Thưởng Tết 2019: Người nhận tiền tỷ, người ngậm ngùi tay trắng

27/12/2018 - 10:31
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành đang tập hợp báo cáo của các doanh nghiệp về tình hình lương năm 2019 và kế hoạch thưởng Tết năm 2019 cho người lao động. Theo nhiều chuyên gia dự báo, năm nay mức thưởng Tết sẽ không có nhiều đột biến so với năm ngoái.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh vừa cho biết: Qua khảo sát gần 2.000 doanh nghiệp trên địa bàn, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 1,170 tỷ đồng, thuộc về một ngân hàng. Còn mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp tại thành phố này là 10,032 triệu đồng/ người.

Thậm chí, Tết năm 2019, sẽ có khoảng 4 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo gặp khó khăn không có thưởng Tết cho người lao động.

Còn với Tết Dương lịch, mức thưởng bình quân chung của các doanh nghiệp tại TP HCM là 4,4 triệu đồng/người, cao hơn năm trước 28%.

Như Báo PNVN điện tử đã đưa, tổng hợp báo cáo từ hơn 350 doanh nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, mức thưởng Tết Dương lịch bình quân của các doanh nghiệp tại tỉnh này là 1,195 triệu đồng/người. Còn mức thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi bình quân là 5,9 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất nằm trong khối doanh nghiệp FDI là 350 triệu đồng.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, dự báo: Căn cứ vào tình hình kinh tế hiện nay, “mức thưởng Tết 2019 của doanh nghiệp sẽ không có nhiều đột biến so với năm Tết 2018. Nhiều khả năng, mức thưởng Tết sẽ ngang bằng năm trước”.

Đại đa số doanh nghiệp sẽ áp dụng việc thưởng tháng lương thứ 13 và có thể bổ sung khoản thưởng theo hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo dõi diễn biến thưởng tết qua các năm cho thấy, mức thưởng cao nhất thường thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) – thưởng cao nhất trong 4 nhóm doanh nghiệp được khảo sát (gồm Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; doanh nghiệp FDI; doanh nghiệp dân doanh).

 

lao-dong-nu_0802170839.jpg
Đại bộ phận người lao động được nhận thưởng Tết là tháng lương thứ 13. Ảnh minh họa

 

Theo ông Phạm Minh Huân, việc thưởng tết theo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nên có một vài cá nhân sẽ có tiền thưởng rất cao, lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Còn lại, đại bộ phận người lao động sẽ được thưởng tết bằng tháng lương thứ 13.

Lý giải về mức thưởng tết của các doanh nghiệp Nhà nước qua nhiều năm không thể "bật" lên được, theo ông Phạm Minh Huân, danh nghiệp Nhà nước khó có mức cao vì quy định tài chính. Theo đó, tổng quỹ lương, quỹ khen thưởng và phúc lợi quy định chỉ tối đa 3 tháng tiền lương trong cả năm.

Theo Bộ luật lao động năm 2012, quy định về tiền thưởng cho người lao động tại Điều 103, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Như vậy, pháp luật không có quy định việc bắt buộc phải thưởng tết đối với người lao động mà chỉ khuyến khích người sử dụng lao động thưởng tết, phụ cấp để hỗ trợ người lao động.  

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH, đã có công văn đề nghị 63 Sở LĐ-TB&XH thống kê kế hoạch thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2019 ở 4 nhóm doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; doanh nghiệp FDI; doanh nghiệp dân doanh.

Mục tiêu thống kê cũng hướng tới số lao động trong doanh nghiệp; mức tiền thưởng cao nhất, thấp nhất và trung bình. Tuy nhiên, số doanh nghiệp khảo sát trung bình các năm chỉ chiếm khoảng 10% tổng số doanh nghiệp. Do đó, khảo sát chỉ mang tính phác thảo về lương thưởng Tết.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm