pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số từ sản phẩm gắn với văn hóa vùng miền
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chị Lý Thị Quyên về xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn làm việc. Thấy nguồn tài nguyên bản địa rất phong phú mà bị bỏ hoang nên chị đã tự mày mò chế biến các sản phẩm nông sản bản địa.
Ban đầu chị tập trung vào sản phẩm chuối sấy bởi huyện Bạch Thông là một trong những địa phương có sản lượng chuối lớn và được đánh giá cao về hàm lượng dưỡng chất, nhiều công dụng. Một ưu điểm khác về nguồn nguyên liệu của chuối sấy là các sản phẩm được sản xuất từ chuối hột rừng chín tự nhiên.
Trải qua rất nhiều khó khăn, thất bại, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia thực phẩm cũng như sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, cuối cùng, chị cũng cho ra được sản phẩm chuối sấy đạt OCOP 3 sao. Sản phẩm chuối sấy của chị Lý Thị Quyên đã góp phần nâng cao giá trị cây chuối tây bản địa, trở thành một sản phẩm nông sản sạch có thương hiệu trên thị trường.
Cũng trong quá trình này, chị Quyên mạnh dạn thành lập và điều hành HTX Thiên An. Sau thành công với sản phẩm chuối sấy, chị nhận thấy người dân tộc Dao có nhiều văn hóa đặc trưng có khả năng cạnh tranh trên thị trường như dược liệu và thổ cẩm. Bởi vậy, chị đã quyết tâm phát triển HTX theo hướng bảo tồn và phát triển các sản phẩm thế mạnh của vùng đồng bào DTTS, trong đó chủ lực là sản phẩm dược liệu và thổ cẩm.
Năm 2015, HTX có 7 thành viên, đến năm 2022, nâng lên 22 thành viên. Đặc biệt đến nay HTX đã có tới 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
"HTX Thiên An được thành lập với 100% là phụ nữ đồng bào DTTS. HTX là nơi để chị em phụ nữ làm việc, phát triển bản thân, tạo sinh kế bền vững, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. Các thành viên tham gia HTX được tập huấn nâng cao năng lực bản thân. Đến thời điểm hiện tại có 22 thành viên nữ và 9 sản phẩm OCOP góp phần phát triển kinh tế tại địa phương", chị Lý Thị Quyên cho biết.
Chia sẻ về quá trình thành lập HTX và vận động chị em phụ nữ DTTS tham gia, chị Quyên cho biết, đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn, bởi đa số chị em không hiểu mô hình HTX là gì, hoạt động như thế nào là tham gia thì có lợi ích gì. Chính vì vậy, chị đã kết hợp với Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn vừa truyền thông, vừa tập huấn để bà con hiểu và tham gia.
Theo chị Quyên, làm thay đổi tư duy cũng như "trao quyền" cho chị em phụ nữ DTTS rất khó, bởi hầu hết chị em có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cách làm kinh tế truyền thống cũng như phụ thuộc vào chồng. Chị em rụt rè, không dám đứng ra làm kinh tế, hoặc nếu có làm thì cũng không có hoạch định gì, chỉ làm theo kinh nghiệm, mạnh ai nấy làm. Sau khi được tập huấn, tư tưởng của chị em đã dần thay đổi. Một số chị em đã sản xuất theo định hướng, không còn manh mún, nhỏ lẻ, biết kết hợp để tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sản phẩm của HTX Thiên An được nhiều người ưa chuộng
Nhờ sự ủng hộ của hội phụ nữ các cấp, nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền đã giúp chị em nắm bắt được thông tin, đặc biệt là cơ chế chính sách tiếp cận nguồn vốn. Từ đó, hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.