Nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho đồng bào vùng sâu, vùng xa tỉnh Thanh Hóa

Vân Anh
07/08/2023 - 21:05
Nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho đồng bào vùng sâu, vùng xa tỉnh Thanh Hóa

Các đại biểu chia sẻ thuận lợi và khó khăn khi phát triển thương mại điện tử

Lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa được tổ chức nhằm phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa tại địa phương.

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa, khu vực miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa có khoảng 190 hợp tác xã đang hoạt động. Do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản trị, địa hình xa xôi cách trở nên hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã chưa hiệu quả. Song với sự nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo, nhiều hợp tác xã ở khu vực miền núi khó khăn đã xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh triển vọng, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường.

Thời gian qua, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa đã và đang có những bước khởi sắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc. 

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 nhằm mục tiêu tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025, gắn với thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Quyết định số 624-QĐ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa...

Nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho đồng bào vùng sâu, vùng xa tỉnh Thanh Hóa- Ảnh 1.

Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 giúp phát triển tiềm năng, lợi thế của các địa phương

Theo đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của các địa phương khu vực miền núi, ven biển của tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 20%/năm; xây dựng được 11 mô hình điểm bán hàng nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có chất lượng cao tại 11 huyện miền núi; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong nước và xuất khẩu. 

Nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử

Trong ba ngày, từ 7 đến 9/8, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Chương trình có sự tham gia của cán bộ liên minh hợp tác xã tỉnh và gần 60 đại biểu đại diện cho 24 hợp tác xã tiêu biểu thuộc 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân. Các đại biểu được các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, một số đơn vị kỹ thuật truyền thông giới thiệu về các chuyên đề như: Nâng cao ứng dụng, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho đồng bào vùng sâu, vùng xa tỉnh Thanh Hóa- Ảnh 2.

Toàn cảnh lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Thông qua khóa tập huấn sẽ giúp cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cái nhìn rõ hơn về thương mại điện tử và ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh; hiểu và sử dụng chợ sản phẩm trực tuyến dành cho các sản phẩm để từ đó có thể liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh. 

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thanh Hóa có thêm cơ hội, sự hỗ trợ để phát triển bền vững và tiếp cận với chuyển đổi số, thương mại điện tử cũng như nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế cho các sản phẩm để phát triển bền vững trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm