nhà ở, các chuyên gia đặt câu hỏi, người dân có “quyền và nghĩa vụ” nộp thuế, thì quyền của người dân ở đâu? Cơ sở nào để đặt ra thuế suất này? Cách tính ra sao?

Như Báo PNVN đã phản ánh, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất áp thuế 0,4% phần giá trị vượt 700 triệu đồng với nhà ở, trong dự thảo Luật thuế tài sản, đã gây ra phản ứng của người dân, đặc biệt là người nghèo, người có mức thu nhập vừa phải ở đô thị.

Trao đổi với PV Báo PNVN, luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật Trường Sơn, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đặt vấn đề: Câu hỏi lớn nhất cần đặt ra với Bộ Tài chính là “cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý nào để đưa ra sắc thuế tài sản là bất động sản?”. Phản ứng dữ dội của người dân với đề xuất loại thuế mới này là hoàn toàn dễ hiểu. Nhà nước càng cần phải lý giải rõ, đầy đủ được cơ sở đặt ra một loại thuế áp lên đại bộ phận người dân, trong đó bao gồm cả dân nghèo, người thu nhập thấp ở đô thị.

Công dân có nghĩa vụ đóng thuế xây dựng phát triển đất nước, theo ông Tuấn, đây là quyền lợi cũng là nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, quyền lợi của người dân ở đây là gì? Trong khi thực tế, có những đất ở đã tồn tại qua nhiều đời, người dân dùng để ở, không kinh doanh. Người dân lại càng cảm thấy vô lý hơn, khi “một ngày đẹp trời giá đất tăng lên cao, người dân phải nộp thuế với chính mảnh đất mình đang ở qua nhiều đời, mà chưa được nghe sự giải thích hợp lý, có sức thuyết phục nào”.

ls-truong-anh-tuan.jpg
Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật Trường Sơn 


Luật sư Trương Anh Tuấn cho rằng, nếu nhắm vào giới đầu cơ, thì đánh thuế với chủ sở hữu căn nhà thứ 2 trở lên, bởi một người không thể ở 2 ngôi nhà thì chính là đầu cơ và nên đánh thuế. Nhưng Bộ Tài chính lý giải việc đánh thuế từ nhà thứ 2 "không công bằng và khó triển khai trên thực tế"; thì đó là lỗi do quản lý bất cập. Không thể lấy lý do này để ngụy biện và áp thuế với mọi loại đối tượng chủ sở hữu, bao gồm cả người nghèo, người chỉ có khả năng mua nhà xã hội.

Với đề xuất áp thuế 0,4% phần giá trị nhà vượt 700 triệu đồng là “đánh thuế vào sự tồn tại của tài sản”, là làm cho giá trị tài sản đi xuống và triệt tiêu sự tồn tại của tài sản. 

Điểm bất hợp lý nữa là mâu thuẫn trong kỹ thuật xây dựng chính sách thuế, khiến “thuế chồng thuế”. Người dân có được thu nhập đã phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Khi mua bất động sản đã phải trả thuế thu nhập cho người bán một lần nữa (trích từ trong giá thành của bất động sản); rồi nộp lệ phí chuyển nhượng, trước bạ, thuế đất... Thậm chí, mỗi viên gạch, thép, xi măng để xây một ngôi nhà cũng đã có những khoản thuế đi kèm.

Theo ông Tuấn, đề xuất của Bộ Tài chính về chính sách thuế mới này là đánh vào mọi loại đối tượng sở hữu nhà ở. Nhà nước thu thêm được một đồng thuế nhưng “lợi bất cập hại”. Bởi lẽ, đơn giá thu tiền đất trên thực tế là đang thu trên giá trị kê khai. Giao dịch bất động sản trong dân có giá cao nhưng khi kê khai để nộp thuế cho nhà nước lại thấp. Thậm chí, ngay chính Nhà nước cũng đang tồn tại 2 loại giá đất, ví dụ như giá đất để đền bù giải phóng mặt bằng khác xa với giá thị trường. Chính nhà nước cũng không thể đồng nhất 2 loại giá này được mà vẫn tồn tại song song 2 giá khác nhau. Nếu áp dụng chính sách thuế nhà ở này, sẽ càng khiến “người dân vào thế phải vi phạm pháp luật”, bán nhà giá trị cao, nhưng kê khai thật thấp và Nhà nước thất thu số tiền lớn từ thuế thu nhập cá nhân.

thue-nha.jpg
Để có được một căn hộ, người dân thêm gánh nặng với tình trạng "thuế chồng thuế". Ảnh minh họa H. Hòa

 


Với dự thảo Luật thuế tài sản, bên cạnh thuế nhà còn đánh thuế một số tài sản khác như ô tô, máy bay, tư liệu sản xuất… là loại thuế trực thu đánh thẳng vào chủ sở hữu. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng Bộ Tài chính cần làm rõ cho người dân và doanh nghiệp biết “mức thuế suất 0,4% dựa trên căn cứ nào?”, ai thực thi quy trình định giá, cách định giá thế nào?

Không chỉ vậy, theo ông Vũ Đình Ánh, các tài sản là nhà, ô tô, tàu thuyền đều là tài sản tiêu dùng, có tăng giảm giá theo thời gian, thì lấy gì làm chuẩn và các công cụ định giá, tính thuế, thu thuế thế nào, rất cần phải làm rõ với người dân.

Trước đó, ngày 13/4,  Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo dự án Luật thuế tài sản, trong đó đề xuất với mọi chủ sở hữu nhà, gồm cả chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh… có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên áp thuế suất là 0,4% cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng.

Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án là tính thuế suất 0,3% và 0,4% giá trị căn hộ vượt 700 triệu đồng. Bộ này nghiêng về đề xuất tính thuế suất 0,4% 

Với nhà căn hộ chung cư, giá để tính thuế theo Luật này là giá tính theo diện tích ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.

Còn với đất ở, sẽ có 2 phương án xác định giá để tính thuế. Phương án 1 là theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế. Phương án 2 là tính theo giá 1m2 đất trên thị trường tại thời điểm tính thuế. 

Theo tính toán, với mức thuế suất 0,4%, ngân sách thu về 31.000 tỉ đồng/năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm