pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tỉnh nào ở nước ta có tên gọi nghĩa là "xóm nghèo làm nghề chài lưới"?
Chắc hẳn bạn có thể thuộc làu thông tin này: Về mặt hành chính, hiện nay ở nước ta có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, với 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo. Nhưng liệu bạn có biết, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này, có tỉnh nào mang tên gọi nghĩa là "xóm nghèo làm nghề chài lưới"?
Tất nhiên, vì "làm nghề chài lưới" nên đây sẽ là một tỉnh ven biển. Bật mí thêm, tỉnh này thuộc vùng bằng sông Cửu Long, tọa lạc nơi bán đảo Cà Mau, tiếp giáp với các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau. Đặc biệt, tỉnh có đường bờ biển dài 56 km, tiếp giáp với biển Đông về phía Đông Nam, là một trong những tỉnh thành trên dải đất chữ S có đường bờ biển ngắn nhất.
Đáp án cho câu hỏi này chính là BẠC LIÊU. Danh xưng “Bạc Liêu”, đọc theo tiếng Trung, giọng Triều Châu là Pô Léo, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Pô phát âm theo tiếng Hán Việt là “Bạc” và Léo phát âm là “Liêu”.
Một giả thuyết khác cho rằng: Pô là bót, đồn. Liêu là Lào (Ai Lao) theo tiếng Khơme, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào. Còn người Pháp, họ căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu nên gọi vùng đất này là Phêcheri - chaume (đánh cá và cỏ tranh).
Ngoài ra còn một số giả thuyết khác. Theo tác giả Trương Thu Trang, trong cuốn Tôn giáo, tín ngưỡng dân gian cư dân ven biển Bạc Liêu, một số nhà nghiên cứu cho rằng: "Bạc Liêu: gốc từ tiếng Khmer là Po Loenh nghĩa là cây đa cao"; "Người Khmer gọi Bạc Liêu là PôLeou. Pô là cây Lâm vồ, Phật nhập niết bàn dưới gốc cây này nên người Miên rất trọng vọng và không dám đốn, còn Leou là trên cao. PoLeau là chỗ, vùng có cây Bồ đề (Lâm vồ) cao nhất".
Bạc Liêu đang là một trong những tỉnh miền tây thu hút lượng lớn khách du lịch hàng năm. Hàng năm, Bạc Liêu có 2 mùa mưa - nắng rõ rệt. Mùa khô thuận tiện về mặt giao thông đi lại còn mùa nắng thì phong phú đặc sản vùng miền.