Tín dụng vi mô - Chìa khóa mở cửa sinh kế cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Trường Hùng
19/05/2025 - 17:36
Tín dụng vi mô - Chìa khóa mở cửa sinh kế cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Phụ nữ dân tộc Thái (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) được tiếp cận vay vốn ưu đãi từ nguồn tín dụng vi mô để đầu tư vào mô hình nuôi lợn đen bản địa, giúp gia tăng thu nhập.

Tín dụng vi mô không chỉ là dòng vốn mà còn là đòn bẩy tạo nên thay đổi trong cuộc sống của hàng ngàn phụ nữ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).

Làm sao để nguồn vốn này đến đúng người, đúng lúc và phát huy hiệu quả thực sự? Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quỳ Hợp đã chia sẻ về những cách làm cụ thể và giải pháp đồng bộ đang được triển khai tại địa phương.

Đảm bảo vốn đến đúng người cần

Tín dụng vi mô - Chìa khóa mở cửa sinh kế cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc NHCSXH huyện Quỳ Hợp, Nghệ An

"Các chương trình tín dụng chính sách đã thực sự đáp ứng được nhu cầu vay vốn sản xuất của người dân. Hội Phụ nữ cùng các tổ chức đoàn thể thực hiện rất tốt việc rà soát, bình xét và kiểm tra sau vay. Nhờ đó, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, nhiều hội viên phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế ổn định," ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc NHCSXH huyện Quỳ Hợp, cho biết.

Dẫu vậy, vẫn còn những thách thức trong việc tiếp cận tín dụng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, nơi một bộ phận phụ nữ còn e dè trong việc vay vốn tín dụng chính sách. Điều này đòi hỏi ngân hàng và các hội đoàn thể phải chủ động tiếp cận, hỗ trợ tận nơi"- ông Hải giải thích.

Đến ngày 12/5/2025, tổng dư nợ toàn huyện đạt 815,7 tỷ đồng, phục vụ 11.865 khách hàng. Trong đó, Hội LHPN đang quản lý trên 244 tỷ đồng- tương đương 30,1% tổng dư nợ, với hơn 3.600 hội viên đang còn dư nợ. Những con số ấn tượng này không chỉ thể hiện quy mô mà còn là minh chứng cho sự tin tưởng và gắn bó của người dân, đặc biệt là phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và phụ nữ dân tộc thiểu số với tín dụng chính sách.

NHCSXH huyện Quỳ Hợp

Tín dụng vi mô - Chìa khóa mở cửa sinh kế cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Khách hàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ tín dụng vi mô tại NHCSXH huyện Quỳ Hợp.

Không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngân hàng, việc đưa tín dụng vi mô đến đúng đối tượng được triển khai thông qua một mạng lưới phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội.

Ở cấp xã, các cấp Hội Phụ nữ cùng với trưởng thôn, cán bộ thôn bản tham mưu xây dựng kế hoạch tín dụng hàng năm, giám sát và trực tiếp thông báo danh sách người được vay đến từng hộ dân. Đồng thời, các tổ chức còn tham gia xử lý nợ quá hạn, hỗ trợ khách hàng gặp rủi ro và đánh giá chất lượng các tổ tiết kiệm vay vốn (TK&VV) để duy trì hiệu quả hoạt động.

Tín dụng vi mô - Chìa khóa mở cửa sinh kế cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 3.

Cán bộ Hội LHPN xã Châu Tiến (huyện Quỳ Hợp) phổ biến các nguồn vốn vay ưu đãi từ tín dụng vi mô cho hội viên, phụ nữ.

Ở cấp huyện, Hội LHPN tiếp tục phát huy vai trò điều phối, truyền thông và tham mưu cho chính quyền bố trí nguồn ngân sách địa phương để bổ sung vốn vay. Đáng chú ý, Hội đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính thuận tiện hơn.

Sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là từ sau Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ. Các cấp ủy, chính quyền đã coi tín dụng chính sách như một nhiệm vụ trọng tâm, tích cực huy động nguồn lực và chỉ đạo thực hiện sát sao, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả cho vay trên địa bàn.

Tín dụng vi mô - Chìa khóa mở cửa sinh kế cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 4.

Thông tin các nguồn vốn vay ưu đãi từ tín dụng vi mô được niêm yết công khai tại các Điểm giao dịch xã.

"Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Việc phối hợp ba bên – ngân hàng, chính quyền và hội đoàn thể – chính là chìa khóa giúp tín dụng chính sách đi sâu, đi sát vào cuộc sống người dân," ông Hải nhấn mạnh.

Đổi mới, hiện đại hóa và hướng đến bền vững

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả tiếp cận tín dụng vi mô, NHCSXH huyện Quỳ Hợp đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, trong đó nổi bật là hiện đại hóa hoạt động ngân hàng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trước hết, ngân hàng tích cực đào tạo, tập huấn cán bộ hội, cán bộ thôn bản và tổ TK&VV về các quy trình thủ tục vay, kỹ năng hỗ trợ người vay sử dụng vốn hiệu quả. Đồng thời, hệ thống giao dịch xã được tăng cường, đảm bảo người dân không phải di chuyển xa để vay vốn hoặc hoàn trả.

Tín dụng vi mô - Chìa khóa mở cửa sinh kế cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 5.

Cán bộ NHCSXH huyện Quỳ Hợp tổ chức hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã.

Các thủ tục vay cũng được đơn giản hóa tối đa, tạo thuận lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn. "Hàng năm, chúng tôi phối hợp Hội Phụ nữ và các tổ chức đoàn thể tổ chức lớp tập huấn tại chỗ, hướng dẫn từng bước giúp người dân hiểu và tự tin vay vốn"- đại diện ngân hàng chia sẻ.

Đẩy mạnh hiện đại hóa tin học, áp dụng công nghệ tin học trong triển khai các mặt hoạt động nghiệp vụ nhằm đưa các dịch vụ tài chính, các ứng dụng số để hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại; thực hiện tốt "Kế hoạch chuyển đổi số của NHCSXH đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030".

Về dài hạn, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục triển khai Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Tín dụng vi mô sẽ được lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP. Đặc biệt, sẽ ưu tiên vốn cho các mô hình kinh tế hiệu quả, sử dụng nhiều lao động, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Tín dụng vi mô - Chìa khóa mở cửa sinh kế cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 6.

Cán bộ NHCSXH huyện Quỳ Hợp tham quan, giám sát, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát cũng được siết chặt để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và kịp thời chấn chỉnh những sai sót phát sinh. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng sẽ được phát huy vai trò giám sát độc lập, đảm bảo mọi dòng vốn đến đúng nơi cần thiết nhất.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tín dụng chính sách xã hội tại huyện Quỳ Hợp không chỉ là công cụ tài chính đơn thuần mà đang trở thành giải pháp thiết thực giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống.

Tín dụng vi mô - Chìa khóa mở cửa sinh kế cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 7.

Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã thoát nghèo nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ tín dụng vi mô để phát triển kinh tế.

"Chúng tôi tin rằng, với các giải pháp được triển khai đồng bộ và hiệu quả, tín dụng vi mô sẽ là chìa khóa góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao vị thế người phụ nữ, đặc biệt tại những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số" - ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc NHCSXH huyện Quỳ Hợp, khẳng định.

Trong tương lai, bài toán không còn nằm ở việc "có vốn hay không", mà là "làm thế nào để mỗi đồng vốn phát huy hiệu quả tối đa". Khi đó, tín dụng vi mô sẽ thực sự trở thành nền tảng cho một tương lai an sinh, công bằng và bền vững hơn cho mọi người dân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm