pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt" góp phần giữ bình yên, gắn kết tình làng nghĩa xóm

Tổ hòa giải khóm 3, phường 9 cũ (nay là phường An Xuyên) luôn gần dân, sát dân, đến nhà dân để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước
Phát huy vai trò "Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt"
Mô hình "Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt" của Sở Tư pháp Cà Mau thực hiện gồm 5 tiêu chí: tổ chức tốt, thành viên tốt, hoạt động tốt, phối hợp tốt và kết quả tốt. Ðây là các tiêu chí mang tính tổng thể, vừa định hướng vừa đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ hoà giải ở cơ sở.
Các tiêu chí này không chỉ chú trọng đến hiệu quả hoà giải, mà còn nhấn mạnh đến việc xây dựng một tập thể hoà giải viên có phẩm chất, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao. Các tổ hoà giải được hình thành từ tập hợp những người có uy tín trong cộng đồng như: cán bộ hưu trí, trưởng ấp, hội viên Hội Phụ nữ, đại diện Hội Cựu chiến binh, luật gia... Họ là những người am hiểu phong tục tập quán địa phương và có khả năng thuyết phục, tạo niềm tin với người dân.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.396 tổ hoà giải với 9.187 hoà giải viên. Riêng ở tỉnh Cà Mau (cũ), năm 2024, có 400 tổ được công nhận đạt tiêu chí "Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt". Tỷ lệ hoà giải thành tăng dần qua từng năm, từ 74,2% vào năm 2022 tăng lên 78,9% năm 2023 và đạt 85,29% năm 2024.
Tổ hoà giải ở Ấp 4, phường Tân Thành, tỉnh Cà Mau, có 10 thành viên gồm đại diện đầy đủ các đoàn thể ở cơ sở, do trưởng ấp làm tổ trưởng, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ. Ðây là tổ điểm được phường Tân Thành chọn để nhân rộng mô hình và đã liên tục 2 năm liền đạt danh hiệu "Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt". Riêng trong năm 2024, Tổ hoà giải Ấp 4 đã hoà giải thành công 3 vụ có đơn và 3 vụ bằng hình thức miệng, góp phần giữ gìn hòa thuận tình làng nghĩa xóm trong nhân dân.

Tổ hoà giải phường Tân Thành duy trì họp và rút kinh nghiệm sau các lần hoà giải
Một trong những tiền đề tạo nên thành công của Tổ hòa giải cơ sở phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, kiến thức, năng lực của đội ngũ hòa giải viên. Để có thể thuyết phục được người dân, đòi hỏi các hòa giải viên vừa có sự am hiểu pháp luật, vừa có sự am hiểu đời sống dân sinh, văn hóa cơ sở; đồng thời, có uy tín, lòng tin đối với người dân.
Ông Nguyễn Trường Giang, tổ viên Tổ hoà giải Ấp 4, cho biết, khi tổ chức các cuộc hoà giải giữa các bên có tranh chấp, mâu thuẫn, các hòa giải viên vừa giải thích thấu đáo về mặt luật pháp, đồng thời phân tích nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn để đôi bên nhận ra bản chất sự việc. Song song với đó, phải lấy câu chuyện tình làng nghĩa xóm, hàng xóm láng giềng để tác động vào tâm lý, tình cảm của các bên để họ nguôi ngoai bức xúc, thông cảm cho nhau lúc nóng giận, từ đó chấp nhận hòa giải.
Điều đặc biệt, theo ông Giang, trong quá trình hòa giải sẽ là cơ hội tốt để các hòa giải viên tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mọi người nắm rõ, từ đó thực hiện đúng, góp phần hạn chế những phát sinh mâu thuẫn ở địa phương.
Thúc đẩy sự đổi mới trong công tác hoà giải ở cơ sở
Đánh giá về hiệu quả của mô hình "Tổ hòa giải cơ sở 5 tốt", bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, bày tỏ: "Từ hiệu quả của mô hình, chúng tôi đánh giá được trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền cấp xã trong triển khai thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở, nhất là tính chủ động của các tổ hoà giải trong việc phát hiện các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân, từ đó đưa vụ việc ra hàn gắn, giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Năm 2024, tỷ lệ hoà giải thành công trên địa bàn toàn tