Tiếp sức cho bản nghèo

Thanh Vân
20/12/2022 - 11:52
Tiếp sức cho bản nghèo
Bà con người Mông, người Mảng, người Thái ở xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu lần đầu tiên nuôi gà theo hướng tập trung và sản xuất hàng hóa. Những bỡ ngỡ ban đầu cũng dần qua đi, bà con nhận thấy đây là hướng đi quan trọng giúp họ xóa đói, giảm nghèo.

Trung Chải - cái tên mỗi khi nhắc đến là nhớ về vùng đất xa ngái nơi cuối trời Tây Bắc. Bao mùa đã trôi qua, cái đói, cái nghèo còn hiện hữu trên từng nếp nhà của bà con người Mông, người Mảng. Đất đai của Trung Chải rộng mênh mông bát ngát, nhưng cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Cái đói, cái nghèo đến từ nhiều nhẽ, cái khó nhất là bà con nơi đây không có vốn và chưa có tư duy sản xuất hàng hóa. Làm gì để giúp bà con thay đổi, nếp nghĩ, cách làm để chăm lo cho cuộc sống gia đình vẫn là bài toán nan giải.

Cuối tháng 10/2022, 30 hộ dân của xã được hỗ trợ gà giống từ dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng thuộc Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện.

Tiếp sức cho bản nghèo - Ảnh 1.

Trao gà giống cho bà con ở Trung Chải

Làm "nhà" cho gà ở

Cơn gió mùa ùa về khiến miền sơn cước chìm trong giá lạnh. Những ngôi nhà tranh tre của bà con người Mảng ở bản Nậm Sỏ 1 cũng rung lên bần bật theo từng cơn gió bấc. Bản nghèo hiện lên giữa bốn bề mây núi. Trong cái lạnh như cắt da, cắt thịt của miền sơn cước, bà Lý Thị Chướng lại bận rộn hơn mọi ngày. Khi nghe đài báo gió mùa về, bà đã dùng bạt để che cho chuồng gà của gia đình. Một việc mà trong những năm trước đây, bà chưa từng làm. Sau khi che chắn cẩn thận, bà còn đi mấy vòng kiểm tra. Bà chỉ lo, chỗ nào gió lùa làm đàn gà bị lạnh, lăn ra chết thì bà buồn lắm.

Nhà bà Chướng nghèo lắm! Cả năm bà chỉ quanh quẩn với mấy mảnh nương mà không đủ ăn. Bà chỉ mong có tiền mua vài con gà, con dê về nuôi, nhằm cải thiện cuộc sống. Cách đây mấy tháng, trong cuộc họp bản, gia đình bà có may mắn nằm trong danh sách được hỗ trợ gà giống. Biết tin này bà vui lắm. Nhưng bà cũng lo lắng, mình đã nuôi gà tập trung bao giờ đâu. Hơn nữa, bà còn phải làm chuồng cho chúng ở. Nhà ở còn ọp ẹp, giờ lấy tiền ở đâu để làm chuồng gà.

Những băn khoăn của bà cuối cùng cũng có cách giải quyết. Cán bộ của chương trình đến tận nhà tư vấn, giúp đỡ bà dựng "nhà" để đón đám gà về. Trước đó, bà còn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc đàn gà, từ việc cho ăn, đến dọn chuồng trại và khi bị bệnh thì chữa trị ra sao.

Sau hơn một tháng nhận gà về nuôi, bà Chướng đã dần quen với việc nuôi chăm sóc chúng. Những năm trước đây, bà Chướng cũng có nuôi gà, nhưng bà chỉ nuôi vài con để phục vụ cho gia đình. "Bây giờ thì nhà nước cho số lượng cũng nhiều. Cách chăm sóc thì gia đình sẽ làm chuồng trại và thắp sáng bóng điện và cho nó ăn, cho con gà ăn đầy đủ và giữ ấm cho con gà", bà Chướng cho biết.

Cũng giống như bà Chướng, 30 hộ dân khác ở xã Trung Chải nằm trong diện được hỗ trợ gà giống của nhà nước cũng đang chăm sóc đàn gà rất tốt. Bà con quen với việc nuôi gà thả rông, nay phải nuôi gà với số lượng lớn, nên họ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để họ vươn lên trong cuộc sống. Các hộ nghèo và cận nghèo được nhận gà giống đều làm "nhà" chắc chắn để nuôi gà. Việc này trước đây gần như không hộ dân nào làm vì họ chăn nuôi hoàn toàn thả rông. Đây là sự thay đổi lớn trong nhận thức của bà con ngươi Mảng và người Mông.

Tiếp sức cho bản nghèo - Ảnh 2.

Ngoài nhận gà giống, bà con dân tộc ở Trung Chải còn nhận cám cho gà

Hướng đi mới trong chăn nuôi

Xã Trung Chải có 300 hộ với 1.600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Mảng sinh sống. Các hoạt động sản xuất tại địa phương vẫn chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp truyền thống, phương thức và kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất và chất lượng các sản phẩm hạn chế dẫn đời sống của bà con nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 65%.

Dự án đã hỗ trợ người dân xã Trung Chải 2.250 con gà giống 12 ngày tuổi, trung bình mỗi hộ được nhận 75 con. Cùng với đó, hỗ trợ hơn 7.200kg thức ăn hỗn hợp; các loại vaccine phòng bệnh và 5600 lít hoá chất sát trùng. Đây là cơ hội để các hộ nghèo có thêm phương tiện sản xuất. Dự án còn hỗ trợ vật tư chăn nuôi, mà quan trọng hơn là hướng tới nâng cao nhận thức cho người dân trong quá trình đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, cải thiện dinh dưỡng cho người dân. Các hộ tham gia dự án được tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật làm chuồng trại, chăm sóc và phòng bệnh cho đàn gà. Sau gần 1 tháng triển khai thực hiện cung ứng giống, thức ăn và thuốc thú y, đàn gà các hộ đạt tỷ lệ sống cao đạt trên 96% sinh trưởng và phát triển tốt.

Mức hỗ trợ này về với các gia đình nghèo đã tiếp sức cho người dân nơi đây vươn lên trong cuộc sống. Nó như thổi làn gió mới vào cách sản xuất tự cung, tự cấp ở nơi này. Ông Lò A Tư, Chủ tịch UBND xã Trung Chải là người sinh ra và lớn lên ở đất này, nên ông rất hiểu tâm tư của bà con dân tộc. Bao năm qua, cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy bà con khiến người cán bộ như ông cũng vô cùng tâm tư. Làm gì để giúp bà con có cuộc sống tốt hơn vẫn còn cả chặng đường gian nan. Khi dự án hỗ trợ bà con con giống và thức ăn, lại còn có cán bộ kĩ thuật hướng dẫn chăn nuôi, ông Tư coi đây là cơ hội rất tốt để bà con nơi đây thay đổi nhận thức trong việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm