Thương chiến Mỹ - Trung khiến kinh tế thế giới chao đảo

24/08/2019 - 20:12
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong suốt năm qua và gây bất an cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cuộc chiến tiếp tục đẩy lên mức căng thẳng lịch sử khi hai bên vừa có động thái trả đũa quyết liệt khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo.
Cuộc chiến không hồi kết
 
Giới quan sát nhận định, chịu tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại sẽ là Mỹ và Trung Quốc nhưng hệ lụy của nó sẽ xảy ra với nhiều bên, với tác động dây chuyền lan tỏa. Thị trường tài chính thế giới chao đảo, chứng khoán Mỹ tụt giảm sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump dồn dập tấn công Trung Quốc, sau đòn đáp trả cứng rắn của Bắc Kinh. Cuộc chiến ăn miếng trả miếng đã lên mức căng thẳng lịch sử. Cuộc chiến thuế quan của Mỹ và Trung Quốc đã được đẩy lên nấc mới khi hai bên vừa có động thái trả đũa quyết liệt.
  
Ngày 23/8, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 5% hoặc 10% đối với 75 tỉ USD hàng nhập khẩu của Mỹ bắt đầu từ ngày 1/9. Thực ra thì Trung Quốc đã áp thuế hết với 110 tỉ USD hàng Mỹ rồi nên đợt thuế bổ sung này có thể khiến 75 tỉ USD hàng Mỹ bị thuế từ 25% lên thành 30% hay 35%.
 
Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ tuyên bố vào 4h sáng 24/8: Bắt đầu từ ngày 1/10, có 250 tỉ USD hàng hóa và sản phẩm từ Trung Quốc, hiện đang bị đánh thuế ở mức 25%, sẽ bị đánh thuế ở mức 30%. Ngoài ra, 300 tỉ USD còn lại của hàng hóa và sản phẩm từ Trung Quốc, đã bị đánh thuế từ ngày 1/9 ở mức 10%, giờ sẽ bị đánh thuế ở mức 15%.
 
 
chien-tranh-thuong-mai-my-trung-bat-dau-khi-nao.jpg

  

Ông Trump phê phán Cục Dự trữ Liên bang vì không cắt giảm lãi suất, động thái thường dành cho trường hợp kinh tế trì trệ. Tổng thống Trump vẫn công kích cá nhân như thói quen thường ngày, vẫn thường nhắm đến Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang (Fed) Jerome H. Powell. Nhưng lần này, ông Trump đi xa hơn mọi tổng thống tiền nhiệm, khi so sánh ông Powell với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Tôi tự hỏi, ai là kẻ thù lớn hơn của chúng ta, ông Powell hay Chủ tịch Tập”, ông Trump viết trên Twitter. Chưa bằng lòng ở đó, ông Trump đơn phương ra lệnh cho các công ty tư nhân rời khỏi Trung Quốc, sự can thiệp chưa từng có vào khu vực kinh tế tư nhân và thị trường, điều chưa tổng thống Mỹ nào từng làm. Việc Tổng thống Trump gọi ông Tập là kẻ thù và so sánh với Chủ tịch Fed thể hiện mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo đang ở mức xấu chưa từng thấy. Diễn biến này có thể ảnh hưởng tới khả năng đạt thỏa thuận thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
  
Tổng thống Mỹ cũng khẳng định, sẽ tiếp tục tăng áp lực lên Bắc Kinh như là một phần trong chiến dịch lâu dài nhằm buộc Bắc Kinh phải thay đổi hành vi thương mại không công bằng, mà ở đây là với Mỹ.
 
Cơn địa chấn của nền kinh tế toàn cầu
 
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp sau những động thái mới nhất từ lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, khiến thị trường tài chính chao đảo và làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đòn đánh thuế ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc như cơn địa chấn mới đối với thị trường chứng khoán, và cổ phiếu đã rớt giá mạnh. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 23/8 (rạng sáng 24/8 giờ Việt Nam), tất cả các chỉ số chứng khoán Mỹ tụt giảm, chỉ số công nghiệp Dow Jones “bốc hơi” hơn 600 điểm sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump dồn dập tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc và yêu cầu các nhà sản xuất Mỹ rời khỏi nền kinh tế thứ 2 thế giới. Cụ thể, chốt phiên giao dịch chỉ số Dow Jones rớt 623,34 điểm (tương đương 2,4%) xuống 25.628,9 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm 2,6% xuống 2.847,11 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq sụt 3% xuống 7.751,77 điểm. Như vậy, tất cả các chỉ số chứng khoán của Mỹ đều đã nhanh chóng xa rời các ngưỡng lịch sử vừa đạt được vài tuần trước đó.
 
