pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiền lương tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội năm 2025 có tăng lên không?
Ảnh minh họa
Về vấn đề này, chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín (THƯ VIỆN PHÁP LUẬT) giải đáp như sau:
Từ ngày 01/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ chính thức có hiệu lực. Quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ có thêm điểm mới là mức tham chiếu.
Theo Điều 7 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội, được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Đồng thời, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Luật mới cũng quy định rằng, khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
Như vậy, từ ngày 01/7/2025, tiền lương tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ bằng mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội chưa có văn bản hướng dẫn về mức tham chiếu. Tại Kết luận 83/KL-TW năm 2024, Bộ Chính trị cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026.
Vì thế, mức tham chiếu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, áp dụng từ 01/7/2025 dự kiến vẫn sẽ là mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP.
Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu nhập làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.