Cách bảo quản hạt sen để dùng quanh năm Cách 1: Phơi khô hạt sen - Mua hạt sen tươi về, bóc vỏ hạt sen lấy nhân (tuyệt đối không rửa), dùng tăm để lấy tâm sen ra. Nên mua hạt sen vẫn còn cả vỏ ngoài để tránh bị ngâm nước. - Đem hạt sen phơi nắng 3-5 lần cho thật khô rồi cho vào lọ sạch, đậy nắp kín để dùng ăn dần. Trong quá trình dùng, thỉnh thoảng lại mang hạt sen ra phơi tránh bị ẩm mốc. - Nếu bạn không phơi nắng được thì có thể đem hạt sen đi sấy khô, vừa nhanh vừa tiện. Sau đó cũng cất vào lọ khô để dùng dần. Cách 2: Trữ lạnh sen tươi - Mua hạt sen tươi về bóc bỏ vỏ, bỏ tâm (không rửa), sau đó chia từng phần đủ lượng ăn mỗi lần vào từng hộp nhựa hoặc túi nilon rồi cất vào ngăn đá tủ lạnh. - Mỗi lần muốn ăn thì lấy ra đủ lượng sen cần dùng, xả với nước nhiều lần cho hết lạnh để khi nấu hạt sen sẽ mềm, bở mà không bị cứng. Làm theo cách này có thể bảo quản hạt sen được trong vòng khoảng 4-5 tháng. |
Mùa nào trên dải đất hình chữ S cũng rực rỡ những sắc hoa, nhưng có lẽ mùa hoa quen thuộc và được chờ đón hơn cả là mùa hoa sen. Không rực rỡ như hoa hồng, không thơm nồng nàn đến độ “nhức nhối” như hoa sữa, những đóa sen hồng, sen trắng dịu dàng tỏa hương khắp mọi miền đất nước.
Sen được ví như một cô gái thôn quê, đẹp cả sắc, cả hương. Mùa sen qua đi, khi người ta đã bắt đầu không muốn mải mê chụp ảnh bên hoa sen, đã thưởng thức đủ hương đủ vị của trà sen, khi những cánh sen đã bắt đầu tàn úa, đầm sen lại dâng cho đời một món quà quý: Đó là hạt sen.
Hạt sen e ấp nép mình trong gương sen xanh mát là thức quà quý mỗi độ cuối hè, chớm thu. Nếu như lũ trẻ con thích lấy hạt sen non, còn xanh nhạt để đập vào trán trêu chọc nhau, các cô thiếu nữ thích nhâm nhi hạt sen còn mềm thay món quà vặt, thì những người sành ăn, phải đợi đến lúc sen già, hạt sen cứng, chắc, chuyển sang màu nâu bóng mới bắt đầu thưởng sen.
Hạt sen không dành cho những ai thiếu kiên trì, khéo léo. Ngày nay, để tách hạt sen cho nhanh, cho dễ, người ta thường ngâm hạt vào nước rồi mới gọt vỏ. Nhưng làm theo cách này, món hạt sen vừa sượng, vừa nhạt, nấu món gì cũng khó.
Muốn hạt sen ngon, trắng nõn nà, phải tách khi lớp vỏ bên ngoài còn khô. Dùng dao nhọn khéo léo lượn những đường xoắn ốc xung quanh hạt, để bỏ lớp vỏ nâu cứng đi, rồi nhẹ nhàng bóc bỏ lớp màng bao bên ngoài hạt, sau đó mới thông tâm.
Tâm sen, nhỏ bé xinh xinh nằm giữa hạt sen, lại có vị nhằng nhặng đắng, nên thường được bỏ đi để không làm ảnh hưởng đến mùi vị của hạt sen. Nhưng đừng vì không thích vị đắng của nó mà bỏ phí. Đây chính là vị thuốc chữa mất ngủ, đau đầu rất công hiệu! Hạt sen sau khi làm sạch có thể đem phơi, sấy khô để dành hay dùng chế biến thành các món ăn.
Hạt sen có vị ngọt, lành, dùng được cho mọi lứa tuổi. Trong 100g hạt sen có chứa 350 calo, 63-68g carbohydrate, 17-18g protein, khoáng chất... là món không thể thiếu của nhiều gia đình qua ngàn đời nay, từ món ăn của cung đình, vua chúa, đến những món dân dã của thôn quê...
Một bát chè sen long nhãn ngọt thanh mát, một bát súp hạt sen nóng hổi, một ly sữa hạt sen bùi thơm... luôn mang lại những cảm giác gần gũi mà rất đỗi thân thương.
Sau đây là hai món chế biến từ sen rất hợp với thời tiết oi bức mùa hè:
Chè hạt sen long nhãn: 300g hạt sen khô, 300g nhãn tươi, 50g long nhãn, 50g đường phèn. Hạt sen bỏ tâm, rửa sạch. Đun nồi nước sôi, cho hạt sen vào đun cùng, đến khi sen mềm. Nhãn tươi bóc vỏ, dùng mũi dao nhọn tách bỏ hạt sao cho phần thịt quả không bị rách.
Lấy hạt sen đã chín nhừ, cho vào từng quả nhãn. Cho long nhãn vào nước ninh hạt sen, đun sôi để long nhãn nở, cho đường phèn vào, khuấy tan, cho phần sen nhãn vừa làm vào, tắt bếp. Múc ra bát, ăn nóng hoặc lạnh.
Nước sen - dừa: 100g hạt sen tươi, 100g cùi dừa nạo, 200g đường. Hạt sen bỏ tâm, rửa sạch. Cho hạt sen vào nồi hầm thật mềm sau đó cho đường vào hòa đều và cho dừa nạo vào. Dùng lạnh.