'Thủy điện Hố Hô xả lũ' làm nóng phiên chất vấn tại nghị trường

15/11/2016 - 15:00
Vụ việc xả lũ của thủy điện Hố Hô gây “lũ chồng lũ”, ảnh hưởng lớn tới đời sống dân hạ du Hương Khê - Hà Tĩnh, được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Công Thương sáng nay 15/11.
bo-truong-cong-thuong-tran-tuan-anh.jpg
 Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn sáng 15/11

Chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sáng nay 15/11, đại biểu Trần Thị Dung, đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, đặt câu hỏi vấn đề vận hành các công trình thủy điện, xử lý sai phạm trong xả lũ thủy điện, đặc biệt là việc thủy điện Hố Hô vừa qua gây thiệt hại về người và tài sản của người dân sẽ được xử lý thế nào?

Trả lời chất vấn, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương, khẳng định “không phát triển thủy điện bằng mọi giá”. Đồng thời cho biết về an toàn xả lũ có 3 yếu tố quan trọng là phải có phương án cứu hộ, cứu nạn ở các địa phương hạ du; xây dựng quy trình xả lũ đã được phê duyệt và các địa phương đã được xây dựng phương án chống lũ. Đáp ứng đủ 3 yếu tố này thì thủy điện mới được phê duyệt vận hành.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhìn nhận còn những bất cập, tồn tại trong việc xả lũ thời gian qua đã gây ra những bức xúc trong nhân dân. Với vụ việc xả lũ của thủy điện Hố Hô, ông Tuấn Anh khẳng định “có một số vấn đề, đặc biệt là việc chấp hành quy trình xả lũ còn máy móc”. Theo quy định, đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện phải có trách nhiệm thông báo xả lũ, nhưng thực tế lại chưa cụ thể thông báo xả lũ bằng cách nào. Vì vậy, theo ông Tuấn Anh, thực tế kiểm tra, xảy ra trường hợp quản lý thủy điện gọi điện báo xả lũ cho lãnh đạo địa phương… không nhấc máy; hoặc… “đánh kẻng xả lũ mà không nghe thấy”. Cạnh đó, giữa địa phương hạ du với thủy điện phối hợp còn chưa nhịp nhàng.

xa-lu-o-ho-ho.jpg
 Người dân Hà Tĩnh chịu thiệt hại nặng nề do lũ chồng lũ 

Ông Tuấn Anh cũng cho biết, Bộ này đã tiến hành rà soát tổng thể các thủy điện và quy trình, phối hợp địa phương với thủy điện trong việc xả lũ. Đặc biệt là rà soát lại trách nhiệm quản lý của quản lý các dự án thủy điện, trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương cũng như xử lý các sai phạm để đảm bảo an toàn đời sống nhân dân vùng hạ du.

Chưa thỏa mãn với trả lời, đại biểu Trần Thị Dung tiếp tục chất  vấn và khẳng định: Việc xả lũ của thủy điện Hố Hô là “bất ngờ và không báo trước”, lãnh đạo địa phương hạ dụ không biết. 5 giờ chiều tối, ba bề bốn bên là nước lũ, người dân không biết đi đâu trong đêm tối, chỉ còn cách trèo lên mái nhà. Đặc biệt, việc xả lũ gây thiệt hại cho người dân hạ du “là vấn đề không mới” và “ngày càng trầm trọng hơn”. Đại biểu Dung tiếp tục nhắc lại câu hỏi: “Xử lý sai phạm quy trình xả lũ thế nào để không còn tái diễn?”

dai-bieu-tran-thi-dung-dien-bien1.jpg
 Đại biểu Trần Thị Dung, đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đặt câu hỏi chất vấn

Ông Trần Tuấn Anh cho biết: Qua kiểm tra vận hành hồ chứa thủy điện Hố Hô, đơn vị này đã có thông báo xả lũ cho Ủy ban phòng chống lụt bão địa phương. Đồng thời có thông báo xả lũ cho lãnh đạo các địa phương, Chủ tịch UBND các xã vùng hạ du. Tuy nhiên, “một số địa phương lại… không nghe máy điện thoại”.

Bộ trưởng Công Thương cũng khẳng định sẽ đánh giá lại toàn bộ quy trình xả lũ, hoạt động phối hợp giữa thủy điện với địa phương và rà soát những quy định pháp lý liên quan.

Đưa ra ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Bộ Công Thương đã xác định quy trình xả lũ của thủy điện “có sai phạm”. Vì vậy, “đề nghị Bộ chấn chỉnh ngay, để thời gian tới người dân không phải chịu thiệt hại”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm