Tìm giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau

08/08/2019 - 10:13
26,56% phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) không biết đọc, biết viết; 33% nữ sinh DTTS đi học PTTH đúng độ tuổi; 7,2% lao động nữ DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật; khoảng 26% phụ nữ DTTS đứng tên sở hữu đất đai và tài sản; tỷ lệ phụ nữ tham chính ở 4 cấp khá khiêm tốn... Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bất bình đẳng giới nói chung và bất bình đẳng ở phụ nữ DTTS nói riêng.

Ngày 8/8, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo chính sách "Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau" do Hội LHPNVN tổ chức, TS Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, cho rằng: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển vùng DTTS và miền núi, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước. Trong nhiều năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về DTTS, miền núi không ngừng được hoàn thiện triển khai trong thực tiễn và đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra những thành tựu to lớn làm thay đổi căn bản đời sống của DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng. 

 

pc.jpg
TS Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo

 

Nghị quyết 24 của BCH TW (khóa IX) và những văn bản của Đảng về công tác dân tộc ra đời năm 2003 là định hướng cho hơn 118 chương trình, đề án, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi, trong đó có một số chính sách riêng dành cho phụ nữ DTTS.

Tuy nhiên, nhìn lại tổng thể các chính sách hiện hành cho thấy, nhiều chính sách chưa được quan tâm lồng ghép giới, hoặc nếu có lồng ghép giới thì mờ nhạt, chưa quan tâm tới nhu cầu và điều kiện thực tế của phụ nữ và nam giới, dẫn đến những hạn chế trong tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ những chính sách này; có chính sách cho phụ nữ nhưng tổ chức thực hiện và nguồn lực còn rất khiêm tốn chưa tạo ra đột phá trong giải quyết những vấn đề giới đang tồn tại trong vùng DTTS và miền núi.

 

fgdfgdgdgdgdg.jpg
Ảnh minh họa

 

Bà Bùi Thị Hòa cũng dẫn chứng bằng những con số cụ thể cho thấy nhiều phụ nữ DTTS vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các cơ hội phát triển, đồng nghĩa với việc họ vẫn bị tụt hậu trong các ưu tiên phát triển: 26,56% phụ nữ DTTS không biết đọc, biết viết; 33% nữ sinh DTTS đi học PTTH đúng độ tuổi; 7,2% lao động nữ DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật; khoảng 26% PNDTTS đứng tên sở hữu đất đai và tài sản (phụ nữ Kinh là 56%); có 12 dân tộc tỷ lệ tảo hôn từ 30 đến 40%; 25 dân tộc có phụ nữ sinh con tại nhà khoảng 50%, thậm chí có dân tộc đến 90% phụ nữ sinh con tại nhà; tỷ lệ DTTS tham chính ở 4 cấp trong tổ chức Đảng, Quốc hội, HĐND, chính quyền khá thấp Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bất bình đẳng giới nói chung và bất bình đẳng ở phụ nữ DTTS nói riêng.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPNVN: "Khoảng cách đối với phụ nữ DTTS sẽ ngày càng lớn khi xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh, mạnh trong khi nhóm phụ nữ DTTS đang bị ngăn cản bởi rất nhiều rào cản đã ăn sâu, bám rễ trong sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển. Sự tụt hậu của phụ nữ DTTS trong mục tiêu đáp ứng các chỉ tiêu MDGs cho thấy còn rất nhiều vấn đề cần đặt ra. Nghèo về kinh tế, ít các cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản là những rào cản cơ bản dẫn tới phụ nữ DTTS đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển”.

 

dai-bieu1.jpg
Các đại biểu tham gia Hội thảo

 

Hội thảo chính sách “Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau” được tổ chức với mục tiêu thu thập những căn cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất, kiến nghị với Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 24 điều chỉnh định hướng chính sách vùng DTTS có trách nhiệm giới và đảm bảo bình đẳng giới đối với phụ nữ DTTS; đồng thời, nghiên cứu tổng hợp ý kiến để tham gia phản biện đối với Dự thảo “Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”.

Lao động, việc làm và sinh kế bền vững của phụ nữ dân tộc thiểu số; một số vấn đề xã hội đối với phụ nữ dân tộc thiểu số; sự tham gia của phụ nữ DTTS trong xây dựng, thực hiện chính sách là những nội dung được tập trung bàn thảo trong 3 phiên kỹ thuật của Hội thảo diễn ra trong hai ngày 8, 9/8/2019 .

Kết quả từ 3 phiên kỹ thuật này sẽ là các nội dung nòng cốt cho phiên toàn thể diễn ra vào sáng 12/8/2019.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm