Tình làng nghĩa xóm trải rộng trên cánh đồng mùa gặt chạy lũ

Quốc Toản
03/11/2020 - 19:40
Tình làng nghĩa xóm trải rộng trên cánh đồng mùa gặt chạy lũ

Tình làng nghĩa xóm rộn lên trong mùa gặt chạy lũ. Ảnh: Báo Thanh niên

Ký ức ngày mùa chạy lũ đến giờ vẫn in đậm trong tôi. Khi ấy, cả cánh đồng quê tôi chìm trong nước, những bông lúa chín vàng dập dềnh trong sóng nước. Sợ lúa sẽ mọc mầm, nên các bà, các chị đều vội vã dầm mình lội nước đến lưng bụng để mò cắt từng gốc lúa, bỏ lên thuyền chở về tránh lũ…

Quê tôi, miền đất chiêm trũng, người dân quê sống thuần nông, cả năm chỉ nhờ vào hai vụ lúa, mọi vui buồn, đói no đều gửi gắm vào mùa gặt. Những năm 1990 trở về trước, người nông dân vất vả trăm bề, chưa có máy móc hỗ trợ, mọi việc đều dùng sức người. Ngày mùa đến, mọi nhà rộn ràng với việc mua sắm liềm, hái, quang gánh, mấy chú đàn ông trung niên thì sửa sang lại chiếc xe đạp thồ. Mọi công việc đều tất bật vội vã bởi niềm mong ngóng có bát cơm thơm mùi lúa mới, sau những ngày thiếu đói giáp hạt.

Tình làng nghĩa xóm trải rộng trên cánh đồng mùa gặt chạy lũ - Ảnh 1.

Bộ đội giúp dân gặt lúa chạy lũ. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Ngày xuống đồng gặt, người dân quê tôi thường tổ chức đổi công, lúa nhà nào chín trước sẽ được các gia đình tập trung nhân lực gặt giúp, rồi cứ quay vòng, cuốn chiếu. Trên cánh đồng lúa chín vàng như mâm xôi cứ nhấp nhô nón lá, rộn ràng tiếng nói cười. Cứ thế, tình làng nghĩa xóm trải rộng khắp cánh đồng ngày mùa.

Ngày đó, học sinh chúng tôi còn được nghỉ vụ mùa để phụ giúp gia đình. Học sinh cấp 2, cấp 3 (nay là THCS, THPT) chúng tôi cũng bận rộn không khác gì người lớn. Dường như sống với đồng ruộng từ bé nên ý thức lao động cũng đã ngấm vào máu từ tuổi mới lớn. Lũ trẻ chúng tôi hăng hái lao động, mỗi đứa một việc tùy vào sức, tùy vào hoàn cảnh. Con gái thì ở nhà phụ giúp cơm nước hoặc ra đồng tập gặt, con trai thì vác lúa, đẩy thuyền chuyển lúa lên bờ. Cũng dầm mưa dãi nắng, cũng những giọt mồ hôi mặn chát, nhưng chúng tôi luôn làm việc với sự đam mê và tinh thần phấn khởi.

Vào mùa gặt, người nông dân làm việc cả đêm, từ đầu tối đã rộn ràng tiếng máy tuốt lúa, tiếng đập kẹp, tiếng cót két của trâu kéo trục. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với lũ con trai mới lớn chúng tôi là đập kẹp, thứ âm thanh bình bịch vui vui khắp đường làng, ngõ xóm. Kẹp làm bằng hai khúc tre, được néo với nhau bằng đoạn dây thừng, vòng kẹp chắc đon lúa rồi dùng sức người đập xuống chiếc cối đá như bác thợ rèn đập búa, những hạt thóc văng ra rào rào. Chúng tôi ấn tượng với đập kẹp không chỉ bởi được lao động trong không khí đông vui, nhộn nhịp mà ở đó được đua với lũ thanh niên cùng lứa, được thể hiện sức của con trai mới lớn. Bình thường một bó lúa người ta đập khoảng hơn chục lần, nhưng chúng tôi đua nhau chỉ đập bảy đến tám lần là không còn hạt thóc nào dính vào rơm. Vào những đêm trăng sáng, lũ bạn cùng trang lứa tập trung thành nhóm, đập kẹp cho từng nhà, cứ hết nhà này qua nhà khác, chỉ thấy vui mà quên đi mệt nhọc, thời gian.

Tình làng nghĩa xóm trải rộng trên cánh đồng mùa gặt chạy lũ - Ảnh 2.

Ký ức mùa gặt chạy lũ xưa kia vẫn luôn tròn trịa, nguyên vẹn và còn mãi trong tôi. Ảnh: Kiến thức

Những đống thóc được cào mỏng ra sân phơi, cào đi, cào lại dọn cho hết rơm, phơi vài nắng cho khô, được rê, quạt cho hết hạt lép rồi cất vào bồ, vào cót quây. Những khoanh cót đan bằng cây vầu cuộn tròn cứ cao dần cho tới vượt đầu người lớn. Ngày đó, người ta đánh giá sự khá giả của mỗi gia đình qua chiều cao của cót đựng lúa. Nhà nào nhiều cót, cót quây cao được xem là nhà có của ăn của để trong làng. 

Xa quê lâu ngày, thỉnh thoảng về quê tôi vẫn được gặp người dân quê tôi vào mùa. Mùa gặt bây giờ đã có máy, những chiếc máy gặt liên hợp giải phóng sức lao động cho bà con. Đến ngày gặt lúa, các nhà chỉ việc đem bao bì ra bờ ruộng đưa lúa về phơi. Người nông dân quê tôi hôm nay không còn chân lấm tay bùn, nhọc nhằn sớm khuya, các bà, các mẹ, các chị bớt đi những giọt mồ hôi chát mặn. Nhưng ký ức mùa gặt chạy lũ xưa kia vẫn luôn tròn trịa, nguyên vẹn và còn mãi trong tôi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm