pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiết lộ những lý do khiến Thẻ căn cước công dân cần đổi thành Thẻ căn cước
Ảnh minh họa
Sáng 25/10, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tại phiên thảo luận.
Trong Dự thảo mới đây Chính phủ trình Quốc hội, đã có nhiều điểm thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung theo những góp ý của các cơ quan, ban, ngành, chuyên gia, ngoài ra Dự thảo cũng đề xuất hàng loạt điểm mới về căn cước công dân (CCCD).
Cụ thể, Bộ Công an đề xuất đổi tên Luật CCCD thành Luật Căn cước. Để tương thích với tên gọi mới của dự thảo luật, Bộ Công an cũng đề xuất đổi cả tên gọi Thẻ CCCD thành Thẻ căn cước.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận hôm 25/10. Ảnh: Bộ Công an
Ngoài tên gọi, Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới về nội dung thể hiện trên mặt Thẻ căn cước. Trong đó, lược bỏ dấu vân tay, dòng chữ "CĂN CƯỚC CÔNG DÂN" đổi thành "CĂN CƯỚC", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú".
Lý giải về đề xuất này, Bộ Công an cho biết nơi đăng ký khai sinh là thông tin chính xác với bất kỳ con người nào và tính ổn định cao; vì thế sẽ được thay thế cho quê quán, có tính chính xác thấp hơn (có người sinh ở Hà Nội nhưng lại ghi quê quán theo cha mẹ, ông bà ở địa phương khác). Tương tự, việc đổi nơi thường trú thành nơi cư trú nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú vẫn được cấp thẻ căn cước.
Vì sao cần đổi tên thành Thẻ căn cước?
Về tên gọi của Thẻ CCCD hiện nay, Bộ Công an đề xuất đổi thành Thẻ căn cước, cơ bản các ý kiến đại biểu Quốc hội và cơ quan thẩm tra tán thành.
Việc đổi tên thành Thẻ Căn cước được lãnh đạo Bộ Công an lý giải như sau: Với tên gọi mới của thẻ giúp bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Hạn chế phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu.
Việc đổi tên cũng giúp phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới hiện nay (Identicy Card - thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân).
Bên cạnh đó, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào Thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây.
"Do đó, việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến tâm lý người dân", Bộ trưởng Tô Lâm nêu trong báo cáo gửi tới Quốc hội hồi tháng 6 vừa qua.
Với câu hỏi đặt ra việc thay đổi có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân hay không, hơn 83 triệu Thẻ CCCD gắn chip đã cấp có phải làm lại?
Theo Bộ Công an, các thay đổi như đề xuất không làm phình ngân sách, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tất cả Thẻ CCCD đã cấp sẽ tiếp tục có giá trị sử dụng đến thời hạn ghi trên thẻ, sau đó mới đổi sang thẻ căn cước. Mọi giấy tờ liên quan đến Thẻ CCCD hoặc chứng minh nhân dân đã cấp đều có giá trị pháp lý như nhau.