pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiết kiệm 1-200 triệu, chuẩn bị tài chính thế nào để mua nhà Hà Nội?
“Mình làm trong ngành xây dựng, cũng đã từng ở thuê từ căn trọ thiếu thốn đủ thứ với giá 1-2 triệu, rồi đến những căn chung cư tiện nghi hơn 1 chút giá khoảng 7-8 triệu. Tiền kiếm được cũng ngày 1 nhiều hơn, nên mình quyết định mua 1 căn nhà ở ngoại thành với giá 1,8 tỷ đồng. Nhưng thời điểm đó, số tiền mình tiết kiệm được mới chỉ vài trăm triệu. Để mua được nhà, mình phải vay ngân hàng để bù thêm vào” - Hoài Nam (30 tuổi, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện tiết kiệm tiền để mua nhà Hà Nội.
Hiện thực hóa ước mơ mua nhà Hà Nội
Sau 5 năm ra trường, 5 năm học nghề, mình tìm kiếm kinh nghiệm và kiến thức để giúp công việc thăng tiến thuận lợi hơn. Đây cũng là nguồn thu chính của mình trong nhiều năm. Cách đây 5 năm, mức lương mình đạt được hơn 20 triệu/tháng, cũng có tham gia đầu tư tài chính với số vốn nhỏ từ khá lâu. Vậy nên, mình đã sớm làm quen với việc tích lũy tiền bạc để phòng cho những trường hợp khẩn cấp.
Cuối năm 2020, mình có đi xem 1 căn chung cư ở ngoại thành Hà Nội, giá 1,4 tỷ đồng. Nhưng vì khi đó còn thiếu khá nhiều tiền nên chưa dám mua. Nhưng đến đầu năm 2021, vẫn căn chung cư đó nhưng chủ đầu tư chào bán giá 1,8 tỷ đồng. Chỉ chưa đến 1 năm đã tăng hơn 400 triệu, trong khi hiện trạng y nguyên.
Lúc này, mình cũng bắt đầu sốt ruột, và bắt đầu lên kế hoạch mua nhà. Về cơ bản, giá nhà, đất ở Việt Nam tăng theo sự kỳ vọng của người mua và bán. Người ta thường hay nói, mua chung cư sau này bán sẽ lỗ. Nhưng tới thời điểm hiện tại, mình chưa thấy ai bán chung cư mà lỗ, dù đã qua sử dụng. Như cô bạn của mình tháng trước vừa tâm sự, giá chung cư đang giảm nên gom tiền để mua nhà Hà Nội.
Cô bạn cũng từng mua 1 căn chung cư 2 phòng ngủ ở khu nội thành Hà Nội năm 2014, gần 100m2 với giá 25 triệu/m2. Dù thiết kế cũ, nhà đã qua sử dụng nhưng khi rao bán, giá căn chung cư đó đã tăng lên 37 triệu/m2, trừ đi lạm phát và sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng, thì vẫn có lời. Cũng đã tìm hiểu kỹ, nên mình quyết định không chần chừ nữa, mà vay tiền đặt cọc căn nhà cũng như làm hồ sơ vay vốn mua nhà. Thật ra, khi nghe giá căn chung cư 1,4 tỷ đồng chẳng dám mua, vì tài khoản tiết kiệm khi đó của mình mới có gần 200 triệu.
Mục tiêu của mỗi người là khác nhau, và mình thì không muốn ở nhà thuê cả đời. Vậy nên khi xem qua căn chung cư đó, mình rất ưng và muốn sống trong căn nhà như thế. Nếu không liều, chăm chỉ tích góp đến khi đủ tiền mua nhà thì thực sự quá sức với những người trẻ làm thuê như mình, trong thời buổi giá đất tăng mà tiền mặt thì lạm phát. Vậy nên, nhờ thêm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân, mình vay thêm được ít tiền không cần trả lãi. Gom góp trả trước được 700 triệu tiền nhà, còn nợ lại ngân hàng gần 1 tỷ, mình chọn trả góp 10 năm với lãi suất trung bình khoảng 10%/năm.
Mua nhà cũng là 1 hình thức đầu tư dài hạn có lời
Trước khi tham gia đầu tư, mình từng nghĩ chỉ tin vào việc kiếm tiền thông qua quá trình sản xuất, bán sức lao động. Nhưng cách đây 5 năm, thời điểm mình bỏ số vốn đầu tiên vào đầu tư tài chính, thì suy nghĩ đã hoàn toàn thay đổi. Rất nhiều người giàu lên nhờ đầu tư thị trường, không lừa đảo ai. Tuy cũng có những lần lời lỗ thất thường, nhưng kiến thức học được trong quá trình đầu tư giúp mình có cái nhìn khác về dòng tiền, học được cách quản lý tiền thông minh hơn. Các lĩnh vực có thể đầu tư rất nhiều, như chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, ngân hàng, vàng,... trong đó có cả lãi đất.
Ví dụ như cô bạn của mình là trường hợp điển hình, vốn dĩ chỉ có mục đích mua nhà để ở, nhưng vài năm sau bán đi vẫn có lời. Đây cũng là 1 trong những mục đích thôi thúc mình mua nhà trước khi tích đủ tiền.
Mình bắt đầu từ các dự án nhà ở xã hội, đến các căn chung cư tầm trung và giá rẻ. Môi giới bất động sản giới thiệu mình căn chung cư giá 19 triệu/m2, khá hợp lý. Căn chung cư mình mua hơn 70m2 1 chút, tính ra là hơn 1 tỷ đồng. Nhưng cộng thêm cả những chi phí phát sinh, giấy tờ nhà đất, tư vấn và hoàn thiện hồ sơ thì thêm khoảng mấy trăm triệu nữa. Khi nghe báo giá xong thực sự mình cũng bất ngờ. Đây cũng là 1 trong những lưu ý cho ai đang có dự định mua nhà. Vì ngoài tiền nhà, bạn cần phải chuẩn bị thêm cho các chi phí phát sinh. Chưa kể là nội thất, trang trí nhà cửa, cũng phải tính dôi ra tầm vài trăm.
Với suy nghĩ mua nhà 1 phần để làm tài sản đầu tư, mình lên kế hoạch trả nợ 1 cách ổn định nhất. Mức lương bây giờ đã tăng nhiều hơn, nhưng ngoài tiền chi tiêu hàng tháng, mình còn chia nhỏ để đầu tư thêm những loại tài sản nhỏ khác, tuy không nhiều nhưng nó là vốn liếng khiến mình tự hào. Ngoài ra, sau khi mua nhà thì cộng thêm tiền nợ. Hiện tại, hàng tháng mình dành gần 15 triệu để trả nợ ngân hàng. Để đủ tiền chi trả mọi thứ, mình buộc phải tiết kiệm hơn và cắt bớt tiền đầu tư 1 chút để bù tiền nhà.
Nếu như trước đây, khi chưa mua nhà, thời gian ăn ngoài và tiệc xã giao của mình nhiều hơn. Những khoản này bây giờ đã được gạt bỏ gần hết ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Mình ăn cơm nhà thường xuyên, chỉ nhận những buổi xã giao có lợi trong công việc. Nếu muốn cùng bạn bè tụ họp, mình sẽ mời họ về nhà thay vì những bữa ăn tiền triệu đắt đỏ. Mình sống cũng tối giản hơn, chỉ tập trung vào những món đồ cơ bản nhất. Việc trang trí nhà cửa cũng làm dần dần để dãn tiền ra. Quả thực, việc mua nhà ở thành phố lớn cũng là 1 thành tựu mình tự hào về bản thân, nhưng áp lực chuyện kiếm tiền trả nợ cũng theo đó mà đè nặng lên vai những người trẻ xa quê kiếm sống.