Cuối cùng, người chiến thắng trong cuộc đua này chính là bà nội tôi bởi thời đó, gia đình tôi được cho là danh giá nhất làng.
Vì có điều kiện kinh tế, lại thông minh, sáng dạ, sau khi sinh con, bác dâu tôi đến trường cấp 3 bác từng thôi học giữa chừng do hoàn cảnh khó khăn để xin học tiếp. Không những tốt nghiệp loại ưu, bác còn thi đỗ vào đại học. Thời của bác, việc vượt qua vũ môn, bước chân vào được một ngôi trường đại học là vô cùng hiếm hoi. Bác trở thành một tấm gương, niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ, đặc biệt là với bà nội tôi - người giành chiến thắng trong cuộc đua "giành giật" được bác ngày nào.
Không phụ niềm tin, lòng mong đợi của mọi người, tốt nghiệp đại học, bác được tuyển thẳng vào cơ quan nhà nước, làm việc hăng say với nhiều cơ hội thăng tiến. Việc nước, việc nhà, bác đều gánh trọn hai vai. Cuộc đời với những thuận lợi, những bước tiến vững chắc của bác khiến không ít người ao ước. Nhưng rồi, con trai của bác càng lớn càng có biểu hiện lầm lì, ít nói, đặc biệt là chỉ muốn ở một mình, xa lánh mọi người. Đến bữa ăn cũng không xuống ăn cùng gia đình mà bác phải mang lên tận nơi, con trai bác mới chịu ăn. Hễ ai nhắc nhở, thậm chí hỏi thăm cũng bị con trai bác nổi khùng, mắng không thương tiếc.
Thấy con ngày càng có biểu hiện khác thường, thay vì tìm hiểu, tham vấn bác sĩ, chuyên gia tâm lý, bác lại nghe lời người này người khác, tin vào tâm linh, nhất quyết đi xem bói. Nghe lời thầy bói phán, con trai bác bị vong nhập trong một lần đi qua ngôi miếu về khuya nên phải mời thầy về làm lễ, đuổi vong và phải thường xuyên đi lễ chùa. Bác càng tin hơn khi trong một lần cúng, chén rượu đang đầy sau một buổi lễ bỗng dưng cạn sạch. Bác hỏi thầy cúng thì thầy nói đó là "ngài" về để bắt vong cho con trai bác uống.
Từ đó, bác lao vào việc bói toán, cúng bái. Hễ ai mách chùa nào, đình, đền nào thiêng, bác đều đến. Rồi bác gia nhập các hội, đoàn, đi lễ khắp nơi, đi lễ đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Không những thế, bác còn dành hẳn một tầng cao nhất trong nhà, đúc tượng Phật để thờ. Trong nhà không lúc nào ngớt hương khói.
Ngày tháng trôi qua, bao nhiêu tiền của trong nhà, bác đều dồn cả vào việc thờ cúng với niềm tin tâm linh duy nhất. Vậy mà, con trai bác vẫn không khỏi bệnh. Dù học rất giỏi lại đa tài nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, bác xin cho vào làm việc ở bất cứ chỗ nào, con trai bác cũng chỉ “trụ” được dăm bữa nửa tháng. Dù bác đã phải chọn cho con mình công việc độc lập, ít phải giao lưu, tiếp xúc với nhiều người, ít va chạm với người khác nhưng có một người không thể tránh, đó là sếp trực tiếp thì con trai bác lại thường xuyên mâu thuẫn. Bởi lẽ, con trai bác thường tự ý làm theo cách của riêng mình, không chịu nghe bất cứ ai, kể cả sếp.
Thấy con không theo được công việc nhà nước, bác tìm cách mở cửa hàng tạp hóa cho con cùng tham gia. Thế nhưng, bác thật bất ngờ khi con trai bác tuyên bố không bao giờ làm việc gì liên quan đến tiền bạc. Vì thế, mỗi khi có khách đến mua hàng, con trai bác chỉ tìm đồ đưa cho khách, còn tiền thì gọi người khác đến thanh toán. Quá mệt mỏi, bác đành để con trai nghỉ ở nhà, xác định nuôi "báo cô" suốt đời.
Vì mải lo cúng bái, công việc đình trệ, bác chỉ được giao làm nhân viên tạp vụ nên khi về hưu, đồng lương thấp lại phải nuôi con trai nên cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần đều trở nên bế tắc. Giờ ngẫm lại, bác mới giật mình, tiếc nuối: Giá như ngày đó bác đừng khăng khăng, nhất quyết không chịu chấp nhận con mình mắc chứng tự kỷ, đừng đi theo con đường mu muội mà tìm cách chữa trị cho con ngay từ những ngày đầu khởi bệnh thì có lẽ bây giờ mọi việc đã khác, con trai bác không đến nỗi trở thành người vô dụng.