pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thưởng Tết với giáo viên thời dịch: Vẫn còn… xa vời
Cô giáo Hà Kim Phượng (trường Tiểu học Bắc Lệnh, TP Lào Cai) trong một giờ lên lớp
Chạnh lòng khi nói đến thưởng Tết
Cô giáo Lê Thị Oanh dạy tại cơ sở mầm non tư thục Kim Cương Vàng - KP2 Trảng Dài (TP Biên Hòa, Đồng Nai) từ tháng 11/2020. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cơ sở mầm non phải đóng cửa, giáo viên nghỉ không lương từ tháng 5/2021 đến nay. Vậy là đã 8 tháng cô Oanh không có lương, phải làm nhiều công việc khác nhau để có thu nhập nhưng rất bấp bênh.
"Trong thời điểm dịch bệnh, chúng tôi có nhận được một phần hỗ trợ từ nhà nước là gói hỗ trợ 1,5 triệu đồng từ UBND tỉnh Đồng Nai và gói hỗ trợ 3,7 triệu đồng từ BHXH tỉnh Đồng Nai. Tôi đã tìm kiếm một số công việc làm thời vụ khác để có thu nhập trong thời điểm nghỉ dạy nhưng thu nhập không ổn định. Không biết thời gian chính xác khi nào đi dạy lại nên tâm lý rất hoang mang, chán nản. Tôi không biết nên nghỉ dạy để tìm một công việc khác hay đợi nhà trường thông báo đi dạy lại, bởi tình cảm với học trò, đồng nghiệp gắn bó không dễ gì bỏ được", cô Oanh chia sẻ.
Cô Oanh mong muốn nhà nước có thể hỗ trợ các trường mầm non tư thục một phần kinh phí để duy trì hoạt động trong thời điểm nghỉ dịch. Khi được hỏi về thưởng Tết, cô Oanh buồn bã cho biết, đến bây giờ vẫn không có thông tin về việc này.
Cũng như cô Oanh, cô Trần Thanh Nga, giáo viên một trường mầm non tư thục tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), lại thấy chạnh lòng khi được hỏi về thưởng Tết. "Tiền lương còn không có, mong gì thưởng Tết! Giờ tôi chỉ mong được đi dạy lại để có thu nhập, chứ nghỉ dạy cả năm nay rồi, thu nhập không có, phụ cấp, hỗ trợ xã hội chẳng đáng là bao", cô Nga ngậm ngùi.
Cô Nga dạy mầm non tư thục từ năm 2019, đến đầu năm 2020, cô nghỉ sinh con nhỏ. Sau khi nghỉ sinh con, cô chưa kịp đi dạy lại thì dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động của trường bị gián đoạn. Cứ đi dạy được vài buổi lại nghỉ dạy do dịch. Thời gian đầu, nhà trường còn cố gắng hỗ trợ lương cho giáo viên để chờ hết dịch quay lại trường, song từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh kéo dài khiến cho trường phải đóng cửa, nhà trường cũng không thể gồng gánh được tiền lương cho giáo viên nên đành cho nghỉ không lương. Trong khi đó, cô Nga phải nuôi con nhỏ, chồng thì làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh. Mặc dù được các cấp công đoàn, tổ chức xã hội hỗ trợ nhưng không đáng kể bởi cả năm không có thu nhập.
Còn rất nhiều cô giáo mầm non tư thục không dám "mơ" đến thưởng Tết, bởi các cô hiện không có nguồn thu nhập nào mà phải sống dựa vào gia đình, tiền tích lũy. Các cô chỉ mong trường học sớm mở cửa trở lại để được đi dạy, có thu nhập trang trải cuộc sống, còn chuyện thưởng Tết thì đành ngậm ngùi chờ... sang năm.
Mong đồng nghiệp nào cũng "có Tết"
Không quá khó khăn như giáo viên mầm non tư thục, đa số các thầy cô giáo cấp tiểu học, THCS và THPT do chuyển sang chế độ dạy và học online nên vẫn có thu nhập. Tuy nhiên, thưởng Tết năm nay chắc hẳn không được như mọi năm.
Cô giáo Lương Anh Thư (Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết, tuy tình hình dịch bệnh kéo dài nhưng nhà trường vẫn cố gắng giữ nguyên thu nhập cho cán bộ, giáo viên. Cô Thư bày tỏ niềm hạnh phúc vì bản thân mình còn có nghề, có lương trong khi nhiều người bị thất nghiệp, đặc biệt nhiều đồng nghiệp là giáo viên mầm non tư thục còn phải nghỉ không lương kéo dài.
Chia sẻ về chuyện thưởng Tết, cô Thư cho biết, đối với giáo viên, việc thưởng Tết cũng không nhiều như nhiều ngành khác. Đặc trưng thưởng của đơn vị cũng tùy thuộc vào kết quả trong quá trình thầy cô phấn đấu trong năm, tham gia các cuộc thi của ngành, bồi dưỡng học sinh giỏi... nên thầy cô nào có thành tích cao thì được xứng đáng với mức thưởng cao nhất. Năm nay dịch bệnh, thưởng Tết có lẽ không được như mọi năm, song vì tình hình chung nên cô Thư cảm thấy mình vẫn còn may mắn.
"Thực sự mức lương giáo viên chúng tôi không cao so với trách nhiệm của nghề, nhất là trong giai đoạn những năm gần đây. Thầy cô bộ môn năng khiếu như chúng tôi ngoài đồng lương ra thì không có thêm một khoảng thu nhập nào để gọi là đủ cho cuộc sống gia đình hiện tại. Thay vào đó, chúng tôi phải làm thêm để trang trải", cô Thư tâm sự.
Là nhà giáo, cũng là mẹ của 2 đứa con, cô Thư chia sẻ rằng bản thân rất thấu hiểu những khó khăn của các đồng nghiệp khi không có thu nhập hoặc giảm thu nhập, không có thưởng Tết trong tình hình hiện nay. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, cô cũng mong mọi đồng nghiệp đều "có Tết".
Còn cô Nguyễn Thị Vọng, giáo viên trường THPT Lê Văn Thịnh (Gia Bình, Bắc Ninh), cho biết, năm nay, khi dạy học trực tuyến thì số tiết và thời gian vẫn như học trực tiếp nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản không thu học phí nên thu nhập của giáo viên sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Cô mong muốn được nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để giảng dạy cũng như trang trải cuộc sống trong thời gian dịch bệnh kéo dài, để các thầy cô chuyên tâm với nghề, kiên trì chờ hết dịch quay trở lại trường.
"Chúng tôi là giáo viên THPT nên chẳng năm nào có thưởng cả. Còn nếu năm nay nhà nước có hỗ trợ tháng lương 13 thì chúng tôi mừng lắm!", cô Nguyễn Thị Vọng chia sẻ.
May mắn hơn những giáo viên khác, cô Hà Kim Phượng (Trường Tiểu học Bắc Lệnh, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) chia sẻ, năm 2021, cô vẫn đến lớp dạy trực tiếp, có thời điểm dạy online thì cô cũng như đồng nghiệp vẫn được giữ nguyên lương. Còn thưởng Tết, cho đến thời điểm hiện tại, phía nhà trường chưa có thông tin. Đồng quan điểm với những giáo viên khác, cô Hà Kim Phượng cho biết rất mong đợi nhà nước và các tổ chức xã hội sẽ có chính sách hỗ trợ để các cô giáo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là giáo viên mầm non, có tiền thưởng Tết.
Tháng 5/2018, hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) thông qua nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương. Chính phủ sau đó ấn định thời gian bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2021.
Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Giáo dục là ngành có số lượng viên chức lớn nhất hiện nay. Chính sách trên được nhiều cán bộ, giáo viên chờ đợi với hy vọng tiền lương, thưởng được cải thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch kéo dài, chủ trương trên đã phải lùi lại 2 năm liên tiếp. Ban đầu, Trung ương dự kiến lùi thời điểm cải cách tiền lương 1 năm, tức là từ 1/7/2022 thay vì 1/7/2021. Sau đó các cấp có thẩm quyền tiếp tục quyết định chưa thực hiện trong năm 2022.