pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tinh gọn tổ chức - Hướng về cơ sở - Bài 3: Hội viên cần gì sau tinh gọn?

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo là hoạt động góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ được các cấp Hội LHPN thực hiện liên tục. Ảnh: PVH
Gắn kết hội viên sau sáp nhập
Tháng 4 vừa qua, cùng với việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, cán bộ Hội LHPN xã Yên Dương (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) lại tất bật một nhiệm vụ khác: Tiếp tục ổn định tổ chức Hội trong giai đoạn sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.
"Đây là lần thứ hai địa phương trải qua tinh gọn bộ máy. Lần này quy mô rộng lớn và công việc cũng dồn dập hơn", bà Nguyễn Thị Đua, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Dương, chia sẻ.
Năm 2019, xã Hà Dương và xã Hà Yên hợp nhất, lấy tên là xã Yên Dương. Bà Đua là Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Yên khi ấy được tín nhiệm tiếp tục giữ vai trò người đứng đầu tổ chức Hội của xã mới sau hợp nhất. Từ 4 chi hội với gần 700 hội viên, nay Hội LHPN xã Yên Dương có 7 chi hội và hơn 1.300 hội viên, phân bố rải rác ở địa bàn rộng hơn gấp đôi so với trước.
Điều khó nhất, theo bà Đua, không phải là tổ chức phong trào hay lên kế hoạch hoạt động, mà là làm sao để các hội viên vốn quen nếp sinh hoạt khác nhau, nay gắn bó, chia sẻ và đồng hành trong một mái nhà chung.
Để làm được điều đó, cán bộ Hội phải đi trước, làm trước. Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã tranh thủ tiếp cận hội viên trong thời gian rảnh rỗi - ngày nghỉ, buổi tối - khi bà con không bận đồng áng.
Những ngày đầu sau sáp nhập, bà Đua chủ động đến từng nhà hội viên ở địa bàn mới để thăm hỏi, lắng nghe và chia sẻ. Mỗi dịp lễ, Tết hay ngày truyền thống, Hội đều tổ chức hoạt động cộng đồng - văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian - để tạo cơ hội cho chị em làm quen, gắn bó.
Bên cạnh đó, một nhóm Zalo được lập để kết nối cán bộ và hội viên toàn xã. "Nhóm này không chỉ chuyển tải thông tin từ cấp trên, mà còn là nơi để chị em trò chuyện, chia sẻ chuyện làm ăn, con cái, chuyện làng trên xóm dưới", bà Đua nói.
Chính nhờ những sáng kiến bám sát nhịp sống cơ sở, Hội LHPN xã Yên Dương đã tạo dựng được một cộng đồng hội viên liên kết - không phải bằng mệnh lệnh hành chính, mà bằng sự tin tưởng và đồng hành thực chất.
Câu chuyện ở Yên Dương là minh chứng rõ nét cho một yêu cầu đặt ra sau tinh gọn: Tổ chức có thể thay đổi về mặt hành chính nhưng sợi dây gắn kết giữa hội viên không thể để đứt đoạn. Điều đó chỉ có thể làm được nếu người cán bộ Hội thực sự gắn bó với địa bàn, sát với hội viên và coi kết nối con người là nhiệm vụ đầu tiên của mình.

Hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Yên Bái được Hội LHPN hỗ trợ con giống để phát triển kinh tế. Ảnh: Trần Lê
Biến thách thức thành động lực
"Sôi nổi" là cụm từ ngắn gọn mà bà Đồng Thị Hiên, Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Hải (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), chia sẻ khi được PV Báo PNVN hỏi về công tác Hội sau sáp nhập. Theo bà Hiên, do mới thực hiện sáp nhập năm 2024, lại chuẩn bị tiếp tục sáp nhập lần nữa nên Ban chấp hành Hội LHPN xã Văn Hải vẫn còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, các phong trào Hội vẫn được tiếp tục phát huy, tăng cường.
Ngày 23/12/2024, xã Văn Hải được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ (cùng của huyện Quỳnh Lưu). Bên cạnh diện tích lớn gấp đôi so với trước, tổng số hội viên phụ nữ của xã Văn Hải sau khi sáp nhập cũng lên đến con số gần 2.600 người.
Số lượng hội viên đông đảo, diện tích rộng lớn tưởng chừng là một điểm bất lợi nhưng nhờ những cách làm hay, sáng tạo, Hội LHPN xã Văn Hải đã biến những điều tưởng chừng bất lợi trên trở thành lợi thế thúc đẩy phong trào Hội.
Bà Hiên cho biết, khi chưa sáp nhập, Sơn Hải và Quỳnh Thọ là 2 xã nằm trong cùng 1 cụm, thường xuyên có sự giao lưu, sinh hoạt chéo với nhau nên lúc "về chung một nhà", Ban Chấp hành Hội LHPN của xã mới đã biến điều này thành lợi thế, thúc đẩy phong trào phụ nữ và hoạt động Hội càng trở nên sôi nổi.
Song để làm được điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ Hội từ xã đến chi hội phải rất nhiệt tình, là hạt nhân tiên phong đoàn kết, tạo được niềm tin yêu của chị em; luôn thấu hiểu và kết nối hội viên.
Chính nhờ đội ngũ cán bộ cơ sở biết nắm bắt thời cơ, phát huy thế mạnh của từng chi hội, từng hội viên nên sau sáp nhập, kết quả hoạt động công tác Hội trên địa bàn xã Văn Hải đã có nhiều khởi sắc.
Đời sống của hội viên được quan tâm, các chương trình chăm lo lợi ích của hội viên luôn được chú trọng (thông qua các hoạt động vay vốn, hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, truyền thông bình đẳng giới, nâng cao năng lực của phụ nữ…).
"Trong thời điểm việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đang được triển khai, Hội LHPN xã Văn Hải cũng thường xuyên vận động hội viên tuyệt đối nghe theo tầm nhìn, định hướng của Đảng và Nhà nước.
Trước đây, khi chưa sáp nhập, nhiều chị em hội viên cũng băn khoăn liệu hội viên đông, phong trào của Hội có bị giảm sút không. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, thấy phong trào của Hội ngày càng phát triển, chị em thấy phấn khởi và tin tưởng rằng sau sáp nhập tới đây, phong trào phụ nữ sẽ càng phát triển hơn nữa", bà Hiên chia sẻ thêm.
Địa giới rộng, hội viên đông, làm sao để phong trào thêm mạnh?
Bà Hà Thị Hợi (60 tuổi) là một trong những hội viên tích cực tham gia các hoạt động của Hội LHPN xã Nam Thượng (huyện Kim Bôi, Hòa Bình). Những ngày gần đây, thông tin về việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh nhà được bà Hợi rất quan tâm.
Tin tưởng vào đường lối, chủ chương của Đảng và Nhà nước trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bà Hợi mong rằng, đơn vị hành chính mới với quy mô và dân số đông hơn thì các hoạt động Hội sẽ mạnh hơn, phong trào Hội sẽ sôi nổi, thiết thực, sâu sát đời sống hội viên phụ nữ hơn.
Điều mà hội viên nào cũng mong muốn là bản thân sống vui vẻ, tiến bộ, đời sống ổn định, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Chính vì thế, chúng tôi mong Hội có nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ kiến thức mọi mặt cho chị em; giúp phụ nữ nông thôn, phụ nữ miền núi, phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng tiến bộ như chị em ở thành thị, vùng trung tâm”.
Bà Hà Thị Hợi (60 tuổi, hội viên Hội LHPN xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình)
Theo bà Hợi, bên cạnh nhiệm vụ chính trị, sau khi sáp nhập, Hội Phụ nữ cần phát huy những kết quả đã làm được, không ngừng đổi mới, sáng tạo hình thức sinh hoạt phù hợp để "giữ chân" hội viên cũ, phát triển hội viên mới.
Với địa giới hành chính rộng, càng cần cán bộ Hội sâu sát, gần dân, gần hội viên. Khi Hội khẳng định được vị trí, vai trò, làm tốt nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp, kết nối, chăm lo cho hội viên thì sẽ luôn là "ngôi nhà chung" của phụ nữ.
Đồng quan điểm với bà Hợi, bà Nguyễn Thị Hấn (65 tuổi, hội viên Hội LHPN xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) cũng cho rằng, đào tạo nghề và tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ, nhất là những phụ nữ lớn tuổi, sẽ giúp hội viên ổn định kinh tế.
"Một khi kinh tế ổn định, đời sống hội viên được nâng cao thì các phong trào Hội cũng sẽ phát triển theo", bà Hấn chia sẻ.
Sinh sống tại một bản vùng cao, đời sống còn nhiều thiếu thốn nên bên cạnh việc tăng cường các hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên thúc đẩy kinh tế, cải thiện cuộc sống, bà Lò Thị Păn (53 tuổi, trú tại bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bày tỏ mong muốn Hội LHPN địa phương tăng cường các buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về sinh đẻ an toàn, nuôi dạy con khỏe mạnh, phòng chống tệ nạn xã hội, mở lớp dạy chữ, trang bị kiến thức cho hội viên để họ có thể vươn lên trong cuộc sống.
"Ở nơi tôi sinh sống, hầu như phụ nữ dân tộc Lào đều không biết chữ nên đời sống của họ rất vất vả. Có được cái chữ là mong mỏi rất lớn của các chị em ở đây. Có cái chữ, có kiến thức, chúng tôi có thể thay đổi cuộc sống của mình", bà Păn gửi gắm.
Những chia sẻ của hội viên các nơi đều gửi gắm một điều chung: Tinh gọn tổ chức là cần thiết nhưng quan trọng hơn là không để ai bị bỏ lại phía sau. Tổ chức Hội không chỉ là nơi phát động phong trào, mà phải là nơi hội viên được đồng hành, được tiếp cận thông tin, được hỗ trợ phát triển toàn diện.
Trong thời kỳ chuyển đổi số và sắp xếp lại bộ máy, tổ chức Hội càng cần thể hiện rõ vai trò "người bạn đồng hành" với mỗi phụ nữ. Khi người dân nhìn thấy hiệu quả thực chất, khi hội viên cảm thấy được thấu hiểu và chăm lo thì niềm tin sẽ ở lại. Đó chính là thước đo cuối cùng cho sự thành công của sắp xếp tinh gọn tổ chức để hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Bài cuối: "Nhạc trưởng" chung, từng tổ chức phát huy sức mạnh