 
chung-khoan.jpg
Thị trường chứng khoán chao đảo

  

Chỉ tính riêng trong tháng 8, chỉ số Dow Jones đã mất hơn 4% và diễn biến xấu có thể còn tiếp tục xảy ra trong tuần mới khi mà các thị trường tài chính chứng khoán châu Á và châu Âu sẽ trở lại giao dịch và sẽ có những phản ứng được cho là rất tệ hại. Chứng khoán Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ có thể sẽ có những biến động mạnh khi mà hoạt động giao dịch của tuần mới bắt đầu.
 
 
dau.jpg
Giá dầu thế giới giảm mạnh

  

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/8, sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế quan trả đũa lên hàng hóa Mỹ, trong đó có dầu thô - một động thái làm gia tăng lo ngại về sức khỏe nền kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Lúc đóng cửa tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô WTI giao tháng 10 giảm 1,18 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 54,17 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu WTI giảm 1,2%. Tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent giao tháng 10 giảm 0,58 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 59,34 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu Brent tăng 1,2% trong tuần này. Giá dầu đang nhanh chóng phản ánh mối quan hệ ngày càng xấu giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng của tình trạng này đối với nền kinh tế toàn cầu.
 
 
tien.jpg
Kinh tế toàn cầu ảnh hưởng nặng nề

  

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm nay và năm sau do ảnh hưởng của những xung đột thương mại. IMF cảnh báo rằng nếu căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang vào năm 2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang đua nhau hành động để tránh khỏi "cơn bão"này. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã giảm lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng phát tín hiệu về việc sẽ nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ tuyên bố hạ lãi suất lần thứ tư liên tiếp, trùng với động thái hạ lãi suất của ngân hàng trung ương Thái Lan và hạ lãi suất nhiều hơn dự báo của Ngân hàng Dự trữ New Zealand. Các nhà phân tích nhận định rằng, những sự kiện gần đây liên tục khiến các nhà đầu tư phải đau đầu và có thể buộc các ngân hàng trung ương có những động thái mạnh mẽ hơn nữa.
 
Cuộc chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều nước đứng giữa làn đạn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Kurt Wee, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Singapore cho biết, nhóm doanh nghiệp này bắt đầu chịu tổn thương bởi các tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại. Singapore là một trung tâm xuất khẩu chất bán dẫn lớn tại châu Á, bên cạnh Ðài Loan và Hàn Quốc. Ðây là quê nhà của 50 - 60 nhà sản xuất chất bán dẫn với sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc. Giá nguyên liệu đầu vào tăng tới 30 - 50% bởi họ phải mua từ các nhà cung cấp Mỹ.
 
 
ssan-xuat-o-to-duc.jpg
Nền sản xuất ô tô của Đức bị ảnh hưởng lớn

  

Kinh tế Đức vốn có mức độ phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và Mỹ - hai quốc gia đang lún sâu vào cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm qua. Nhu cầu yếu đi của thị trường ô tô toàn cầu đang gây thiệt hại doanh số cho các hãng xe Đức, vốn là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế nước này. Nhu cầu xe đặc biệt giảm mạnh tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Doanh số bán xe mới ở Trung Quốc đã giảm tháng 13 liên tiếp, đánh dấu đợt giảm chưa từng có trong lịch sử. Sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu giảm hơn 5% so với năm trước.
 
