Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở TP Huế

Văn Long
22/07/2025 - 14:08
Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở TP Huế

NHCSXH TP Huế hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người dân

Thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH TP Huế đã đưa vốn ưu đãi đến hàng chục nghìn hộ nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi.

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Huế đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đóng góp tích cực vào các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thông qua các chương trình tín dụng, NHCSXH TP Huế đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đồng thời giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn.

Từ năm 2021 đến nay, Chi nhánh NHCSXH TP Huế đã bám sát chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH, Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP Huế và kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021–2025. Trên cơ sở đó, ngân hàng chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp cùng các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tổ chức cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hoạt động cho vay tập trung tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã bãi ngang ven biển và các xã xây dựng nông thôn mới. Song song với đó, công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn cũng được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, hội đoàn thể, giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được chuyển tải đến đúng đối tượng, đạt nhiều kết quả nổi bật.

Đối với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến ngày 27/4/2025, dư nợ đạt 856,51 tỷ đồng với 14.449 khách hàng còn dư nợ, trong đó có 11.708 hộ dân tộc thiểu số. 

Dư nợ bình quân mỗi hộ đạt khoảng 58,6 triệu đồng. Thực hiện Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, giai đoạn 2022-2023, Chi nhánh đã giải ngân 43.722 triệu đồng cho 1.048 lượt khách hàng, chủ yếu cho vay hỗ trợ nhà ở (34.220 triệu đồng) và đất sản xuất, chuyển đổi nghề (9.502 triệu đồng).

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, tính đến ngày 27/4/2025, tổng dư nợ đạt 2.992 tỷ đồng. Trong đó, các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 1.700 tỷ đồng; cho vay tiêu dùng tại khu vực nông thôn như xây nhà, nước sạch, vệ sinh môi trường, giáo dục… đạt 866 tỷ đồng; còn lại là ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp với 426 tỷ đồng.

Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở TP Huế- Ảnh 1.

Cán bộ NHCSXH TP Huế kiểm tra mô hình trồng hoa của hộ dân vay vốn phát triển kinh tế tại vùng nông thôn

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, NHCSXH TP Huế đang triển khai ba chương trình cho vay sản xuất - kinh doanh dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ đạt 2.341 tỷ đồng với 54.248 hộ đang còn dư nợ. Riêng huyện A Lưới (cũ) - một trong những địa bàn khó khăn - đã đạt dư nợ 284 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách đã cùng chính quyền địa phương nỗ lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo tại TP Huế từ 4,93% (năm 2021) xuống còn 1,4% (năm 2024) - theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Đến nay, TP Huế đã có 57/78 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đáng chú ý, huyện A Lưới (cũ) đã chính thức thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Tổng cộng, NHCSXH đã đầu tư tín dụng cho 96.030 hộ nghèo và các đối tượng chính sách với dư nợ đạt 5.022 tỷ đồng.

Phó Giám đốc NHCSXH TP Huế, ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, cho biết: Trong quá trình triển khai, ngân hàng luôn phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hội, UBND xã/phường và các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, tổ dân phố.

Các đơn vị phối hợp không chỉ hỗ trợ tuyên truyền, bình xét hồ sơ vay vốn mà còn tham gia kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn tại từng hộ vay. 

"Chính sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm và hiệu quả của 4 tổ chức chính trị - xã hội và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp đưa nguồn vốn đến tay người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, từ đó góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm