pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tìm “phao cứu sinh” từ cha mẹ
Ảnh minh họa
Con là đứa trẻ nhút nhát, "hiền như cục đất" và ngại giao tiếp với mọi người. Con luôn nỗ lực để được bố mẹ, thầy cô, bạn bè ghi nhận. Tuy nhiên, cố gắng trở thành học sinh xuất sắc thì con lại trở thành học sinh cá biệt. Nhiều người không chấp nhận sự khác biệt của con.
Cũng chính vì con ngại giao tiếp với mọi người, kể cả bố mẹ, nên mọi người đều xa lánh con. Con không ghét mọi người vì điều đó. Bởi, con biết tất cả là do sự sợ hãi, bất an trong lòng con. Bạn bè cùng xóm vui đùa, chơi trò nọ trò kia, còn con thì ru rú trong nhà. Con không muốn chơi với các bạn. Người thân họ hàng mỗi lần gặp con đều nói con hiền, đều lấy con làm chủ đề nói chuyện. Bố mẹ luôn bảo con phải mạnh dạn lên, không phải sợ gì cả. Bố mẹ động viên con như vậy nhưng bố mẹ đã bao giờ nghe con tâm sự chưa.
Áp lực học hành, bạn bè và gia đình khiến con trở nên khó chịu, hay cáu gắt. Ở trường, con bị bạn bè trêu chọc, xa lánh. Về nhà, con bị bố mẹ ép phải làm thế này, thế kia. Nếu con thể hiện thái độ thì lập tức bố mẹ quy kết con là hư. Bố mẹ lúc nào cũng dặn con phải giỏi, phải ngoan như bạn A, bạn B. Bố mẹ thừa biết con là đứa trẻ "ngoan hơn cả ngoan", vậy mà lúc nào bố mẹ cũng phải dặn dò cứ như thể nếu không dặn thì con là đứa trẻ không ra gì. Thực tâm, nhiều khi con cũng muốn như các bạn có thể đi chơi chỗ nọ, chơi chỗ kia, cũng muốn tuổi học trò của mình đầy ắp kỷ niệm. Mọi cố gắng của con chưa từng được bố mẹ công nhận. Bố mẹ không bao giờ hỏi con ở trường học thế nào. Trong mắt bố mẹ, đi học là sướng nhất. Là người "lo cơm áo gạo tiền" như bố mẹ mới là khổ. Con cũng có nỗi khổ của con. Con rất muốn được bố mẹ hiểu con, hiểu tại sao ở đâu con cũng "co rúm" như vậy. Nếu bố mẹ hiểu, bố mẹ đã đồng hành cùng con, giúp con làm sao vượt qua được nỗi sợ này.
Cũng may, khi con trưởng thành hơn, khi bước vào môi trường mới, con đã không còn "lo lắng, run cầm cập" khi tiếp xúc với mọi người. Con bắt đầu có những trải nghiệm mới, mở lòng mình hơn. Con dẹp nỗi sợ qua một bên. Con được thể hiện bản thân mình, cố gắng thay đổi từng ngày. Con cứ tưởng, cuộc sống của mình đã bước sang trang mới. Thế nhưng, khi chạm lại quá khứ, khi đối diện với họ hàng, làng xóm, "con người cũ" của con lại trở về.
Điều mà con buồn nhất là bố mẹ không công nhận sự cố gắng, sự thay đổi của con. Lúc nào bố mẹ cũng nói hiểu con, rằng con là đứa nhút nhát, khó ưa, không lo học hành. Lúc nào, bố mẹ cũng đòi hỏi con phải xuất sắc. Bố mẹ bắt con phải giống người này, người kia. Bố mẹ muốn con phải nhanh mồm nhanh miệng, khéo léo trong ứng xử. Thực sự, con chỉ có thể tiến bộ so với chính con chứ con không thể thay đổi trở thành người mà bố mẹ mong muốn.
Con đã trải qua những năm tháng tuổi thơ không vui vẻ. Đó là những tháng ngày mà tinh thần con luôn ngập trong nỗi sợ hãi. Thế nhưng, khoảng thời gian khó khăn ấy, chẳng có ai ở bên con, kể cả bố mẹ. Giống như người dưng, bố mẹ chỉ biết chê bai những khuyết điểm của con. Bố mẹ không biết rằng làm như vậy là "nhấn chìm" đứa con đang tìm kiếm "phao cứu sinh" từ chính người con tin cậy, yêu thương nhất.