pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiếp sức cho phụ nữ nhiễm HIV chủ động phát triển sinh kế
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương
"Hãy gọi tôi là Mai Anh", chị đã bắt đầu câu chuyện của mình với chúng tôi như thế. Với một người bình thường, giới thiệu tên của mình với người đối diện thật đơn giản, nhưng với những người nhiễm HIV như chị, đây thực sự là một quyết định dũng cảm. Dù Mai Anh không phải là tên khai sinh của cha mẹ đặt cho chị, nhưng đây là tên gọi thân thương hơn nhiều so với những cái tên viết tắt là H, M, C… của những người bạn cùng cảnh ngộ với chị.
Chị Mai Anh cho biết: "Chị cũng có lần tâm sự, kể lại câu chuyện của mình với những người trong cộng đồng những người nhiễm HIV, nhưng đây là lần đầu tiên chị dũng cảm chia sẻ câu chuyện trên truyền thông, với mong muốn truyền động lực đến cho những người có hoàn cảnh như chị, tiếp tục tự tin, vững bước và tìm kiếm niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống".
Nếu lần đầu gặp gỡ, trò chuyện với người phụ nữ tràn đầy năng lượng và sự lạc quan này, ít ai nghĩ, chị đã sống chung với HIV tới hơn chục năm rồi. Chị Mai Anh nhớ lại: Năm 2010, khi biết tin cả hai vợ chồng đều nhiễm HIV, chị bàng hoàng, lo lắng lắm. Bên cạnh những nỗi lo về bệnh tật, nỗi lo lớn hơn của chị là sợ bản thân, gia đình bị kì thị. Nhưng với suy nghĩ: "Bệnh không giết chết ta, mà chỉ có suy nghĩ tiêu cực mới giết ta chết", chị Mai Anh đã suy nghĩ tích cực hơn, bình tĩnh hơn để chung sống với bệnh tật.
Lạc quan như vậy nhưng trong cuộc sống, không phải lúc nào cánh cửa cũng luôn rộng mở đối với những chị em có hoàn cảnh như chị. "Buồn tủi nhất là lúc mình đi sinh con. Khi bác sĩ biết tin mình mang bệnh, những lời lẽ không được dễ nghe đã trút lên đầu mình. Nhưng may mắn, bên cạnh mình vẫn còn có chị em cùng cảnh ngộ, có các bác sĩ tận tâm đã giúp cho mình được mẹ tròn, con vuông. Thật may mắn là bé không mang virus trong người", chị Mai Anh nghẹn ngào tâm sự.
Khó khăn còn đến với chị Mai Anh và những chị em cùng cảnh ngộ khi mang trong mình mầm bệnh, họ khó có thể tìm được công việc ổn định để có thể chăm lo cho cuộc sống hàng ngày của gia đình. "Hành trình đi làm không mấy dễ dàng, khi mỗi lần công ty định kỳ kiểm tra sức khỏe là một thách thức mới. Mình luôn lo lắng khi xét nghiệm máu sẽ phát hiện nhiễm HIV. Nếu bị phát hiện sẽ xấu hổ lắm và chắc chắn là mất cơ hội đi làm. Chính vì vậy, không có công ăn việc làm ổn định luôn là nỗi lo của nhiều người nhiễm HIV".
Chung nỗi niềm với chị Mai Anh, đó là chị Đ.T.H.T, một phụ nữ 8x, vừa mới phát hiện bị nhiễm HIV vào năm 2021. Chị rụt rẻ và khép kín, bởi những khó khăn, lo lắng bộn bề. Chị H.T là mẹ đơn thân, không có nhà cửa và công việc ổn định, bủa vây quanh chị là sự kỳ thị, xa lánh. "Họ không có giúp, nói chung là bị kỳ thị. Rất nhiều người quấy rối, hai mẹ con phải chuyển trọ liên tục", chị H.T đau xót chia sẻ.
Niền vui, động lực trong cuộc sống hiện tại của chị chính là cô con gái bầu bạn và giúp đỡ mẹ các công việc trong gia đình. Hai mẹ con nương tựa vào nhau trong căn nhà thuê và khoản thu nhập kiếm thêm bằng công việc shipper. Sức khỏe yếu, không làm được những công việc nặng nên thu nhập cũng chị khá bấp bênh. Chị vẫn đang nỗ lực từng ngày để kiếm tiền đủ sống qua ngày và lo cho con học hành.
Câu chuyện của chị Mai Anh, chị H.T không phải là hy hữu ở Việt Nam cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới. Rất nhiều người trong số họ đang phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực vì bị kỳ thị và phân biệt đối xử, đối mặt với thách thức không có việc làm. Có thể thấy, mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định đối với phòng, chống HIV/AIDS cũng như hỗ trợ người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, tuy nhiên người nhiễm HIV vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế.
Tiếp sức cho nhau trên chặng đường kiếm tìm hạnh phúc
Vượt qua những khó khăn, kỳ thị trong cuộc sống, cộng đồng những người phụ nữ nhiễm HIV đã đồng hành, dìu nhau qua những thời điểm khó khăn nhất để vươn lên trong cuộc sống và phát triển kinh tế. Bên cạnh các chị, cộng đồng vẫn luôn giúp kết nối những người cần đến các dịch vụ phòng, chống HIV; đồng hành cùng họ trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như các khía cạnh khác của cuộc sống. Mạng lưới Phụ nữ dễ bị tổn thương chính là mái nhà chung nơi chị em được chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, chăm sóc, điều trị về HIV; tạo sinh kế và thu nhập bền vững; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử cũng như tình trạng bạo lực giới.
Chị Mai Anh chia sẻ: Nơi đây, các chị san sẻ với nhau từng món đồ vật chất nhỏ như chiếc bỉm, hộp sữa cho con. Nhưng hơn hết là sự động viên tinh thần, cùng nhau vượt qua khó khăn. Để giúp những người phụ nữ bị tổn thương nâng cao quyền năng kinh tế và thúc đẩy bình đẳng giới, đã có nhiều hoạt động và dự án sinh kế, tạo thu nhập được triển khai giúp chị em tiếp cận các cơ hội việc làm và nguồn vốn tín dụng để khởi nghiệp và phục hồi sinh kế sau dịch Covid-19. Và hơn hết, bên các chị còn có các cơ quan, tổ chức như UN Women, Hội LHPN Việt Nam, Mạnh lưới Phụ nữ sống chung với HIV tại Việt Nam… để các chị không còn cảm thấy buồn tủi và cô đơn trên hành trình của mình.
Phút trải lòng của những phụ nữ nhiễm HIV
Sáng 24/11, cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phối hợp với Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam và Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức chương trình "Sự kiện hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2023 với Mạng lưới Quốc gia Phụ nữ sống với HIV".
Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay nhấn mạnh vai trò sáng tạo và tầm quan trọng của những đóng góp của cộng đồng người sống với HIV, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và chịu ảnh hưởng bởi HIV vào các nỗ lực chung của quốc gia nhằm khống chế dịch HIV và thực hiện các mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, để HIV và AIDS sẽ không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.