'Tin không khí Hà Nội có thủy ngân không chuẩn xác'

26/04/2016 - 14:28
Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Việt Nam mới chỉ đo được thủy ngân trong nước mưa, chứ chưa có thiết bị đo thủy ngân trong khí quyển.
13101007_762134190590888_392618664_n.jpg
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục khẳng định, thông tin đưa trong không khí Hà Nội có thủy ngân là chưa chuẩn xác.

Việt Nam mới chỉ quan trắc ô nhiễm bụi trong không khí

Ông Tùng cho rằng, thông tin về thủy ngân trong không khí không đúng, gây xôn xao và hoang mang trong dư luận. “Trước đó, từ thông tin từ Đại sứ quán Mỹ về ô nhiễm bụi ở Hà Nội, phóng viên của một tạp chí có trao đổi với tôi về vấn đề này. Khi bạn ấy hỏi còn vấn đề gì mới về ô nhiễm không khí ở Hà Nội không thì tôi nói vấn đề thủy ngân là vấn đề mới, của toàn cầu và Việt Nam mình cũng đang tham gia", ông cho biết. 

13090261_762134193924221_1241847111_n.jpg
Số liệu quan trắc cho thấy không khí Hà Nội ô nhiễm hơn nhiều so với các địa phương khác.
Theo số liệu quan trắc của Trung tâm quan trắc môi trường trong tuần từ 8/4 đến 14/4, chỉ số chất lượng không khí (AQI) Hà Nội ở mức 54-140. Theo thang đánh giá chất lượng không khí ảnh hưởng sức khỏe con người (chuẩn quốc tế), chỉ số AQI 51-100 là mức trung bình với cảnh báo vàng, khuyến cáo người thuộc nhóm nhạy cảm với ô nhiễm môi trường nên hạn chế ở bên ngoài. AQI từ 101 đến 151 (khu vực da cam) là kém, vượt 1,5 lần mức cho phép. Mức độ bụi này tùy thuộc vào thời điểm, thời tiết.

Có những thời điểm như 8-9h sáng khi các phương tiện giao thông tham gia đông đúc, mức độ ô nhiễm bụi của Hà Nội là cao. Mức ô nhiễm lúc này gấp 1,5 lần quy chuẩn cho phép đối với bụi PM2,5 (bụi có khả năng đi sâu vào phế nang phổi, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp).
nhiem-bui-o-ha-noi.jpg
Không khí Hà Nội nhiễm bụi nặng nề.
Như vậy, số liệu quan trắc chủ yếu mới chỉ phản ảnh ô nhiễm bụi. Riêng về thủy ngân, ông Tùng giải thích: "Thuỷ ngân lơ lửng trong không khí ở Hà Nội có hay không, cần phải có đủ thiết bị mới xác định được. Năm 2015, Việt Nam được tặng một thiết bị quan trắc lấy mẫu từ nước mưa để phân thích, nghiên cứu nhưng chưa có kết quả. Muốn có kết quả chính xác cần có thời gian, chúng tôi đang bắt đầu triển khai làm nhưng không ngày một ngày hai được. Vấn đề ở đây rất khó vì chỉ có thiết bị phân tích từ nước mưa thôi, còn từ trong khí quyền thì Việt Nam chưa có".

Không khẳng định được có thủy ngân hay không

“Trong không khí không phải chỉ có thủy ngân mà còn nhiều chất khác. Ngay cả dioxin cũng có đấy nhưng ở mức thấp. Các chất trong không khí có nồng độ bao nhiêu, gây ảnh hưởng thế nào cần có nghiên cứu chứ không thể nói thủy ngân lơ lửng trong không khí khiến mọi người hoang mang. Nói không có thủy ngân hay dioxin trong không khí thì không phải, nhưng phải cần có nghiên cứu cụ thể, chính xác, mức độ thế nào, có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân không”, TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo.

Cũng theo ông Tùng, xác định nguồn gốc của thủy ngân trong không khí là việc làm rất khó. Thủy ngân có thể bay từ rất xa, từ Trung Quốc có thể sang tới Mỹ. Ngoài chuyện xác định và đo lường thủy ngân trong không khí, còn phải tìm được nguyên nhân thì mới có hành động thích hợp để xử lý được.

Thủy ngân được coi là chất độc hại, khi hít vào đường hô hấp có thể gây ho, nôn mửa, đau bụng, đau dạ dày. Nếu tích lũy trong hệ thần kinh có thể gây bệnh mãn tính, lâu dài sẽ làm chết người. Tuy nhiên chất này được sử dụng trong nhiều thiết bị như bóng đèn, pin, nhiệt kế… theo hàm lượng quy định không vượt quá 0,3microgam/m3. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm