Tinh giản biên chế 36.000 người/năm để tăng lương cơ sở

17/11/2016 - 09:27
Chiều 16/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ cho biết cần đẩy mạnh tinh giản biên chế, để đẩy mạnh cải cách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
bo-truong-le-vinh-tan.jpg
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

 Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, nêu ra dẫn chứng tình trạng bất bình đẳng trong chế độ tiền lương giữa các công chức. Có ngành, công chức vừa có phụ cấp công vụ, vừa có phụ cấp khổi Đảng, thâm niên ngành; có ngành lại không có chính sách này. Sự bất hợp lý kéo dài nhiều năm, kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết? Trách nhiệm của Bộ trưởng tới đâu và giải pháp là gì? Cạnh đó, chỉ thường xuyên chiếm 64% ngân sách hàng năm, nhưng thu nhập của cán bộ rất thấp, điều đó cho thấy bộ máy rất cồng kềnh, chồng lấn. Với vai trò của mình, Bộ trưởng có giải pháp thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, cho biết: Tiền lương là vấn đề phức tạp và khó khăn. Hiện nay cần mức lương tối thiểu là 3.300.000 đồng/tháng để đảm bảo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, lương cơ sở mới chỉ đạt 1.300.000 vào năm 2017. Như vậy là chưa đạt 50% mức sống tối thiểu. Do đó, lộ trình tăng lương trong thời gian tới phải tổng hợp nhiều biện pháp, vừa tinh giản biên chế, vừa tiết kiệm chi và dùng một phần ngân sách vào cải cách tiền lương.

Trong bối cảnh thu ngân sách còn khó khăn, chi trả cho lương đã chiếm 1/3 nguồn ngân sách cho khoảng 6,5 triệu người lao động hưởng lương và các chế độ chính sách.

Để cải cách chế độ tiền lương, theo ông Tân, trong thời gian trước mắt, thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Trong 2 năm qua chỉ tinh giản được có hơn 17.000 người. Bình quân mỗi năm phải giảm 1% thì năm 2016 cần phải tinh giản biên chế cấp huyện trở lên là hơn 36.000 người.

Do đó, đối với cơ quan hành chính nhà nước, khối Đảng, đoàn thể, lãnh đạo Bộ ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm chỉnh vấn đề tinh giản biên chế. Ngoài ra, khuyến khích xã hội hóa, trao quyền tự chủ để đến năm 2021 giảm được 20% viên chức và 10% công chức thì có đủ cơ sở để thực hiện lộ trình tăng lương.

Cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định từng bước xóa cơ chế bao cấp với các đơn vị sự nghiệp, chuyển qua hỗ trợ các đối tượng tiêu dùng dịch vụ công. Từng bước nâng lệ phí để đảm bảo cho các đơn vị sự nghiệp công lập đủ hoạch toán, nâng cao chất lượng dịch vụ.

dai-bieu-bui-sy-loi.jpg
 Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Tranh luận với Bộ trưởng Nội vụ, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: Đến nay đã bỏ lỡ tăng lương cho công chức 3 lần. Nói như Bộ trưởng là giảm số 2,2 triệu công chức, viên chức để cải cách tiền lương là “không đúng tinh thần”.

Theo đại biểu Lợi, khu vực viên chức phải chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khoán chi phí đầu ra theo kết quá. Cải cách chính sách tiền lương phải cải cách về thang lương, bảng lương, lương cơ sở… chứ không phải thu hẹp mức bội số tiền lương; chứ “không phải chỉ có một giải pháp giảm biên chế”, ông Lợi nói.

"Từ 2013 đã xác định mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng. Trong 2 năm liên tiếp (2014 và 2015) tiền lương cơ sở không tăng. Đến năm 2016, chỉ tăng có 7% lên là 1.210.000 đồng.

Năm 2017 sắp tới, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, lương cần tăng để “trả nợ” cho các năm trước không được điều chỉnh tăng. Ban chỉ đạo tiền lương đã họp và quyết định kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội năm 2017, tiếp tục tăng 7% (tương đương tăng 90.000 đồng) nâng mức lương cơ sở lên 1.300.000 đồng".

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm