Tìm kháng sinh mới từ y văn thời Trung cổ

17/07/2017 - 07:20
Các nhà khoa học đang bắt tay vào thực hiện một dự án đầy triển vọng - ứng dụng sách y học thời Trung cổ để tìm ra những loại kháng sinh mới để đối phó tình trạng vi khuẩn kháng thuốc diễn ra tràn lan hiện nay.
Tạp chí y học Discover của Mỹ số ra mới đây cho biết, ước tính có khoảng 700.000 người trên thế giới chết mỗi năm do nhiễm khuẩn kháng thuốc. Con số này sẽ tăng lên trên 1 triệu vào giữa thế kỷ này nếu y học chưa tìm được kháng sinh mới.

Để sớm tìm ra kháng sinh điều trị vi khuẩn kháng thuốc, các chuyên gia nghiên cứu về trung cổ, các nhà vi sinh học, hóa học, ký sinh trùng, dược sĩ và các nhà khoa học dữ liệu từ nhiều trường đại học và quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh... đã tiến hành nghiên cứu các sách y văn liên quan đến cách trị nhiễm trùng và những liệu pháp thực sự hiệu quả mà người xưa đã từng ứng dụng.
3.jpg
Sách y văn chữa bệnh thời Trung cổ

Vào năm 2015, nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả nghiên thí nghiệm về liệu pháp chữa bệnh cổ, niên đại 1.000 năm có tên “Bald's eyeslave” (Thuốc xức mắt Bald) đề cập trong y văn mang tên “Sách Leechbook của Bald”, viết bằng tiếng Anh cổ. Thuốc xức mắt nhằm chữa sưng tấy bờ mi hoặc nhiễm trùng lông mi. Theo y học hiện đại, nguyên nhân gây bệnh là do khuẩn Staphylococcus aureus (Staph) hoặc MRSA kháng nhiều kháng sinh hiện có.

Nhiễm Staph và MRSA là nguyên nhân của nhiều bệnh nhiễm trùng nặng và mạn tính, kể cả nhiễm trùng vết mổ, nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi. Thuốc xức mắt Bald có chứa thành phần trong rượu vang, tỏi, Allium (có trong tỏi tây hoặc hành tây) và mật bò. Công thức chữa bệnh này tiết lộ, sau khi các thành phần được pha trộn với nhau, được đựng trong lọ bằng đồng 9 đêm trước khi sử dụng.

Theo các chuyên gia, loại thuốc trên còn có tác dụng chống co thắt phế quản. Ngoài ra, nó còn có tác dụng tiêu diệt khuẩn MRSA.

Xác định được 360 công thức điều chế thuốc

Tu Youyou, nhà hóa học nữ người Trung Quốc, từng được trao Giải Nobel Y học đã phát hiện ra một liệu pháp mới trị bệnh sốt rét sau khi nghiên cứu hơn 2.000 công thức y văn Trung Hoa cổ đại. Bà đã phát hiện thấy nhiều cách trị nhiễm khuẩn của Trung Quốc có nguồn gốc từ thời Trung cổ của châu Âu. Loại thuốc sốt rét mà bà tìm ra, xuất phát từ cây thanh hao hoa vàng và từng được ghi trong một cuốn sách y thuật của Cát Hồng, một thầy thuốc thời nhà Tấn, cách chúng ta trên 1.600 năm.

Một phát hiện quan trọng trong thuốc xức mắt Bald là bảo quản 9 ngày trước khi sử dụng điều trị nhiễm trùng. Điều này giúp khoa học hiện đại có thể nghiên cứu, tạo ra loại cocktail sinh học hoạt động hiệu quả hơn. Nghiên cứu sâu thêm, các chuyên gia còn tìm thấy một số loại thuốc thời trung cổ lại chứa nhiều thành phần thuốc bổ hoặc thuốc giảm nhẹ bệnh.
2.jpg
Xác định được 360 công thức điều chế thuốc     (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia còn nghiên cứu một tài liệu y thuật có tên “Lylye of Medicynes”, niên đại từ thế kỷ 13, được dịch từ tài liệu tiếng Latin. “Lylye of Medicynes” chứa đựng 360 công thức pha chế thuốc, với đơn kê rõ ràng bằng chữ với hàng ngàn thành phần dược liệu khác nhau.

Nữ tiến sĩ Erin Connelly tại Đại học Nottingham (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu đã sắp xếp các công thức điều chế và bệnh tật theo catolo riêng. Với cơ sở dữ liệu được thiết lập, Connelly cùng các cộng sự hy vọng sẽ tìm ra được những thành phần thuốc mới từ y văn trung cổ, mở ra tiềm năng cho một loại thuốc điều trị nhiễm trùng mới.

Hiện có khoảng 360 công thức điều chế đã được xác định là đơn thuốc góp mặt trong cơ sở dữ liệu của các nhà khoa học trên. Công việc tiếp theo là mở rộng cơ sở dữ liệu nói trên với các công thức khác, có thể không phải là đơn điều trị. Dữ liệu cơ sở mà các nhà khoa học đang xây dựng có thể cho ra đời những công thức điều chế thuốc mới và sẽ được thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm hiện đại.

"Rất có thể từ một dòng chữ Latin nhỏ có từ thế kỷ 13, chúng tôi sẽ tìm ra một công thức kháng sinh mới, giúp y học hiện đại giải quyết tình trạng khuẩn kháng thuốc mà lâu nay con người vẫn chưa tìm ra", Erin Connelly nhấn mạnh.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm