Phấn đấu có 7.200 phụ nữ dân tộc thiểu số được tham gia đối thoại chính sách ở cấp xã và thôn bản

H.Y
11/08/2023 - 19:46
Phấn đấu có 7.200 phụ nữ dân tộc thiểu số được tham gia đối thoại chính sách ở cấp xã và thôn bản

Ảnh minh hoạ

Hội LHPN Việt Nam vừa ban hành Chiến lược truyền thông về Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Chiến lược truyền thông nhằm hướng tới bình đẳng giới thực chất; Chú trọng khơi dậy tinh thần tự lực, tự khẳng định mình, chủ động vươn lên làm chủ cuộc sống của phụ nữ DTTS. Đặc biệt, chiến lược hướng tới việc bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng đồng bào DTTS là trách nhiệm của tất cả cơ quan ban ngành và được thực hiện ở tất cả các cấp.

Tăng cường trách nhiệm lồng ghép giới

Mục tiêu của chiến lược là hướng đến năm 2025, khoảng 40.000 lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các sở ban ngành, cơ quan các cấp (tỉnh, huyện và xã) tham gia Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS được nâng cao kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, kỹ năng phân tích giới và lồng ghép giới.  

Phấn đấu 7.200 phụ nữ dân tộc thiểu số được đối thoại chính sách ở cấp xã và thôn bản - Ảnh 1.

Mục tiêu đến năm 2025, khoảng 40.000 lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các sở ban ngành, cơ quan các cấp (tỉnh, huyện và xã) tham gia Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS được nâng cao kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, kỹ năng phân tích giới và lồng ghép giới

100% lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các cơ quan ban ngành các cấp (tỉnh, huyện, xã) tham gia thực hiện chương trình MTQG phát triển KTXH ở vùng đồng bào DTTS hiểu rõ trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em ở vùng DTTS

100 % trưởng thôn, bản địa bàn triển khai Dự án 8 được nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới và được hướng dẫn lồng ghép giới trong các hoạt động cộng đồng tại thôn, bản.

Nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi về bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng

Chiến lược cũng đề ra mục tiêu, đến năm 2025, ít nhất 90% nam giới, phụ nữ nhận biết được các biểu hiện của định kiến giới, khuôn mẫu giới và sự phân biệt đối xử về giới liên quan đến vai trò kinh tế, vai trò chăm sóc, vai trò ra quyết định trong gia đình và cộng đồng thông qua tham gia vào các tổ truyền thông cộng đồng, mô hình sinh kế, địa chỉ tin cậy trong Dự án 8.

Phấn đấu 7.200 phụ nữ dân tộc thiểu số được đối thoại chính sách ở cấp xã và thôn bản - Ảnh 2.

Nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi về bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng

45.000 trẻ em DTTS được nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và có kỹ năng truyền thông, vận động giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan đến trẻ em thông qua tham gia mô hình Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi".

Khoảng 7.200 phụ nữ người DTTS được tham gia các cuộc đối thoại chính sách ở cấp xã và cụm thôn bản.

Từng bước xóa bỏ các tập tục có hại đối với phụ nữ và trẻ em người DTTS

Dự kiến, năm 2025, sẽ có khoảng 40.000 lãnh đạo và cán bộ của các sở ban ngành, cơ quan các cấp (tỉnh, huyện và xã) tham gia Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS có khả năng nhận biết và xác định các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em trong các lĩnh vực; nhận diện và đưa ra các giải pháp cụ thể cho các tập tục có hại cho sự phát triển của phụ nữ và trẻ em ở vùng DTTS.

Ít nhất 90% nam giới, phụ nữ và trẻ em tham gia vào các tổ truyền thông cộng đồng, mô hình sinh kế, địa chỉ tin cậy và CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi trong Dự án 8 được nâng cao nhận thức, nhận diện được tác hại của các tập tục lạc hậu đối với sự phát triển của phụ nữ, trẻ em và cả cộng đồng.

Đặc biệt, mục tiêu định hướng đến 2030, lồng ghép giới được coi là nguyên tắc xuyên suốt và là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các cơ quan, ban ngành các cấp trong xây dựng và thực hiện chính sách đối với vùng DTTS và miền núi; tỷ lệ phụ nữ DTTS tham gia các vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực chính trị và trong cộng đồng được nâng lên đáng kể; vai trò, tiếng nói của phụ nữ trong gia đình và ngoài cộng đồng được nhìn nhận đúng đắn và được phát huy, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong các lĩnh vực; một số tập tục có hại đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em cơ bản được xóa bỏ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm