Tìm khoảng lặng giữa lòng Sài Gòn hối hả

18/02/2018 - 12:00
Ai có dịp ghé quán sinh tố C&M gần cuối đường Võ Văn Tần, quận 3, TPHCM, hẳn sẽ như tôi, đều hẹn lòng mình sẽ có lần quay lại.

Không hẳn vì sinh tố pha chế rất đậm vị trái cây, tươi ngon, giá khá "mềm" mà bởi thái độ cởi mở của anh Chiến và chị Mai. Dù không nói được và không nghe khách hàng nói gì nhưng gương mặt hai chủ quán lúc nào cũng ngời ngời vui vẻ. Hai người đều bị câm từ nhỏ, “thông ngôn” của họ với cả trăm khách hàng mỗi đêm là cô cháu gái người xứ Nghệ.

Hà - cô cháu gái - ngồi tỉ tê với chất giọng nằng nặng đặc trưng kể cho tôi nghe chuyện tình cảm của anh chị. Hai người quen nhau tại Bình Dương - họ học chung trường câm điếc tại đây. Cũng giận hờn lắm, yêu thương nhiều. Chị Mai quê Đà Nẵng, anh Chiến là chàng trai miền Tây, hai vùng quê xa nhau tít tắp. Lần giận hờn nhau nhiều nhất, chị Mai bỏ đất Bình Dương, quay về quê. Từ yêu thương, giận hờn đến nhung nhớ… họ chỉ có thể nói và hiểu bằng tiếng lòng mình và những ký hiệu kì diệu từ ánh mắt cùng đôi bàn tay.

Phố xuân Sài Gòn. Ảnh minh họa: Mễ Thuận

 

Anh Chiến xin trung tâm địa chỉ nhà chị, vượt gần 1.000 cây số ra tận Đà Nẵng “làm hiền” và xin cưới chị Mai. Không khỏi bất ngờ, hạnh phúc lẫn thương yêu trước tấm chân tình của người con trai miền Tây chân thành, chị gật đầu theo anh vào Sài Gòn lập nghiệp. Qua nhiều công việc phổ thông, họ dừng lại ở việc mở quán ăn rồi cuối cùng là quán sinh tố C&M. Với công việc này, anh chị cho biết niềm vui không chỉ là công việc mà họ được ở bên nhau ngày đêm. Hàng tối, quán mở từ 6 giờ tới khuya, sau đó, anh chị đã dậy từ nửa đêm, chuẩn bị đi mua trái cây tận chợ đầu mối. Sau công đoạn mua bán, gọt rửa chuẩn bị, một ngày của họ kết thúc từ 7 giờ sáng và bắt đầu từ giữa trưa!

Hàng chục năm tần tảo chịu khó giữa Sài Gòn, hiện anh chị đã có một ngôi nhà nhỏ có gác trên đường Vườn Chuối - quận 3 và một cậu con trai. Anh Chiến có lần viết cho tôi biết: “Con tôi nói chuyện bình thường” - khi ấy, mắt anh long lanh vui và xúc động. Đó là hạnh phúc lớn nhất mà cuộc đời ban tặng. Hạnh phúc ấy, thuở thanh niên cả anh Chiến, chị Mai dù yêu nhau vượt sông vượt núi âm thầm tìm nhau cũng không thể nghĩ mình lại đạt được.

Anh chị cho biết, họ không bao giờ buồn vì cuộc đời dành bất hạnh cho mình, họ chỉ buồn khi nếu trong nhà vợ chồng con cái không hiểu và yêu thương nhau. Điều ấy, hàng chục năm nay chưa hề xảy ra và trong căn nhà nhỏ ấm áp ấy ngày ngày vẫn ngập tràn niềm vui từ những khoảng lặng hạnh phúc.

Hơn 10 năm không còn nhớ bao lần tới lui cái khoảng lặng xôn xao ấy, tôi chưa từng gặp nét buồn nào trên gương mặt anh chị chủ quán. Những ánh mắt luôn biết nói những lời vui. Những ánh mắt giúp tôi cất hết buồn phiền, nặng trĩu mỗi khi ghé vào quán.

Quán đẹp, tình người ấm áp khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Ảnh minh họa

Sài Gòn còn có một khoảng lặng khác. Ở gần khúc giao giữa đường Trần Quốc Thảo - Nguyễn Đình Chiểu có một bác sửa xe khiếm thính. Bác "gà trống nuôi con" bao năm nay, con gái đã vào đại học. Mỗi sáng cô bé vẫn nấu một bình trà đá to để bên vỉa hè để ba uống và mời người qua đường uống miễn phí. Cô bé nói: “Ba và em không thể trò chuyện bình thường, chỉ viết hoặc ra ký hiệu, nhưng ba vẫn có thể dạy em rất nhiều điều hay”. Tôi cũng chưa từng gặp nét buồn trên những gương mặt ấy.

Một khoảng lặng nữa, trên đường Huỳnh Thúc Kháng, hàng ngày đi làm, tôi vẫn gặp bà cụ bán bánh mì thường rải đậu xanh, gạo cho bồ câu và lũ sẻ lạc ăn. Chỉ đi lướt qua nên hầu như tôi chưa thấy bà trò chuyện với ai bao giờ. Nhưng giữa khoảnh khắc yêu thương lúc bà rải thức ăn cho lũ chim ăn, tôi cảm thấy bà có một đặc ân, có thể trò chuyện, hiểu lũ chim ấy hơn tôi và những người đi trên phố.

Những khoảng lặng xôn xao ấy, chẳng biết tự bao giờ cho tôi thấy Sài Gòn thật bình yên!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm