Tiểu phẩm: Tiếng nói nữ quyền

Thủy Kiều
08/03/2024 - 11:00
Tiểu phẩm: Tiếng nói nữ quyền

Hình minh họa

Ông đi đâu cả ngày mà không chịu nghe máy? Ông có về ngay không thì bảo! Đây là lần thứ mấy ông trốn nhà mà chưa xin phép tôi, hả? Việc nhà tôi giao ông chưa làm tí nào... Có phải lâu nay tôi chiều quá nên bây giờ ông hư thân rồi phải không?

Rệu rạo sau một ngày làm việc hết công suất, Hách định phi thẳng lên phòng ngủ để thay đồ thì loáng thoáng nghe thấy tiếng đàn ông trong nhà. Chưa kịp tìm hiểu chuyện gì thì cái bóng lù lù như bao tải khoai bất ngờ chộp lấy hắn, cười hô hố:

- Chú em đây rồi! Lâu lắm mới gặp, sao dạo này chú không chịu về quê? Anh nhớ chú lắm đấy!

Thì ra đó là Hống - anh ruột của Hách. Vừa nhìn thấy Hống, Hách như được tiếp thêm năng lượng, quên hết thảy mệt mỏi, cười hơ hớ:

- Ô! Anh lên chơi mà sao không báo em một tiếng?

- Thì muốn chú bất ngờ nên anh bí mật lên đây.

Trong lúc bị anh trai không ngừng thụi yêu vào lưng, Hách vẫn cố ngoái vào bếp gọi vợ:

- Em ơi! Cơm nước tiếp khách tối nay thế nào rồi?

Vợ Hách trả lời với giọng điệu không thể niềm nở hơn:

- Sắp xong rồi anh ơi!

Hống bỗng nhiên sạm mặt lại:

- Anh không ngờ chú thím chỉ coi anh là khách. Biết thế anh chẳng lên đây làm gì.

Hách cuống quýt:

- Ấy ấy, anh đừng giận, tại dạo này nhà em hay có khách cơ quan đến chơi nên em quen miệng...

Thấy bộ dạng hốt hoảng của Hách, Hống lại phá lên cười:

- Ha ha, làm gì mà căng thế! Anh chỉ đùa chú thôi mà.

Lâu lắm rồi nhà Hách mới có được một bữa cơm vui vẻ, ấm cúng đến thế. Tiếng cười không chịu dứt cho đến khi vợ Hách nhắc khéo:

- Em xin phép lên gác cho thằng Tún đi ngủ trước ạ.

Hách cũng đứng phắt dậy, dẫn anh trai vào một phòng riêng, biểu cảm hớn hở:

- Hôm nay anh em mình ngủ đây nhé. Phòng hơi chật nhưng tha hồ nói chuyện, lâu lắm rồi mình mới được ngủ chung thế này, anh nhỉ.

Hống lại thay đổi thái độ:

- Chú đừng cười nhăn nhở như thằng đần nữa. Chú không thấy xấu hổ với anh à?

Tưởng ông anh đang thể hiện khiếu hài hước như mọi khi, miệng Hách lại ngoác ra:

- Hihi, ngủ với anh trai thì có gì mà xấu hổ ạ?

- Không! Ý anh là thể diện của chú biến mất từ khi nào vậy? Có phải từ khi chú lấy vợ không? Thôi đúng rồi! Trước khi chú kết hôn, hình như anh chưa đưa chú giáo trình dạy vợ, phải không?

Thấy biểu cảm của anh trai không đùa chút nào, Hách tỏ ra lo lắng:

- Sao thế ạ? Có phải hồi chiều, vợ em nói gì làm anh phật ý?

- Không! Anh chỉ là anh chồng, thím ấy mặt nặng mày nhẹ với anh thế nào không quan trọng, nhưng với chú, thím ấy phải tỏ ra lễ phép, biết điều, dù sao chú cũng là chồng kia mà. Nhìn cách thím ấy cư xử mà anh xót xa cho chú.

Hách há hốc mồm nghe anh trai giáo huấn, thi thoảng mới chêm vào được một câu:

- Ôi, anh có nhạy cảm quá không? Đàn ông hiện đại phải biết chia sẻ việc nhà với vợ chứ nhỉ.

Thấy em trai nói vậy, Hống chì chiết:

- Không biết chú học điều này ở đâu nhưng đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Anh để ý nhiều lần về quê, chú cứ phải dáo dác trước với vợ, rồi mua quà để nịnh thím ấy. Tại sao chú phải nịnh vợ để về thăm bố mẹ mình? Chú đang làm hư vợ mà không biết. 

Theo anh, đáng lẽ lúc thím ấy tỏ thái độ không muốn về nhà chồng thì chú phải cương quyết, phải mắng cho thím ấy một trận thì chú lại tìm đủ cách ngọt nhạt, dụ dỗ. Cứ thế này kiểu gì những lần sau vợ chú lại chứng nào tật ấy...

Chốt lại màn giáo huấn của mình, Hống thở dài:

- Một giọt máu đào hơn ao nước lã, chú ạ! Cứ nghe anh đi! Dù yêu chiều đến mấy thì vợ cũng chỉ là người dưng mà thôi, chú không thể chối bỏ sự thật này. Chú thấy đấy! Chị dâu của chú mà không được anh dạy ngay từ đầu thì có lẽ giờ này cô ta làm nữ tướng trong nhà mình rồi.

Hách không dám cãi nửa lời, những gì anh trai nói khiến hắn dao động. Lẽ nào người vợ hắn hết mực yêu chiều đang coi thường hắn đến thế sao? Càng nghĩ Hách càng thấy ức, nhẩm bụng từ mai phải thay đổi.

Hống vỗ vai Hách:

- Thôi, anh đi tắm cái đã. Tắm xong anh em mình tâm sự tiếp.

Trong lúc Hống đang tắm thì điện thoại réo ầm ĩ. Biết chị dâu gọi nên Hách vui vẻ cầm máy nhưng chưa kịp "alo" thì đầu dây bên kia như muốn nhảy bổ ra ngoài:

- Ông đi đâu cả ngày mà không chịu nghe máy? Ông có về ngay không thì bảo! Đây là lần thứ mấy ông trốn nhà mà chưa xin phép tôi, hả? Việc nhà tôi giao ông chưa làm tí nào... Có phải lâu nay tôi chiều quá nên bây giờ ông hư thân rồi phải không?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm