Tìm giải pháp thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia "đối thoại chính sách"

PV (lược ghi)
20/09/2023 - 22:24
Tìm giải pháp thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia "đối thoại chính sách"

Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội. Ảnh minh họa

Qua công trình nghiên cứu, khảo sát của Th.S Nguyễn Hoàng Anh, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phụ nữ (Học viện Phụ nữ Việt Nam), "đối thoại chính sách" là một trong những nội dung quan trọng nhằm đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Qua khảo cứu về sự tham gia của người dân DTTS trong đời sống chính trị-xã hội, Th.S Nguyễn Hoàng Anh, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phụ nữ, cho biết: Sự tham gia của người dân DTTS trong đời sống chính trị -xã hội, "đối thoại chính sách" là một trong những nội dung quan trọng nhằm đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ thông qua các cuộc họp dân ở địa phương như: Họp dân ở thôn bản, họp dân ở xã, tiếp xúc cử tri; đối thoại chính sách và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của đội ngũ nữ công chức, viên chức địa phương, người có uy tín trong cộng đồng.

Qua khảo sát hơn 1.000 người dân tộc thiểu số, cho thấy: Ở Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Lai Châu, bà con DTTS rất tích cực tham gia các cuộc họp ở địa phương. Trong khi địa bàn Bình Phước và Sóc Trăng, nơi có tỷ lệ bà con hiểu về mục đích của các cuộc họp dân, đối thoại, tiếp xúc cử tri còn nhiều hạn chế, thì tỷ lệ không tham gia bất cứ cuộc họp nào khá cao, lần lượt là 35,4% và 45,3%.

Mặc dù chưa nhận thức hoàn toàn đầy đủ về ý nghĩa và mục đích của đối thoại chính sách, nhưng nhìn chung cả phụ nữ và nam giới DTTS đã hiểu được mục đích của các cuộc họp giữa dân với chính quyền địa phương, của đối thoại chính sách. Đó là để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước, các quy định của địa phương; cũng là diễn đàn để người dân được phát biểu lên những tâm tư, băn khoăn, đề đạt nguyện vọng của mình đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Tìm giải pháp tăng cường phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia "đối thoại chính sách" - Ảnh 1.

Phụ nữ dân tộc thiếu số tham gia bầu cử, thực hiện quyền và trách nhiệm của công dân, lựa chọn người đại diện tại các cơ quan dân cử. Ảnh minh họa

Nghiên cứu cũng chỉ ra, không có khác biệt về giới đáng kể về tỷ lệ tham gia các loại hình họp dân, nhưng lại có sự khác biệt rõ rệt theo nhóm tuổi, người cao tuổi tham gia đông, nhưng người trẻ tuổi tỷ lệ tham gia thấp. Điều này được lý giải là người dân ở tuổi càng trẻ càng phải tập trung cho các hoạt động kiếm thu nhập nên các hoạt động họp dân nói riêng, hoạt động cộng đồng ở địa phương nói chung thường do nhóm tuổi cao hơn đảm nhiệm.

Kết quả khảo sát cho thấy phụ nữ DTTS gặp nhiều khó khăn khi tham gia các cuộc họp ở địa phương, đặc biệt là các khó khăn chủ quan. Trong số phụ nữ DTTS được khảo sát, có gần 60% cho biết họ khó khăn trong việc bố trí thời gian, sắp xếp công việc để tham dự các cuộc họp ở địa phương và hơn một nửa trong số đó (52,4%) cho rằng đây là khó khăn số 1 đối với họ.

Không ít phụ nữ DTTS cho rằng rào cản lớn đối với họ là bản thân tự ti, ngại giao tiếp (50,9%). Tiếp đó là khó khăn do không thạo tiếng phổ thông nên tiếp thu thông tin hạn chế của 38,2% phụ nữ DTTS được hỏi và hơn một nửa số này (52,4%) cho rằng đây là khó khăn lớn nhất trong việc tham dự các cuộc họp dân ở địa phương. Bên cạnh đó, có khoảng 1/3 coi yếu tố địa hình là khó khăn lớn nhất mỗi khi tham gia các cuộc họp ở địa phương.

Những khó khăn mang màu sắc giới thì sự khác biệt giữa nam và nữ nổi lên rõ rệt; đó là sự tự ti, ngại giao tiếp của 50,9% phụ nữ DTTS, nhưng chỉ là của 37,6% nam giới DTTS.

Rào cản ngôn ngữ ở 38,2% phụ nữ nhưng ở nam giới chỉ là 28,8%. Tương tự như vậy, chỉ có 16,2% phụ nữ cảm thấy không có khó khăn gì khi tham gia các cuộc họp địa phương trong khi tỷ lệ này ở nam giới cao hơn, 25,8%

Về hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở địa phương là một nhiệm vụ còn nhiều lúng túng, kể cả với cán bộ cấp tỉnh, cấp Trung ương. Do đó, có khá nhiều khó khăn đặt ra cho hai nhóm đối tượng công chức, viên chức địa phương và người có uy tín trong cộng đồng, đặc biệt là sự thiếu thốn tài liệu hướng dẫn cụ thể, sự chưa đáp ứng về kiến thức, kỹ năng giám sát, phản biện xã hội cũng như kiến thức về luật pháp chính sách.

Theo đó, có tới 70% cán bộ địa phương và người có uy tín đều có mong muốn được học tập nâng cao trình độ, được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng về giám sát, phản biện xã hội, hiểu biết pháp luật, nền tảng lý luận.

Tìm giải pháp tăng cường phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia "đối thoại chính sách" - Ảnh 2.

Các cấp Hội truyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa

Qua những dữ liệu, phân tích nêu trên, bà Nguyễn Hoàng Anh khuyến nghị: Phụ nữ DTTS mới chỉ hiểu được một cách đơn giản nhất về mục đích của các cuộc họp dân, đối thoại với chính quyền, tiếp xúc cử tri mà chưa có hiểu biết đẩy đủ về bản chất, ý nghĩa của từng cuộc họp. Vì vậy, cần tiếp tục kiên trì thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao hiểu biết xã hội, kiến thức luật pháp và tuyên truyền giáo dục để phụ nữ DTTS có hiểu biết đầy đủ, ý thức được quyền lợi và trách nhiệm, mạnh dạn bày tỏ những băn khoăn, suy nghĩ, đề đạt nguyện vọng cá nhân, phản ánh vấn đề nổi cộm của địa phương với các cấp có thẩm quyền, tích cực đóng góp ý kiến tham gia xây dựng địa phương, chính quyền.

Để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức địa phương và người có uy tín trong cộng đồng (già làng, trưởng thôn/bản, bí thư Chi bộ thôn, chức sắc tôn giáo) và nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, về giám sát, phản biện xã hội, kiến thức về luật pháp chính sách liên quan, cần chú trọng ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn về giám sát, phản biện xã hội kịp thời, đầy đủ; tăng cường tập huấn và hướng dẫn thực hành giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ bộ công chức, viên chức địa phương và người có uy tín trong cộng đồng.

Cùng với đó, khuyến khích, nêu gương sự nỗ lực trau dồi nâng cao hiểu biết xã hội, năng lực kỹ năng giám sát, phản biện xã hội trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức địa phương và những người có uy tín trong cộng đồng để phát huy nội lực, sự đóng góp của nhóm đối tượng ưu tú này vào phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm