Mục đích của Đại hội là tiếp tục khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các DTTS Việt Nam thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn từ 2009-2019.
Đồng thời đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2009-2019; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2020; là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân.
Đại biểu chính thức tham gia Đại hội là người tiêu biểu, đại diện cho 53 DTTS thuộc mọi thành phần, vùng miền, lĩnh vực của đời sống xã hội, được lựa chọn, suy tôn từ Đại hội các cấp.
Đại hội từ địa phương đến trung ương cần được tổ chức trang trọng với quy mô phù hợp, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi, tự hào trong các tầng lớp nhân dân.
Đại hội sẽ tổng kết, đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới từ đại hội lần trước đến đại hội lần này và kết quả thực hiện quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS các cấp.
Đại hội được tổ chức ở 3 cấp là huyện, tỉnh và trung ương (Đại hội toàn quốc). Đại hội cấp huyện tổ chức trong 1 ngày, hoàn thành xong trước ngày 30/6/2019; cấp tỉnh tổ chức từ 1,5-2 ngày, hoàn thành xong trước ngày 30/11/2019; Đại hội toàn quốc tổ chức trong 3 ngày vào cuối quý I hoặc đầu quý II/2020.