Tiếc nuối khi phim 'Quỳnh búp bê' dừng phát sóng

11/07/2018 - 19:44
Đài truyền hình Việt Nam chính thức thông báo tạm dừng phát sóng bộ phim “Quỳnh búp bê” hôm 10/7 đề cập đến đề tài mại dâm - một đề tài gai góc với những góc khuất trong xã hội hiện đại trên VTV1 khung giờ vàng khiến nhiều khán giả tiếc nuối.

Còn nhớ năm 2017, bộ phim “Người phán xử” được đông đảo công chúng đón đợi cũng có những cảnh bạo lực không hề ít. Tuy nhiên, đằng sau những cảnh bạo lực đó, những lời thoại đầy chất giang hồ, "anh chị" đó là những giá trị không thể phủ nhận như: Tình cảm gia đình luôn được đề cao trên tất thảy, là những câu dạy con lý lẽ của ông trùm Phan Quân mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng được, là những cái kết đắng cay mà những người đáng phải nhận đã phải nhận.

Dường như đằng sau những tội ác không thể dung thứ, người ta vẫn thấy đâu đó một chữ tình để đến khi kết thúc bộ phim trên, người xem vẫn cảm thấy day dứt, tiếc nuối và vẫn mong chờ phần hai để cho khán giả đi đến tận cùng của câu chuyện.

cac-nu-chinh.jpg
Các nữ chính từ trái qua: Thu Quỳnh (bìa trái, vai My sói), Phương Oanh (thứ 2 từ phải qua, vai Quỳnh búp bê), Thanh Hương (bìa phải, vai Lan cave) trong buổi ra mắt phim đầu tháng 6/2018

 

Bộ phim “Quỳnh búp bê” mới phát sóng được đến tập thứ 6 nên để có một cái nhìn tổng quan, để tìm ra một thông điệp cụ thể thì rõ ràng là chưa thể có được. Phim vừa lên sóng tập đầu đã có những tranh luận trái chiều. Ngay cả khi phim chưa lên sóng thì tại buổi giới thiệu phim đã có nhiều ý kiến hoài nghi. Các nhân vật chính: Quỳnh búp bê (Phương Oanh), Lan cave (Thanh Hương), My sói (Thu Quỳnh) cũng không muốn trải lòng về những gì mình đã trải qua trong quá trình đóng phim, kiểu như khi nào xem thì sẽ rõ. Bản thân Phương Oanh, nhân vật chính, phải đóng quá nhiều cảnh đánh đập, cảnh giường chiếu cũng khăng khăng khước từ câu hỏi của báo chí. Khi phim chuẩn bị phát sóng, Phương Oanh đã nhận không ít lời chỉ trích cho rằng nhận đóng phim chẳng qua cũng chỉ vì muốn khoe “body” mà thôi. Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam, Phương Oanh dường như cũng rất kiệm lời. Và sau mỗi tập phát sóng, Phương Oanh cũng nhận vô số “gạch đá”, những lời phản hồi đầy ác ý.

Mặc dù phim mới phát sóng vài tập nhưng đã nổ ra những cuộc tranh cãi, người khen, người chê. Người khen thì cho rằng phim đề cập đến một vấn đề nhạy cảm, gai góc mà trước đó chưa có phim nào làm được, rằng phim lột tả một cách chân thực góc khuất của xã hội hiện đại, những ngôn từ “nặng ký” nhưng cũng hết sức đời thường. Phim khai thác được những khía cạnh mà một người bình thường khó có thể thấy được nếu không thực sự đi sâu, xâm nhập vào thế giới của những ông, bà trùm động chứa, của giới mại dâm. Phim lột tả chân thực cũng là một hình thức giáo dục lớp trẻ, cho giới trẻ nhìn thấy “một thế giới” mà chỉ vì một chút nông nổi, dại khờ, một chút bồng bột, ngông nghênh của tuổi trẻ sẵn sàng bỏ nhà ra đi, rất dễ rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn người, của những đường cùng không lối thoát. Ngay cả khi bị sa cơ lỡ bước, bị ép buộc như “Quỳnh búp bê” bị bố dượng xâm hại tình dục phải bỏ nhà ra đi thì cũng khơi gợi, nhắc nhở các bạn trẻ cũng cần tỉnh táo để tìm người thân trợ giúp, để thoát khỏi nghịch cảnh, để vạch trần cái xấu, cái ác…

Người chê thì cho rằng phim có quá nhiều cảnh của xã hội đen, cảnh chăn gối, ngôn ngữ táo bạo, lại phát sóng vào khung giờ vàng khiến nhiều đối tượng khán giả, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng về tâm lý, về cách nhìn nhận xã hội. Nói tóm lại không nên có một bộ phim như thế.

quynh_bb_mign.png
Diễn viên Phương Oanh với quá nhiều cảnh bạo lực, cảnh nóng trong phim

 

Có người cho rằng các nhân vật bị điển hình hóa, cường điệu hóa, làm quá nên chứ ngoài đời thực thì đâu đến nỗi…

Nhưng cũng có người đã từng tiếp xúc với “thế giới ngầm” này, từng làm công tác xã hội hay những công việc liên quan đến lĩnh vực này thì cho đó là chuyện hết sức bình thường, người làm phim chỉ việc bê nguyên xi thực trạng lên phim mà thôi.

Có khán giả bày tỏ, khi xem cảnh Quỳnh bị chà đạp, tra tấn, bị rẻ rúng mạng sống và những thân phận, những éo le, trắc trở của những cô gái cùng cảnh ngộ thì không khỏi đồng cảm, rơi nước mắt và mong muốn để họ có một cuộc sống như những người bình thường khác. Bởi họ cũng là con người, cũng khao khát hạnh phúc và một cuộc sống tốt đẹp. Bên cạnh đó, khán giả cũng lên án những cô gái bị số phận đẩy đưa nhưng đầy thủ đoạn, mưu mô, ganh ghét và chỉ muốn hại người như My sói (Thu Quỳnh).

Những ý kiến trái chiều, những phản ứng của khán giả dường như khó có hồi kết nếu như phim tiếp tục phát sóng. Tiếp thu ý kiến của khán giả, ngày 10/7, Đài truyền hình Việt Nam đã chính thức tạm dừng phát sóng bộ phim này và thay thế là bộ phim “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” của NSND Khải Hưng.

Hiện tại chưa biết bộ phim có tiếp tục được phát sóng hay không? Kịch bản có được sửa cho phù hợp hay không nhưng có một bộ phận khán giả vẫn mong chờ ngày bộ phim phát sóng trở lại.

Chị Nguyễn Thị Thùy (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị mê phim này chỉ sau world cup. Cả nhà chị cũng vậy. Bản thân chị thấy phim này đề cập đến đề tài gái mại dâm mà trước đây ít phim Việt đề cập đến. Thông qua bộ phim này, chị có thế trao đổi với các con dễ dàng hơn về thực trạng của tệ nạn xã hội, những nguy cơ và hiểm họa mà các con có thể vô tình mắc phải và giáo dục con cách phòng, tránh các tệ nạn xã hội.

qbb-copy.jpg
Diễn viên Thu Quỳnh và Phương Oanh phải) trong phim

 

Anh Hoàng Xuân Anh (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) thì nói rằng, đã lâu rồi anh ít xem phim Việt bởi sự khô cứng, gượng ép và dễ đoán kết cục của phim. Khi xem phim này, anh cảm thấy phim Việt gần gũi hơn với cuộc sống. Dù những ngôn từ, hình ảnh hơi quá nhưng phim có vẻ đời hơn. Mặt khác có thế thấy phim Việt đã có sự thay đổi nhất định, hướng khán giả đến những góc khuất, những mặt trái mà không phải ai cũng nhìn thấy được.

Em Phạm Như Mai (Duy Tiên, Hà Nam), sinh viên năm thứ 2 Đại học Kinh tế quốc dân khi biết phim "Quỳnh búp bê" tạm dừng phát sóng đã tỏ ra rất tiếc vì phim đang đi đến những tập gay cấn. Mai cho rằng phim của các nước trên thế giới cũng có nhiều cảnh bảo lực, cảnh nóng như thế. Điều quan trọng là cảm nhận của người xem mà thôi. Nếu nhìn nhận bộ phim một cách toàn diện và tích cực thì cũng chẳng có vấn đề gì. Nếu người lớn định hướng, giảng giải cho trẻ em một cách rõ ràng thì không phải phim chỉ có tác động tiêu cực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm