pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tìm lại cuộc đời cho đứa con trai nghiện ngập
Ảnh minh họa
Bước vào cấp 3, thằng bé thay đổi tính nết, tập tành hút thuốc. Lần đầu tiên phát hiện con có hình xăm, anh đánh con thừa sống thiếu chết. Vậy mà chỉ 1 tuần sau, thằng bé lại có thêm hình xăm mới.
Rồi cứ thế, mỗi tuần, mỗi tháng, thằng bé lại tiếp tục xăm như đổ mực khắp người. Con cũng trở nên hung hăng hơn, hay gây gổ, đánh nhau với bạn bè. Cùng với đó là "cuộc chiến" bố mẹ với con, từ nhẹ nhàng phân tích đến chửi mắng, đánh đòn, cứ lặp đi lặp lại không dứt.
Bố mẹ nói con không nghe thì anh chị nhờ ông bà, thầy cô, bạn bè. Ở nhà, mỗi lần cáu giận con, anh chị tự kéo nhau vào phòng, viết thư kể chuyện với con. Thằng bé không vào được đại học, anh chị cho con học nghề sửa chữa ô tô xe máy.
Rồi một lần anh phát hiện con hít heroin. Đất trời như đổ sập. Lần này, vợ anh không chịu nổi nỗi đau, lên chùa nương náu. Anh một mình liên hệ chỗ cho con đi cai nghiện. Trong thời gian đó, anh quyết định bỏ nghề xây dựng, cũng học nghề sửa chữa ô tô xe máy, chuẩn bị tinh thần cùng con mở cửa hàng.
Nhưng mới được hơn 3 tuần, con đã trốn về, dẫn theo cô bạn học cùng hồi cấp 3, bảo hai đứa trót có bầu, muốn cưới. Anh choáng váng, cảm giác tương lai của con mờ mịt. Nhưng anh quyết định bám vào cái phao này, mong tạo thành đòn bẩy thúc đẩy con.
Anh xin gặp riêng bố mẹ của cô bé và cô bé, hỏi ngoài việc lỡ có bầu, cô bé hiểu gì về con anh, có bao giờ tính toán tương lai. Thấy con bé không biết chuyện con mình bị nghiện, anh quyết định nói rõ đầu đuôi sự tình của con với nhà gái.
Nhà gái cũng sửng sốt, tâm trạng rất muốn dứt ra. Nhưng khi con bé bảo, nó tin thằng bé có tình cảm thật lòng, nó sẽ yêu thương, động viên, khích lệ thằng bé tìm đường quay lại, thì nhà gái lại mềm lòng, vẫn xin tổ chức đám cưới cho 2 đứa, nói sẽ sát cánh cùng con anh tiếp tục cai nghiện.
Chính niềm tin và tình cảm chân thành đó đã giúp anh lấy lại tinh thần, tiếp tục tìm cách giúp con trai tu tỉnh.
Đám cưới diễn ra ấm cúng với họ hàng, bạn bè thân thiết. Anh cảm thấy nhẹ người khi cảm nhận con mình có trách nhiệm hẳn lên. Vợ anh cũng bình tâm trở về nhà. Thằng bé xin bố mẹ ở nhà chăm sóc vợ con của nó để nó đi cai nghiện.
Hàng tuần, bố mẹ, bố mẹ vợ, vợ thay phiên nhau đi thăm thằng bé. Không một ai bảo thằng bé phải thế này, phải thế kia, chỉ kể cho nó nghe mọi chuyện ở nhà và nỗi chờ mong đón nó về. Lúc con dâu anh sinh cháu cũng là lúc con trai anh trở về nhà, trông đã có da có thịt. Cả nhà dần ấm lên theo tiếng cười, tiếng bi bô của cháu gái.
Anh chị quyết định vay vốn xây garage ở góc vườn sau nhà cùng với một khu rửa xe máy, ô tô. Vợ chồng anh cùng con trai mỗi người một việc trong garage. Bên cạnh đó là cửa hàng tiện lợi 24/7 do con dâu anh quản lý.
Tuy thu nhập chỉ ở mức vừa phải nhưng cả nhà luôn ở cạnh nhau. Dường như việc bố mẹ đang già đi, còn con dần lớn lên đã tác động mạnh đến tình cảm của con trai anh.
Hơn 4 năm sau, con dâu anh có bầu đứa thứ hai. Anh chị một lần nữa rơi nước mắt trước những thay đổi của con. Vẫn là đứa con đầy hình xăm nhưng anh chị không còn thấy cáu giận, không muốn chửi mắng con nữa.
Có lẽ, nó đã được thức tỉnh vì tình yêu thương vô điều kiện của bố mẹ, vợ con. Anh mong rằng, câu chuyện của mình có thể sẽ giúp được những người làm cha làm mẹ đang rơi vào hoàn cảnh anh từng gặp không chìm trong tuyệt vọng, sáng suốt tìm ra cách làm phù hợp để thức tỉnh con mình.