Hai lần trượt visa đi Mỹ
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã hỗ trợ cho thí sinh bằng cách gửi văn bản đến Đại sứ quán Mỹ đề nghị tạo điều kiện cho hai thành viên của đoàn.
“Tuy nhiên, sau 2 lần phỏng vấn ĐSQ Mỹ vẫn từ chối vì lý do cá nhân em Phạm Huy” - ông Chuẩn thông tin.
Trước đó, vào ngày 11/5, Sở GD&ĐT Quảng Trị cho hay một nam sinh lớp 11 trường THPT thị xã Quảng Trị cùng giáo viên hướng dẫn mất cơ hội đi Mỹ dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF 2017 tại California, Mỹ diễn ra từ 12 đến 22/5/2017, do không được cấp visa.
Phạm Huy và thầy Lê Công Long mất cơ hội đi Mỹ thi Intel ISEF vì không được cấp visa. |
Vào tháng 4/2017, Bộ GD&ĐT có quyết định cử 2 thành viên tại Quảng Trị, gồm em Phạm Huy (học sinh lớp 11, trường THPT Quảng Trị) và giáo viên hướng dẫn Lê Công Long (35 tuổi) tham dự cuộc thi này, với dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật”.
Huy cùng thầy Long đã 2 lần ra Hà Nội phỏng vấn xin cấp visa sang Mỹ nhưng cả hai lần đều bị từ chối.
Theo Sở GD&ĐT Quảng Trị, ngay sau khi Huy và giáo viên hướng dẫn bị từ chối lần 1, Sở đã tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh cùng với Sở Ngoại vụ có văn bản đặc biệt gửi ra Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Mỹ trình bày về trường hợp của em Huy.
Đồng thời, Sở cam kết “thầy và trò trở về Quảng Trị sau khi kết thúc cuộc thi theo đúng chương trình", nhưng vẫn không thành công.
Tiếc cho tài năng trẻ
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, việc em Huy bị từ chối visa đi Mỹ là điều đáng tiếc với tỉnh nhà và cá nhân em Huy.
“Khi biết thông tin được Bộ cử đi thi cuộc thi Intel ISEF, Sở đã rất quan tâm khi đã tham mưu cho UBND tỉnh xuất một khoản kinh phí khoảng 250 triệu đồng để Huy và giáo viên hướng dẫn qua Mỹ. Nhưng thật buồn là em không được đi thi do không được cấp visa” - bà Hương nói.
Tháng 3/2017 “cánh tay robot cho người khuyết tật” của Phạm Huy giành giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc năm học 2016-2017. Với thành tích này, Bộ GĐ&ĐT đã cử Huy tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế do Intel tổ chức (Intel ISEF) tại Mỹ.
Thầy Lê Công Long, thầy giáo hướng dẫn của Huy đánh giá, Huy là cậu học trò thông minh, sáng tạo, chăm chỉ. Ý tưởng của Huy cho ra đời sản phẩm xuất phát từ mục đích nhân văn, góp phần giải quyết vấn đề thiết thực ngay tại quê hương Quảng Trị.
“Khi Huy trao đổi ý tưởng, tôi Long đã động viên, hướng dẫn học trò của mình hiện thực hóa “cánh tay robot”. Tôi mong muốn, khi phát hiện ra những mầm tốt, các em cần được động viên, giúp sức, hướng dẫn để hỗ trợ có nhiều sản phẩm trí tuệ ý nghĩa, từ đó nhân rộng phục vụ cuộc sống” - thầy Long chia sẻ.