Lương 30 triệu đồng/tháng, làm sao để mua nhà ở thành phố lớn?

Nguyễn Quỳnh Trang
07/11/2022 - 17:51
Nếu không tính toán thật kỹ bài toán tài chính để mua nhà, bạn có thể sẽ rất chật vật với chuyện trả nợ.

Khi mà chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, giá nhà đất ngày càng đắt đỏ. Thật quá khó đối với những người có thu nhập 10-20 triệu đồng/tháng có thể mua nhà, mua xe. Tuy nhiên, chỉ là “khó” chứ không phải không thể. Để có thể sở hữu căn nhà đầu tiên, hay chiếc xe đầu tiên, thì người trẻ cần có 1 kế hoạch tài chính cụ thể và phù hợp với mức thu - chi của mình.

Cũng đã từng vất vả xoay xở để mua nhà, Nguyễn Trọng Phong (SN 1994, ở Đà Nẵng), làm việc tại 1 công ty nước ngoài, chia sẻ: “Dù làm thuê với mức thu nhập trung bình 30-40 triệu đồng/tháng, nhưng cũng rất khó để mua đứt nhà hay mua xe nếu không biết khiến tiền tự đẻ ra tiền. Cách đây 3 năm, mình gom góp mua được 1 căn nhà, có nhận hỗ trợ từ ba mẹ và vay thêm ngân hàng. Trải qua mấy năm chỉ làm hùng hục trả nợ tiền nhà khiến mình nhận ra, nếu không tính toán thật kỹ “nên bỏ bao nhiêu tiền mua nhà”, thì bạn sẽ cực kỳ chật vật để lo được tài chính.”

Chật vật trả nợ vì mua nhà “vừa ý”

Ở thời điểm hiện tại, nếu làm công ăn lương bình thường mà muốn mua được nhà thực sự rất khó. Giữa năm 2019, cơn sốt nhà đất tăng lên khiến mình cũng lục đục lên kế hoạch mua nhà. Khi mà giá bất động sản tăng 2-3 lần mỗi năm, nhưng lương thì tăng chẳng đáng kể, dựa trên tình hình tài chính, mình chốt mua 1 căn hộ trung cấp tại Đà Nẵng, giá khi đó vào khoảng 2,5 tỷ cho 1 căn hộ  2 phòng ngủ. Khi đó, số tiền 2,5 tỷ có chút quá sức so với khả năng tài chính của mình. Nhưng với suy nghĩ, mua căn hộ khi thị trường đang lên thế này thì không sợ lỗ, và vị trí căn hộ quá vừa ý. Nên sau khi bàn bạc cùng ba mẹ, mình đã xuống tiền mua.

Lương 30 triệu/tháng làm sao để mua nhà ở thành phố lớn? - Ảnh 1.

Ngoài tiền ba mẹ hỗ trợ và tiền tiết kiệm được, mình vay thêm ngân hàng 50%. Cũng có vay dư ra 1 ít để mua thêm nội thất cho căn nhà. Kế hoạch trả nợ trong 5 năm tới, với mục tiêu trả nợ càng sớm càng tốt, tránh cho tiền lãi tăng nhanh. Cộng thêm cả lãi, tính trung bình mình phải bỏ ra 23 triệu/tháng để trả nợ nếu như muốn dứt điểm trong 5 năm. Đây là số tiền chiếm hơn 50%  lương của mình khi đó. 

Qua thời gian trả nợ 3 năm vừa rồi, đôi khi mình thấy rất kiệt sức, vì gần như số tiền làm được đều phải trả nợ. Cảm giác cứ đến cuối tháng, tiền lương bỗng bay hết sạch thật sự không dễ chịu chút nào. Nhưng đâm lao thì phải theo lao, mình tìm mọi cách để khiến tài chính cá nhân dễ thở hơn đôi chút. Thời điểm hiện tại, mình cũng đã bớt chật vật trong chuyện chi tiêu. Và mình muốn nhắn nhủ đến những người trẻ: “Nếu muốn mua nhà, hãy lựa chọn dựa trên khả năng tài chính của bản thân”. Vì nếu vượt qua mức bạn có thể chi trả, đó đúng là cơn ác mộng nếu bạn không thể xoay được tiền từ khoản khác.

Vượt qua khủng hoảng “trả nợ nhà” thế nào?

Bài học đầu tiên mình rút ra được, là hãy tính dôi ra số tiền mua nhà. Nếu như bạn có khả năng mua căn nhà 2,5 tỷ đồng, thì chỉ nên mua nhà 2 tỷ. Đừng tính toán số tiền quá sát nút. Nếu không bạn phải dành thời gian làm việc điên cuồng chỉ để trả nợ, thậm chí còn chẳng có thời gian “tận hưởng” căn nhà đúng theo mục tiêu ban đầu lúc mua. 

Tính toán tài chính cá nhân thật kỹ

Ở mức lương trung bình 30-40 triệu đồng/tháng, mình thấy rất chật vật với việc dành hơn 20 triệu đồng/tháng để trả nợ nhà. Khoảng 1 năm đầu tiên, mình rất hay rơi vào tình trạng tiêu trước hụt sau, tiền lương tháng sau bù vào tiền chi tiêu tháng này, khiến cho việc tiết kiệm trước đó bị bỏ hẳn sang 1 bên. Khi này, việc đầu tiên mình cần giải quyết, là làm sao để giảm mức chi tiêu xuống thấp nhất có thể, vì không có thêm thu nhập thụ động, hoặc nguồn thu nào khác.

Lương 30 triệu/tháng làm sao để mua nhà ở thành phố lớn? - Ảnh 2.

Tích lũy tiền - Giảm chi tiêu

Mình từng chỉ tiêu 2-3 triệu đồng/tháng hồi còn là sinh viên học ngoài Hà Nội. Chính điều này, khiến bản thân đặt ra câu hỏi: “Tại sao với mức 2-3 triệu đó, mình vẫn sống tốt cả tháng?”. Nhưng với mức sống như hiện tại, mình cũng không thể cắt bỏ hoàn toàn mọi nhu cầu, để chỉ chi trả cho mỗi tiền ăn hàng tháng được. Vậy mình tiết kiệm chi tiêu hơn bằng cách nào?

Đầu tiên là khoản tiền thuê nhà. Mình cắt được khoản này mỗi tháng, vì không còn phải ở nhà thuê nữa. Nhưng những chi phí như điện, nước, mạng, bảo dưỡng căn hộ hàng tháng thì vẫn ở đó. Vì thế, mình tiết kiệm trên những nhu cầu này bằng cách không lãng phí điện, nước, không còn thói quen lãng phí như hồi còn ở cùng ba mẹ. Số tiền này không quá lớn, nhưng hãy suy nghĩ tích tiểu thành đại. Giảm được vài trăm ngàn tiền điện là ổn rồi.

Tiếp theo là các khoản tiền chi tiêu cho ăn uống, cafe hàng tháng. Trước đây, khi chưa mua nhà, mình cũng hay nuông chiều bản thân bằng những cốc cafe chất lượng, ăn uống cùng bạn bè, xem phim,... Đừng nghĩ đây là khoản tiền nhỏ. Nó ngốn của mình vài ba triệu mỗi tháng là ít.

Kể từ khi đi làm có lương, du lịch trải nghiệm hàng quý, hàng năm với mình là điều không thể thiếu. Nhưng bây giờ, mình chỉ đi 1 lần/năm. Với mình, du lịch là học hỏi, mở rộng các mối quan hệ. Tuy vậy, điều này cũng phải chào thua vì nợ. 

Và cuối cùng là các khoản mua sắm. Nếu như chị em tốn tiền cho quần áo, mỹ phẩm, thì anh em lại tốn tiền cho thiết bị điện tử, xe cộ. Mình từng rất mê độ xe, và mua sắm những sản phẩm công nghệ cao như máy ảnh, máy tính, điện thoại, và các loại game. Nhưng bây giờ, mình chỉ dành tiền để đầu tư vào công việc, những thứ thuộc về sở thích buộc phải lùi về sau. Cũng bởi vì tài chính kéo căng, mình cũng không nghĩ nhiều đến những điều này nữa.

Tuy không sống quá mức keo kiệt, nhưng mình cũng phải cố gắng tiết kiệm nhất có thể. Nếu không tình trạng âm tiền kéo dài mãi thì chẳng ổn chút nào.

Có nhiều hơn 1 nguồn thu

Sau khi giới hạn các khoản chi tiêu, việc chỉ duy trì 1 công việc cuối tháng lãnh lương với mình là không đủ. Tuy nhiên, với những người có dự định vay tiền mua nhà, mua xe, nhất định phải đảm bảo được công việc mang tính chất ổn định. Vì nếu trong thời gian trả góp nhà, bạn sẽ rơi vào khủng hoảng và có nguy cơ bán nhà nếu như mất việc hoặc lương giảm. Vậy nên, trước khi gia tăng nguồn thu mới, hãy đảm bảo làm tốt công việc hiện tại, và duy trì khả năng tăng lương hàng năm. Đây như là một cuốn sổ “bảo hiểm” của bạn đối với món nợ khổng lồ kia.

Lương 30 triệu/tháng làm sao để mua nhà ở thành phố lớn? - Ảnh 3.

Hiện tại, công việc chính đã vào quỹ đạo, mình có thể xử lý tốt trong khả năng, và vẫn dành thêm thời gian để có thêm nguồn thu phụ. Thực sự bị nợ ép mình mới điên cuồng làm việc như thế. Những lúc bận rộn như thế, bản thân cũng không còn thời gian nghĩ đến chuyện tiêu tiền. Khi đang có nợ, tài chính của mình cũng chẳng dư để đầu tư thêm gì quá lớn. Nhưng không vì thế mà mình bỏ qua các kênh này. 

Bài toán trả nợ cụ thể

Việc trả nợ không chỉ nằm ở việc tính toán thu - chi - tiền nợ hàng tháng. Mà còn ở việc bạn tính toán thêm lãi suất ngân hàng, ưu đãi trong các khoản vay. Mình từng có suy nghĩ, chỉ mấy % lãi suất thôi mà, mỗi tháng thêm 1-2 triệu đồng không phải vấn đề quá lớn. Đây quả thực là suy nghĩ “đơn thuần đến mức khó tin”. Số tiền lãi có thể lên tới hàng trăm triệu nếu như thời hạn trả nợ lâu, hoặc lựa chọn ngân hàng có mức lãi suất không ổn định, phát sinh nhiều chi phí vay. Và hãy lưu ý đến ưu đãi trong quá trình vay, đây là khoản tiền giúp bạn bớt phần nào đó gánh nặng trong quá trình trả lãi trong 5-10 năm tới. 

Thêm nữa, hãy ghi nhớ nguyên tắc chỉ dành ra 30% tổng thu nhập để trả nợ. Mình từng dành hơn 50% tổng thu nhập chỉ để trả nợ nhà hàng tháng. Con số này sẽ khiến mọi chi tiêu, tiết kiệm hàng tháng bị giới hạn đi rất nhiều. Nếu tiêu quá 50% nguồn thu, bạn phải chấp nhận rằng tiền tiết kiệm gần như là không còn. Vậy nên, số tiền trả nợ hàng tháng “an toàn” nhất là 30% nguồn thu hàng tháng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm