Tiền Giang: Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng chống ma túy trong trường học năm 2022

Vân Hoàng
10/03/2022 - 13:00
Sáng 9/3, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT Tiền Giang để phối hợp triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch 599/KH-BGDĐT.

Tham dự cuộc họp, có ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang; bà Huỳnh Thị Phượng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang. Về phía Viện PSD, có ông Lê Đức Hiền - Phó Viện trưởng thường trực Viện PSD; bà Nguyễn Thị Nga - Phó Viện trưởng Viện PSD cùng một số cán bộ chuyên môn của Viện PSD.

Theo kế hoạch 599/KH-BGDĐT, các địa phương có trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ sau: Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng công tác phòng chống ma túy trong trường học; Tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy mại dâm, tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội của các nhà trường trên toàn quốc; Xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học; Triển khai bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh...

Toàn cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo Viện PSD với lãnh đạo Sở GĐ - ĐT Hậu Giang

Toàn cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo Viện PSD với lãnh đạo Sở GĐ&ĐT Tiền Giang

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang - nhấn mạnh, công tác phòng chống ma tuý trong nhà trường có tác dụng không chỉ ngăn chặn tệ nạn ma túy mà đây chính là công tác giáo dục văn hóa, lối sống, rèn luyện kỹ năng sống, góp phần giáo dục khả năng tự bảo vệ và xây dựng phẩm chất, nhân cách của học sinh, sinh viên.

Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng, khó khăn. Mặc dù vậy, Sở GD&ĐT Tiền Giang vẫn luôn chú trọng tới công tác phòng chống ma túy, mại dâm trong trường học, coi nhiệm vụ phòng chống ma túy trong trường học là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Ông Trí cũng cho biết, đối với công tác tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng phòng chống ma túy trong trường học, Sở GD&ĐT Tiền Giang sẽ mở rộng thêm các đối tượng tham gia khảo sát để đảm bảo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, Sở GD&ĐT Tiền Giang sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh Tiền Giang về kế hoạch triển khai chi tiết nhiệm vụ tập huấn và triển khai bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy". Sở GD&ĐT Tiền Giang sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện PSD để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ.

Sau khi trao đổi, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD cũng ghi nhận sự quan tâm của Sở GD&ĐT Tiền Giang đối với công tác phòng chống ma túy, mại dâm trong trường học. Viện PSD sẽ chủ động thành lập các Nhóm công tác để phối hợp triển khai tại các địa phương và phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên trong các Nhóm công tác. Ngoài ra, Viện PSD sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang trong các công tác triển khai bộ tài liệu "Kỹ năng phòng chống ma túy", tập huấn kiến thức kỹ năng cho giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Tình hình tội phạm ma túy tại tỉnh Tiền Giang đã và đang diễn ra hết sức phức tạp. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang đã phát hiện, xử lý 24 vụ, 44 đối tượng phạm tội về ma túy. Đáng nói, tình hình tội phạm ma túy ngày càng có chiều hướng phức tạp, người sử dụng ma túy đang có xu hướng trẻ hóa. Đặc biệt, đáng báo động tình trạng giới trẻ tụ tập sử dụng ma túy tại các cơ sở kinh doanh như karaoke, nhà nghỉ, khách sạn…

Ngày 7/3/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong ngành Giáo dục đến năm 2025. Toàn ngành giáo dục quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ phòng chống ma túy, ngăn chặn ma túy xâm nhập môi trường học đường và bảo vệ thế hệ trẻ.

Đáp ứng kỳ vọng của Bộ GD&ĐT và Ủy ban Quốc gia giao phó, trong năm 2021, Viện PSD đã tích cực phối hợp với các địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học. Viện PSD cũng đã làm việc tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Nghệ An, Đắc Lắk, Đắk Nông, Bến Tre, Kon Tum, Quảng Nam, Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Bình Định… Hầu hết các Sở GDĐT đã nghiêm túc "cụ thể hóa" kế hoạch của Bộ: xây dựng chương trình, bố trí, phân công cán bộ, có nhiều nỗ lực, linh hoạt, cách làm sáng tạo, phối hợp tốt với Sở, ngành liên quan….

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm