pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tìm lại yêu thương sau vai diễn bệnh nhân mất trí nhớ
Ảnh minh họa
Chị bị tai nạn, trước lúc lịm đi, chị còn nghe tiếng bánh xe cán qua xe máy chị vang lên những tiếng rào rạo khô giòn. Cái xe ấy bố mẹ mua cho chị trước ngày cưới, chị vẫn đùa rằng, để khi giận chồng leo lên xe chạy về với mẹ. Trước khi lịm đi chị còn nghĩ, thôi rồi, hết thật rồi. Sẽ chẳng còn gì để đưa đón con hàng ngày, chợ búa.
Những ngày tuổi trẻ tươi vui với những bó hoa "không giống ai", chị nghĩ mình sẽ có một gia đình êm ấm, sẽ có hai đứa con, trai gái gì cũng được. Anh chị sẽ mua một căn nhà, chừa sân trước rộng rộng chút, dưới chân bờ rào, anh sẽ làm bồn hoa, gieo vào đó loại hoa chị thích.
Chị thích hoa bướm, thứ hoa mỏng manh nhưng không yếu ớt. Đặc biệt là chỉ cần một lần gieo hạt, khi hoa tàn, chúng sẽ tự rụng hạt và những cây mới lại mọc lên, quanh năm.
Nhưng cuộc sống không phải là cái hồ phẳng lặng mà là dòng thác cuồn cuộn. Chị không biết từ bao giờ anh chị hay cãi nhau, hay mâu thuẫn và giận hờn. Anh đi sớm về muộn, thậm chí cả tuần không ăn với mẹ con chị bữa nào. Gọi điện hỏi thăm anh chỉ nói đang bận rồi cúp máy, không bù cho những cuộc gọi hai tiếng đồng hồ ngày còn yêu.
Con ốm anh không biết, chị ốm anh không hay. Những đêm ôm con trong bệnh viện, chị rơi nước mắt khi người ta hỏi thăm ba bé đâu. Nghĩ cảnh thằng lớn ốm, nửa đêm phải gọi cấp cứu, chị phải địu theo con nhỏ vì không biết gửi ai. Khi ấy trong lòng chị trào lên uất hận, tại sao chị có chồng mà như không có, cuộc sống hiện tại không giống chút nào với cuộc sống anh chị đã nghĩ đến ngày trước. Chị đang ở trong ngôi nhà bé, không có sân, chỉ có một đoạn mái hiên bé. Chị vừa lo cho hai đứa con, vừa lo chồng nửa đêm còn ngoài đường.
Anh nói anh phải làm việc, phải lo sự nghiệp và lo cho gia đình và cuối mỗi ngày anh trở về với đủ thứ mùi trộn lẫn.
Chị đã gào lên, rằng chị chán cuộc sống như này lắm. Chị mệt mỏi lắm rồi. Chị đã lấy chìa khóa xe lao đi, và thấy mình đang nằm đây.
***
Mặc anh vui mừng gọi bác sĩ, chị vẫn trơ trơ nhìn trần nhà. Nghe tiếng anh lo lắng: "Có khi nào vợ tôi quên hết mọi thứ, là mất trí nhớ ấy?", chị nảy ra ý định, ừ, có khi mình nên mất trí nhớ đi. Lúc nhắm mắt lại, chị chợt lia mắt qua lọ hoa bướm, tim chợt đập rộn lên những nhịp đập vội vã. Loài hoa yêu thích của chị, ngày mới yêu, anh luôn tặng chị những bó hoa bướm, còn ngạc nhiên nói ý thích của chị thật khác người. Những người con gái khác thường thích hoa hồng, hoa sen gì đó cơ.
Bố mẹ chị bỏ cả nhà cửa, đùm gói lên với chị. Có bố mẹ rồi nhưng buổi trưa anh vẫn chạy về, chỉ để xem chị có ăn hết tô cháo không, có nói chuyện gì không. Anh giặt khăn lau mặt mũi chân tay cho chị, còn giúp chị bôi kem dưỡng da. Chị khó chịu hảy mặt đi, suýt nữa không đóng tròn vai khi anh thủ thỉ: "Ngoan, sắp xong rồi, cái này là dưỡng da cho xinh đẹp đó".
Lúc anh loay hoay lấy kem, xoa vào lòng bàn tay, chị nhìn trộm anh, thấy anh gầy rộc, tóc bạc thêm nhiều. Lọ hoa ở tủ đầu giường vẫn là hoa bướm nhưng là hoa mới. Chị biết mùa này chưa có hoa bướm nhiều màu, chỉ có hai màu vàng cam cổ điển và những phiến lá dày. Ngày xưa anh còn nói, không có em, hẳn anh nhầm những lá này thành rau cải cúc. Anh bảo, chị giống những cánh hoa này, mỏng manh nhưng không hề yếu ớt, lại nhiều màu sắc.
Là chị thay đổi hay cuộc sống thay đổi, chị lo lắng rồi chuyển sang bẳn gắt khi anh đi sớm tối. Hẳn khi ấy, anh không nhận ra chị là cô gái rạng rỡ ngày nào, mà là mụ già bệ rạc mở mồm ra là nhắc tiền. Và chị, không tìm thấy sự quan tâm chăm sóc, thay vào đó là những trận nôn ói khắp nhà, có khi chị phải dọn tới hai giờ sáng.
Chị vẫn nhớ, những khi ấy trong nhà không có một cánh hoa nào.
Chị xuất viện, ba mẹ chị nói sẽ đón chị và hai đứa nhỏ về nhà chăm vì ông bà bỏ nhà cửa lâu không được. Anh suy nghĩ rồi đồng ý, xin được về cùng. Nhà ngoại cách công ty năm chục cây số, anh đi sớm về trễ chút có sao, hàng ngày nhìn thấy vợ con anh mới yên tâm. Suýt nữa thì chị bật dậy nói thế lúc anh mải chén chú chén anh, về đến nhà là lăn ra ngủ, có đêm mẹ con chị dắt nhau đi bệnh viện anh có nhìn thấy không?
Nhưng rồi ba mẹ lại thương con cháu, bỏ vườn tược, đóng cửa nhà lên ở chăm con chăm cháu. Dù là bệnh nhân mất trí nhớ, nhưng khi các vết thương đã lành, chị vẫn bị yêu cầu ngồi dậy tập đi. Những bước đi đầu tiên sao khó khăn, nhưng lúc này chị có thể òa khóc không cần giấu giếm. Khi ấy mẹ sẽ bóp chân cho chị, ba rót ly nước, hai đứa trẻ rối rít hỏi mẹ đau chỗ nào. Còn anh thì nhỏ nhẹ: "Không cần cố, chỉ cần em nghỉ ngơi mạnh khỏe là được, những chuyện khác để sau".
Mấy tháng nay nhịp sống của cả nhà chậm lại vì một người ngồi xe lăn và "mất trí" như chị. Bữa cơm cũng dài ra, những chuyện trò dày thêm. Hai đứa trẻ không nghịch ngợm quậy phá như trước, chúng chơi xong sẽ tự dọn đồ chơi vì sợ mẹ ngã, quanh giường chị là những con thú bông yêu thích của chúng, để mẹ đỡ sợ khi thức giấc giữa đêm.
Điều đặc biệt, lọ hoa trong nhà luôn có hoa tươi, vẫn là hoa bướm chị thích. Hôm trước, ba cha con còn lúi húi bên mấy chậu đất, gieo rắc gì đó. Chị không biết vì sao lúc này anh lại hay mua hoa. Là anh vẫn yêu thương chị, thấy chị dường như quên hết nên anh muốn gợi cho chị nhớ. Anh vẫn quan tâm chị như ngày đầu, chỉ là chị vì những bức bối đời thường nên không nhận ra? Mỗi ngày, chị lại dồn những ấm ức của mình dày thêm, chị quên mất không để ý cảm giác của anh. Tối ấy anh chị cãi nhau, chị bỏ đi, khi anh thấy chị nằm trong vũng máu, anh đã thế nào? Nếu khi ấy chị cứ thế đi luôn, hẳn sẽ để lại trong anh vết thương sâu lắm. Hẳn là không bao giờ liền miệng và suốt những ngày còn lại của đời mình, anh sẽ dằn vặt, day dứt và đau đớn. Nhưng vì hai con, anh sẽ cố nuôi dạy chúng lên người.
Chị lò dò ra cửa, thấy ở những chậu đất ngoài hiên đã nhú lên những mầm non, vừa nhìn chị đã nhận ra, đó là những cây hoa bướm. Chị cứ thế nhìn chúng, nước mắt cứ thế rơi. Chúng được chăm sóc khá kỹ, hẳn sẽ nhanh chóng ra lá trổ hoa, hết lứa này nối lứa tiếp. Chị cũng muốn như những cánh hoa bướm kia, ở lại ngôi nhà này với những yêu thương.