Gồng mình chống “giặc lửa”
Chứng kiến cảnh quân và dân Nghệ An, Hà Tĩnh đồng lòng cùng chiến đấu với “giặc lửa” lịch sử trong mấy ngày vừa qua mới thấu hiểu nỗi gian nan, vất vả mà người dân xứ này đã trải qua để cứu rừng, cứu tài sản của nhân dân, cứu tài nguyên của đất nước.
Liên tiếp nhiều ngày qua, bản đồ của tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An dường như chìm trong một màu đỏ khi “giặc lửa” thiêu rụi những cánh rừng phòng hộ ở khắp các huyện, từ Nghi Xuân đến Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ (thuộc tỉnh Hà Tĩnh) lan rộng sang xã Khánh Sơn, Nam Kim (thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)…
Trước đó, vào trưa 28/6, một vụ cháy rừng lớn xảy ra tại khu vực rừng thông tiểu khu 92A thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân. Từ điểm phát cháy ban đầu ở vùng núi xã Xuân Hồng, ngọn lửa sau đó lan rộng sang các khu rừng thuộc Tổ dân phố 2, 3 của thị trấn Xuân An.
Do nắng nóng cộng với gió Lào thổi mạnh nên việc tiếp cận và khống chế gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền huyện Nghi Xuân đã phải huy động hơn 1.000 cán bộ gồm lực lượng công an, Tiểu đoàn Đặc công D31 (Bộ Tư lệnh Quân khu 4), quân sự, kiểm lâm, dân quân tự vệ, đội PCCC Công an huyện Nghi Xuân và người dân đến dập lửa.
Khu vực rừng phòng hộ bị hỏa hoạn nằm sát Quốc lộ 1A với hơn 100 hộ dân thị trấn Xuân An sinh sống. Đêm 28/6 là đêm không ngủ của người dân nơi đây. Cùng với sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng, công tác di dân được tiến hành khẩn cấp.
Đến khoảng 23h ngày 28/6, ngọn lửa được khống chế. Tuy nhiên, đến 2h sáng ngày 29/6, ngọn lửa lại bùng phát trở lại, có nguy cơ uy hiếp nhiều nhà dân và một cây xăng lớn trên Quốc lộ 1A.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Phạm Tiến Hưng cho biết, đây là vụ cháy rừng thông lớn nhất từ trước tới nay. “Có hơn 1.000 người được huy động ứng cứu vụ cháy rừng được xem là lớn nhất từ trước tới nay ở huyện Nghi Xuân; hàng chục xe cứu hỏa của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được điều động tới hiện trường. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, hơn 100 hộ dân tại tổ dân phố 1, thị trấn Xuân An đã được di dời. Những đồ đạc có giá trị của các hộ dân cũng được sơ tán đề phòng trường hợp lửa bén, cháy nhà dân, gây thiệt hại về kinh tế", ông Hưng cho biết.
Đượm tình quân dân
Trong cuộc chiến với “giặc lửa”, bất chấp sức nóng tỏa ra hừng hực, lửa táp rát mặt, nhiều cán bộ Kiểm lâm, chiến sỹ Công an quần, áo, gương mặt bị sạm đen vì khói bụi, người mệt lả, mồ hôi ướt đẫm, với những dụng cụ thô sơ, nhưng các anh đã “vào trận” với quyết tâm cao, bởi sự dũng cảm, kiên cường, đoàn kết hiệp đồng ăn ý, bao vây phong tỏa ngọn lửa, phát quang tạo vành đai an toàn bảo vệ những lô rừng chưa bị cháy.
Đất trời miền Trung những ngày qua như chìm trong chảo lửa. Lửa ngùn ngụt nuốt chửng những cánh rừng uy hiếp nhà dân… Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng huy động tối đa lực lượng tham gia chữa cháy. Nắng, nóng đổ lửa. Và cháy rừng. Ngọn lửa rừng rực, hung dữ táp những cánh rừng xanh mướt của 2 tỉnh miền Trung. Trong cái ngột ngạt vô cùng của lửa, của khói, của tàn bụi phủ kín vùng đất, vùng rừng bên bờ sông Lam, những chiến sĩ Công an, Bộ đội, nhân viên Kiểm lâm, dân quân địa phương… tay ống, tay gùi, nhễ nhại mồ hôi và lấm lem khói bụi, cắt rừng xuyên đêm chữa cháy.
Ông Lê Thanh Hải (78 tuổi, ngụ thôn 7, xã Xuân Hồng) nói, sống dưới chân núi Hồng Lĩnh suốt mấy chục năm nay, chưa bao giờ ngọn núi này lại xảy ra cháy lớn đến như vậy. “Nếu như không có các chú bộ đội và công an, thì tôi dám chắc khu vực dân cư sẽ bị lửa lan tới. Rú (núi) Hồng Lĩnh hết cây là hiển hiện. Phải phục các chú ấy, giữa biển lửa mênh mông như thế mà vẫn kiên trì bám trụ suốt 3 ngày 2 đêm để dập lửa. Tất cả cũng vì sự an nguy của người dân”, ông Hải nói.
Với người dân ở tổ dân phố 1, TT.Xuân An, H.Nghi Xuân (Hà Tĩnh), chưa khi nào phải chứng kiến cánh rừng phòng hộ trên núi Hồng Lĩnh gần nhà cháy lớn, kéo dài đến như vậy.
Để đảm bảo an toàn, gia đình anh Hùng và 79 hộ dân lân cận buộc phải sơ tán ngay trong đêm. Tiếng kẻng, tiếng loa phóng thanh của chính quyền địa phương liên tục vang lên thúc giục người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Để chia sẻ những vất vả cùng lực lượng chức năng, ông Lê Văn Hồng - chủ Trung tâm tổ chức sự kiện nhà hàng Minh Hồng, ở TP.Vinh, tỉnh Nghệ An cùng vợ và hàng chục nhân viên đã chuẩn bị những suất cơm mang từ thành phố Vinh đến thị trấn Xuân An và xã Xuân Hồng để phục vụ bữa tối cho lực lượng tham gia chữa cháy tại núi Hồng Lĩnh.
“Thấy giữa trời nắng nóng như đổ lửa mà hàng nghìn người gồng mình cứu rừng, tôi bàn với vợ nấu những suất ăn tiếp sức cho mọi người cùng nhau chống chọi với “giặc lửa””, ông Lê Văn Hồng - chủ Trung tâm tổ chức sự kiện nhà hàng Minh Hồng, ở TP.Vinh, tỉnh Nghệ An - chia sẻ.
Ông cùng vợ và các nhân viên chuẩn bị hàng trăm suất cơm, nước uống… mang lên tận hiện trường tiếp sức cho lực lượng cứu hỏa. Những chiến sĩ PCCC, bộ đội, dân quân, công an… mặt vẫn lấm lem bụi, than, tấm áo ướt đẫm mồ hôi… ăn vội suất cơm rồi tiếp tục bước vào cuộc chiến với “bà hỏa” cứu rừng…
Gian nan là vậy, nhưng những người lính, những đoàn viên thanh niên và người dân của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn luôn ở trong tư thế sẵn sàng lên đường để cứu rừng - cứu lá phổi xanh và đảm bảo an toàn cho các hộ dân sống ở bìa rừng.
Mất mát đau thương
Trong cái nắng oi ả của vùng “chảo lửa” xứ Nghệ, đám tang của bà Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1964 ở xóm Thung Huyện) xã Nam Kim, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dường như là nỗi mất mát chát mặn tột cùng nhất với người thân, hàng xóm láng giềng, chính quyền địa phương và trong sâu thẳm ruột gan của những người dân xứ Nghệ. Bà chính là người đã tử vong trong lửa rừng khi hỗ trợ người dân dập lửa trong đám cháy 10 tiếng tại xã Nam Kim, Nam Đàn ngày 30/6.
Không khí tang thương, tiếng khóc than ai oán bao trùm lấy căn nhà. Bên chiếc quan tài người con trai thứ Nguyễn Đình Kỷ khóc ngất đi gọi tên mẹ mình, anh cố níu lấy chiếc quan tài, đến gần bên bàn thờ lập vội…gọi tên mẹ mình trong vô vọng.
Ngày 30/6 định mệnh, đám cháy rừng bùng lên trên địa bàn xã Nam Kim. Khi người con trai thứ 2 của bà cùng người dân lao lên dập lửa, thương con, chia sẻ với hàng xóm đang đương đầu với đám cháy, bà Hoa tất tả chuẩn bị nước uống để lên tiếp sức cho mọi người.
Thời khắc đau đớn xảy ra vào lúc 10 giờ ngày 30/6, ngọn lửa bất ngờ bùng lên và bủa vây xung quanh bà Hoa. Bà vùng vẫy để chạy thoát nhưng đành bất lực vì sức yếu cộng với địa hình dốc núi. Sau nhiều nỗ lực, cơ quan chức năng đã tiếp cận được khu vực bà Hoa gặp nạn. Lúc mọi người vào tới nơi thì phát hiện bà Hoa đã tử vong ngay dưới gốc một cây thông, thi thể cháy sém.
“Biển lửa” bao trùm, nuốt chửng lấy những cánh rừng xanh xứ Nghệ, những cánh rừng ngày đêm vẫn đang âm ỉ lửa, cả trăm héc ta rừng đã bị thiêu rụi. Bà Hoa cùng hàng ngàn người vẫn không quản ngày đêm vắt kiệt sức mình chữa cháy, cứu rừng, cứu tài sản của nhân dân, cứu tài nguyên của đất nước… và cũng là lần cuối mọi người còn nhìn thấy bà.
Những đợt cháy dữ dội đã phủ kín một màu đỏ khắp các cánh rừng của Nghệ Tĩnh. Nỗi đau thương, quặn thắt… nói sao hết nên lời với những mất mát đó.