Doanh nghiệp và người dân hai nước đều tổn thương
 
Thực tế là nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc nói riêng đều đang chịu các tác động trực tiếp từ cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Chiến tranh thương mại đang ảnh hưởng không nhỏ tới tổng thể tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. GDP nước này đạt mức tăng trưởng 6,2% trong quý II, mức thấp nhất trong vòng 27 năm qua. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 7,8% vào tháng 6 năm nay so với cùng kỳ năm trước. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang buộc các nhà sản xuất và buôn bán Trung Quốc đa dạng hóa thị trường của họ, nhất là khi nó đã gần kéo dài tới năm thứ hai mà vẫn chưa có dấu hiệu về một giải pháp nào. Trong khi đó, sản lượng của các nhà máy giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Các lãnh đạo của các ngân hàng Trung ương tại châu Âu, châu Á và Australia đều cắt giảm lãi suất trong những tuần gần đây. Doanh thu của xuất khẩu Mỹ cũng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 8/2009. Khi xuất khẩu giảm, các nhà sản xuất sẽ phải đối phó bằng cách cắt giảm sản xuất và dẫn tới việc giảm số lượng các công việc.
 
 
hang-hoa.jpg
Hàng hóa xuất khẩu của hai nước Mỹ, Trung đang giảm sút

  

Giá thực phẩm ở Trung Quốc đang tăng cao và có khả năng còn tăng cao hơn nữa do nước này dừng nhập nông sản Mỹ trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung căng thẳng. Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 9,3 tỷ USD nông sản từ Mỹ. Do dân số đông và diện tích đất canh tác hạn chế, nước này ngày càng phụ thuộc vào nguồn nông sản nhập khẩu. Nếu buộc phải tìm đối tác thương mại mới để củng cố an ninh lương thực, Trung Quốc có thể phải chấp nhận trả mức giá cao hơn để mua hàng, bởi các nước xuất khẩu sẽ tận dụng nhu cầu cấp bách của Trung Quốc để tăng giá bán.
 
 
thit-heo-tq-nhap-tu-my.jpg
Nguồn thịt lập nhập khẩu từ Mỹ bị ảnh hưởng khiến giá sẽ bị tăng cao

  

Nền kinh tế Trung Quốc đang chịu tổn thất nhưng người tiêu dùng Mỹ và nhiều ngành khác của nền kinh tế Mỹ cũng vậy. Những người nông dân bang Iowa đang phải chịu những tác động mạnh mẽ và có nguy cơ vĩnh viễn mất đi 1 thị trường xuất khẩu. Trung Quốc sẽ áp 5% thuế bổ sung lên đậu nành Mỹ và nhập khẩu dầu thô bắt đầu từ tháng sau. Bắc Kinh cũng áp thuế 25% lên ô tô Mỹ từ ngày 15/12 và áp thuế 10% với một số phương tiện. Với các mức thuế chung hiện nay đối với hàng hóa tự động, tổng mức thuế mà ô tô Mỹ phải chịu có thể cao tới 50%.
 
Cuộc chiến thương mại đã tác động mạnh đến nông nghiệp Mỹ. Xuất khẩu nông sản nước này sang Trung Quốc đã giảm từ 19,5 tỷ USD trong năm 2017 xuống còn 9,2 tỷ USD trong năm 2018. Các vụ phá sản trang trại đã tăng 13%. Ngoài ra, nếu thương chiến với Mỹ không sớm kết thúc, Mỹ có thể mất vĩnh viễn thị phần đậu tương ở Trung Quốc. Trong năm 2018, đậu tương Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 3,1 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc.
 
 
dau-tuong-my.jpg
Mỹ sẽ mất thị phần đậu tương ở Trung Quốc

 

Chiến lược gia Dubravko Lakos-Bujas thuộc ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase nhận định, thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ xóa gần hết lợi ích mà các hộ gia đình Mỹ nhận được từ chương trình cắt giảm thuế quy mô lớn mà ông Trump và Đảng Cộng hòa của ông thông qua hồi cuối năm 2017. Thuế quan mà ông Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc gây thiệt hại bình quân 600 USD/năm cho mỗi hộ gia đình ở Mỹ. Thiệt hại này sẽ tăng lên 1.000 USD nếu ông Trump thực thi kế hoạch áp thuế quan lên nốt 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như đã công bố.
 
Còn ông Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates thì cho rằng, nền kinh tế Mỹ đang chuyển hướng xấu hơn và có khả năng 40% nước này sẽ rơi vào suy thoái kinh tế trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Dấu hiệu này xuất hiện giữa lúc thương chiến Mỹ-Trung căng thẳng, đe dọa hoạt động thương mại toàn cầu và khiến các doanh nghiệp cắt giảm, trì hoãn quyết định đầu tư.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm