Ngày 23/4, trao đổi với PNVN, ông Triệu Đình Thành, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho biết, qua xác minh, có nhiều học sinh tại huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) bị ngứa trên người và chân tay. Ngoài học sinh, một số giáo viên cũng có biểu hiện như vậy.
Nhận được thông tin, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị cấp dưới vào cuộc làm rõ. Bước đầu xác định, số giáo viên, học sinh trên có biểu hiện của bệnh ghẻ nước. Nguyên nhân là do vấn đề vệ sinh không đảm bảo.
Trước đó, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tủa Chùa cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, có khoảng 400 học sinh của 3 ngôi trường trên địa bàn bị ngứa lòng bàn tay và nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Cụ thể, Trường PTDT bán trú tiểu học Xá Nhè có 91 học sinh; Trường PTDT bán trú THCS Xá Nhè có 228 học sinh. Hầu hết, các em học sinh của 2 trường này là dân tộc Mông.
Ngoài ra, còn có hơn 100 học sinh khác ở xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) cũng có biểu hiện tương tự.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa phối hợp chặt chẽ với Đoàn công tác của Trung tâm Da liễu (Sở Y tế Điện Biên) lấy mẫu kiểm tra, phân tích. UBND huyện Tủa Chùa cũng yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa cho các học sinh, giáo viên bôi thuốc, phun thuốc khử trùng, hướng dẫn vệ sinh môi trường để xử lý bệnh.
Bệnh ghẻ nước là bệnh ngoài da do một loại ký sinh trùng sống bám trên da có tên khoa học là Sarcoptes Scabiei, kích thước khoảng l/4mm gây ra. Bệnh thường gặp ở nhiều vị trí như lòng bàn tay, kẽ ngón tay, ngấn cổ tay, cùi tay, mông, hai chân, bộ phận sinh dục… Ghẻ nước là bệnh rất dễ lây lan từ người này sang người khác do ngủ chung giường, sử dụng chung chăn màn, quần áo, khăn mặt… và những đồ dùng cá nhân khác. Vệ sinh kém là nguyên nhân chính gây bệnh ghẻ nước.
Để phòng bệnh ghẻ nước, hết sức hạn chế tiếp xúc với nước bẩn, nước ngập lụt ngoài đường trong thời gian này. Trong trường hợp bất đắc dĩ phải tiếp xúc, bạn nên tìm cách nhanh chóng thoát khỏi tình trạng đó, dùng nước sạch để rửa ngay lập tức, tốt nhất là nên thật sạch sẽ.