Tiếng khóc xé lòng của bé gái 6 tuổi bị người cha ôm cùng nhảy xuống sông

Đinh Thu Hiền
22/05/2022 - 16:16
Tiếng khóc xé lòng của bé gái 6 tuổi bị người cha ôm cùng nhảy xuống sông

Tranh minh họa

Tiếng kêu khóc của bé gái 6 tuổi khi ba của em có hành động dại dột quyết định cùng con gái nhảy xuống sông Thu Bồn tự tử, thật ám ảnh và đau đớn.
Quyền được chết và quyền được sống

Vào trưa ngày 17/5/2022, một số người dân đang lưu thông trên cầu Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) thì thấy người đàn ông chạy xe gắn máy chở theo bé gái khoảng 6 tuổi lên giữa cầu thì dừng xe, rồi bất ngờ ôm cháu nhỏ nhảy xuống sông Thu Bồn.

Một số người đi gần đó đã nghe bé gái khóc thét, hoảng loạn kêu trước khi rớt xuống sông: "Đừng ba ơi, đừng ba ơi…".

Ngay lúc đó, người dân cùng lực lượng cứu hộ tại chỗ đã tập trung tìm kiếm hai cha con. Thi thể người đàn ông được tìm thấy cách hiện trường 200 mét ngay sau đó. Tới tối 18/5/2022, thi thể của bé gái mới được tìm thấy ở gần cửa biển.

Trong lá thư tuyệt mệnh để lại, người cha của bé gái cho biết, thời gian gần đây, gia đình ông có nhiều sự phiền muộn nên bế tắc, không thể giải quyết nổi. Ông vì thương con gái nên muốn con gái chết theo mình. Hàng trăm người dân địa phương đã đau đớn dõi theo đội cứu hộ vì xót thương cho bé gái. Con vừa mới trải nghiệm cuộc đời, còn cả một đời sống còn dài ở phía trước, vậy mà cha của con đã không thể có được lựa chọn sáng suốt hơn. Quyết định kết thúc cuộc sống của bản thân nhưng người cha lại nhân danh quyền lực của người cha để tước đi quyền sống của con trẻ, điều đó thật sự quá sai lầm và đau lòng.

Trong cuộc đời, quyền được chết và quyền được sống cần phải đặt song song và cân bằng. Vận dụng quyền này, tức là một đòi hỏi cực kỳ cá nhân.

Ai cũng biết, các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối sẽ phải gánh chịu các cơn đau đớn hành hạ cơ thể. Thời gian đầu, bệnh nhân sẽ được uống các loại thuốc giảm đau thông thường. Nhưng dần dần, khi bệnh tình biến chuyển nặng, các bác sĩ đã phải kê toa cho bệnh nhân chích morphine để giảm đau. Morphine là một loại ma túy thuộc nhóm an thần. Phải có chỉ định của bác sĩ, có đầy đủ hồ sơ bệnh án chữa bệnh ung thư, người bệnh mới được mua tại bệnh viện và được sử dụng. Có những câu chuyện trong thực tế đã thể hiện, vì quá đau đớn, nhiều người bệnh đã cầu xin bác sĩ được ra đi sớm để chấm dứt kiếp người, chấm dứt các cơn đau. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã hợp pháp hóa cái chết nhân đạo, còn được gọi là quyền được chết, ví dụ như Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Sĩ, Argentina, Canada, Mỹ, Pháp… Trái ngược với quan điểm này, rất nhiều quốc gia khác đã phản đối. Họ cho rằng, dù cuộc sống khá mong manh nhưng con người cần được tôn trọng tới khi trút hơi thở cuối cùng. Việt Nam chưa hợp pháp hóa cái chết nhân đạo. Tuy nhiên, thật khó để ngăn cản ai đó quyết tâm tìm tới cái chết do cùng quẫn và bế tắc trong cuộc sống.

Đối lập quyền được chết, con người quen thuộc hơn với khái niệm quyền được sống. Điều 19 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật".

Trong câu chuyện bi thương này, người cha đã chọn cách từ bỏ cuộc sống (ông chủ động viết thư tuyệt mệnh, chọn thời điểm và vị trí quyên sinh); và bé gái đã chọn quyền được sống (con vùng vẫy, la hét, khóc lóc hoảng loạn, ngăn cản khi biết ý định và thời khắc ba ôm con để nhảy xuống sông).

Dư luận có thương người cha hay không? Chắc chắn có. Họ chia sẻ và đồng cảm với nỗi bất hạnh, sự khốn cùng riêng tư nào đó mà người cha này đã phải đối mặt. Hẳn là ông đã phải giằng xé rất nhiều để đưa ra quyết định tự tử. Nhưng dư luận cũng đồng thời lên tiếng trách cứ về hành vi bắt ép con gái cùng chết theo mình của người cha. Rõ ràng bé gái đã KHÔNG MUỐN từ bỏ cuộc sống. Trước thời điểm nghiệt ngã đối mặt cái chết, bé gái đã khóc lóc, vùng vẫy, la hét trong hoảng loạn để cầu xin cha mình. Vậy mà người đàn ông này đã quá vị kỷ để thực hiện việc tước đoạt mạng sống của cô bé con tới cùng. Ông nhân danh tình phụ tử, nhân danh tình yêu thương để hoàn tất một hành động vô cùng cực đoan.

Điều đó đã vượt quá lằn ranh của tình yêu, vượt qua giới hạn được phép của con người.

Lời xin lỗi nghẹn đắng

Tối ngày 18/5/2022, rất nhiều người dân Hội An đã chạy xe gắn máy theo xe chở thi thể bé gái tới nhà xác tại Bệnh viện Hội An. Các nhóm thiện nguyện đã có mặt tại đây để động viên người thân của hai cha con, đồng thời quyên góp tiền để hỗ trợ gia đình đưa thi thể hai cha con về quê tại Quảng Bình.

Trong lá thư tuyệt mệnh mà người cha viết để lại, có đoạn: "Xin con hãy tha thứ cho người cha này, xin lỗi người con gái của ba, ba yêu con nhiều lắm". Lời xin lỗi của ông được viết dành cho con gái nhưng con gái của ông lại không có cơ hội được đọc. Bé đã bị ép buộc đi cùng sự chọn lựa nghiệt ngã của cha mình. Con đã cố gắng phản kháng để bảo vệ sự sống của con mà không được. Chính vì vậy, lời xin lỗi của người cha dành cho con thật sự để lại dư âm nghẹn đắng cho người khác - những người còn sống.

Ở nhiều nước phát triển, các lớp học cách làm cha mẹ rất phổ biến. Tại các lớp học này, phụ huynh không những được trang bị các kiến thức để chăm sóc thể chất cho con cái, mà còn được huấn luyện để nâng cao tinh thần đối mặt với nhiều tình huống trong mối quan hệ với con, cách thức hóa giải các căng thẳng khi có thêm thành viên trong gia đình. Thêm đứa trẻ ra đời, nghĩa là người lớn phải gắn bó cùng từ "trách nhiệm", có khi suốt cuộc đời. Điều đó cần phải được nhấn mạnh trong nhận thức của những người làm cha, làm mẹ.

Con trẻ không chủ động chọn sự có mặt trên đời này. Việc sinh ra và nuôi dạy một đứa trẻ là chọn lựa và nghĩa vụ của người lớn. Chính vì vậy, người lớn hãy hành động sao cho chính danh người trưởng thành.

Câu chuyện người cha ôm con gái nhảy xuống sông Thu Bồn tự tử quá bi thương và đau xót, để lại nhiều ám ảnh cho gia đình và nhiều người khác. Dù sao, người chết cũng đã ra đi. Nhưng nỗi đau khắc họa để cảnh tỉnh cho biết bao nhiêu người khác, các bậc phụ huynh khác. Hãy tôn trọng tiếng nói và sự sống của con trẻ. Dù bất cứ lý do nào, cũng không bao giờ được tước đi quyền được sống của người khác.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm