Tin lời đồn chữa bách bệnh, nhiều người săn lùng mua giun quế về ăn

18/12/2017 - 17:48
Tin lời đồn chữa bách bệnh, nhiều người săn lùng mua giun về ăn; Xe đạp bị cán nát, cụ bà thoát chết, run rẩy bò ra khỏi gầm xe tải; Quá tải xạ trị tại Bệnh viện K..., là những thông tin đáng chú ý trong Bản tin đô thị ngày 18/12.

Giun quế vốn được biết đến là một loại thức ăn sạch cho các loại gia súc, gia cầm. Nhưng thời gian gần đây, giun quế lại có mặt trên bàn ăn của các gia đình bởi những lời đồn thổi về công dụng chữa bách bệnh của nó.

Bà Nguyễn Thị Liên, chủ một trang trại nuôi giun quế ở Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, ngày càng có nhiều người tìm đến trang trại hoặc gọi điện đặt mua giun quế. Theo bà Liên, ăn giun quế cực kỳ tốt cho sức khỏe, giúp chúng ta nâng cao sức đề kháng, trị biếng ăn cho trẻ nhỏ, chữa đột quỵ, tai biến mạch máu não.

2_206470.jpg
Tin vào lời đồn thổi có thể chữa bách bệnh, nhiều người săn lùng mua giun quế về ăn

 
Giun quế thường được nuôi bằng chất thải của gia súc, nếu dùng cho gia súc ăn thì người ta chỉ đem nghiền nát rồi nấu với cám. Nhưng khi có đơn đặt hàng, giun được làm sạch để trở thành nguyên liệu ngâm rượu. Còn để làm ruốc, giun được cho leo núi trong chậu để phân và dịch nhầy trong giun tiết ra. Tiếp đó, chúng được sấy trong khoảng 3 giờ để giun khô và teo lại. Trên thị trường, một lọ ruốc giun quế khoảng 300gram có giá bán là 80.000 đồng, được chỉ định dành cho người ốm yếu, thể trạng kém, biếng ăn.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng – nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, trong Đông y, giun quế được dùng làm thuốc cho bệnh nhân hen suyễn (hen nhiệt - ho hen không có đờm, bệnh phát ra ở thận) và chữa bệnh động kinh. Để trở thành vị thuốc, giun được làm sạch ruột, bỏ hết cát và ruột bên trong, rửa sạch, sấy khô. Trong bài thuốc chữa hen, người ta sao giun với muối, còn để chữa động kinh, thường người ta sao với rượu.

ky-thuat-nuoi-giun-que-trong-thung-xop-xu-ly-rac-thai-huu-co-gia-dinh.jpg
Giun quế được dùng làm thuốc cho bệnh nhân hen suyễn và chữa bệnh động kinh

 
Trước kia, người ta cũng dùng giun quế để chữa sốt rét. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, giun quế là một vị thuốc chứ không phải là bài thuốc nên nó thường được kết hợp với các vị thuốc khác để thành bài thuốc chữa bệnh. Nếu dùng một mình giun không thì không có tác dụng chữa bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng khẳng định, giun quế dùng làm ruốc hoặc ngâm vào rượu để uống bổ thận tráng dương là cách làm phản khoa học, gây độc hại cho cơ thể con người. Bởi vì giun là một loại ký sinh trùng sinh sống trong đất, bản thân nó có thể chứa nhiều mầm bệnh. Trong khi đó, giun quế lại được nuôi bằng chất thải của gia súc cũng chứa rất nhiều mầm bệnh. (Nguồn: khoeplus24h.vn)

Nhiều người tìm mua giun quế về ăn vì tin vào lời đồn loại giun này có thể chữa bách bệnh. Ảnh: kimgiatrang.com.

Thót tim cảnh xe đạp bị cán nát, cụ bà thoát chết, run rẩy bò ra khỏi gầm xe tải

Tai nạn hy hữu xảy ra vào chiều 17/12 tại ngã ba Ba Lan, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Theo chia sẻ của người đăng tải clip, khi va chạm xảy ra, tài xế xe tải không hề hay biết. May mắn xe tải đi chậm và có người tri hô kịp thời nên tránh được hậu quả đáng tiếc.

Khi xuống xe và nhìn thấy cụ bà bình an vô sự, tài xế xe tải lấy tay ôm đầu như không dám tin vào sự việc vừa xảy ra. Sau khi xem clip, cư dân mạng đều một phen thót tim. (Nguồn; vtc.vn)


Nguồn: Facebook Taxi Hoàng Nam


Quá tải xạ trị tại Bệnh viện K

Chia sẻ bên lề Hội thảo ứng dụng công nghệ điều trị xạ trị trong điều trị ung thư tại Việt Nam do Bệnh viện K tổ chức ngày 18/12, ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K thông tin hiện Bệnh viện đang trong tình trạng quá tải trầm trọng do thiếu trang thiết bị y tế. 

Thông tin về việc sử dụng trang thiết bị trong điều trị cho bệnh nhân ung thư theo ông Thuấn, trước năm 2017, Bệnh viện có 7 máy xạ trị (6 máy xạ trị gia tốc và 1 máy xạ trị Cobalt). Năm 2017, Bệnh viện được đầu tư hệ thống gia tốc xạ trị hiện đại đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện K cũng thừa nhận với số lượng người bệnh ngày càng lớn, nhu cầu điều trị của người bệnh ngày càng cao, cụ thể năm 2015 bệnh viện tiếp nhận 11.799 người bệnh, năm 2016 là 12.081 người bệnh, song đến năm 2017 (tính đến 30/11/2017) Bệnh viện điều trị cho hơn 15.000 người bệnh, bệnh viện thường xuyên quá tải, các máy xạ trị của Bệnh viện sử dụng liên tục 22/24h. 

2551099119792012820964931114035443o.jpg
BBệnh nhân đang chờ xạ trị tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều sáng ngày 18/12. Ảnh: DN

 
Mỗi ngày, Khoa Xạ trị của Bệnh viện K phải tiến hành xạ trị cho hơn 1.000 bệnh nhân và do không đủ máy móc nên việc điều trị phải chia làm 3 ca sáng, chiều và đêm. "Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo mỗi máy xạ trị nên dừng lại ở 40 bệnh nhân/ngày. Nhưng thực tế, một ngày ở Bệnh viện K, một máy phải xạ trị lên tới 150, thậm chí 200 bệnh nhân. “Các máy làm việc liên tục đến 23 giờ/ngày. Chỉ có một, hai tiếng máy sẽ nghỉ để bảo dưỡng, bảo trì”, ông Thuấn nói.

Theo kỹ thuật viên Đỗ Đức Doanh, Khoa Xạ trị của Bệnh viện K, việc xạ trị vào ban đêm không chỉ gây khó khăn cho người bệnh mà bản thân kỹ thuật viên, nhân viên y tế cũng phải làm việc vất vả. Chưa kể tình trạng bệnh nhân đợi chờ đến lượt xạ trị song lúc đó máy hỏng, bệnh nhân phải đợi sửa chữa trong khoảng 1 đến 2 giờ đồng hồ là việc không hiếm.  (Nguồn: baohaiquan.vn)

TPHCM: Lấy lưỡi dao 12 cm nằm 4 năm ở lưng nam thanh niên

Ê-kíp bác sĩ khoa Ngoại tổng quát bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) vừa phẫu thuật lấy lưỡi dao Thái Lan dài 12 cm nằm trong lưng 4 năm của anh Quang (tên bệnh nhân được thay đổi, 24 tuổi, ngụ quận 6).

Trước đó, anh Quang thấy đau lưng kéo dài nên tới cơ sở y tế chụp CT scan thì phát hiện có dị vật bên trong.

Nam thanh niên sau đó tới bệnh viện 115 phẫu thuật lấy dị vật là lưỡi dao nhọn ra ngoài.

lay-luoi-dao-12-cm-nam-4-nam-o-lung-thanh-nien-24-tuoi.jpg
Lưỡi dao dài 12 cm qua hình chụp CT scan

 
Anh Quang kể, 4 năm trước anh có xảy ra xô xát với một nhóm thanh niên rồi bị đâm trúng. Ở bệnh viện địa phương, anh được bác sĩ khâu vết thương rồi cho về vì thấy vết thương không nghiêm trọng, cũng không chụp phim X-quang.

Từ đó đến nay, anh thấy hơi đau vùng lưng nghi do thời tiết thay đổi, có khi không thấy đau gì cả. Gần đây khi tình trạng đau nhiều hơn, anh mới đi bệnh viện kiểm tra.

lay-luoi-dao-12-cm-nam-4-nam-o-lung-thanh-nien-24-tuoi-2.jpg
Lưỡi dao Thái Lan được lấy ra khỏi cơ thể anh Quang sau 4 năm

 
Theo bác sĩ khoa ngoại tổng quát, đây là trường hợp hi hữu. Lưỡi dao dù đã nằm lâu năm trong cơ thể người bệnh nhưng không đâm vào cột sống, nên không ảnh hưởng đến thần kinh.

Sức khỏe anh Quang sau ca mổ đã ổn định và sắp được xuất viện. (Nguồn: vietnamnet.vn)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm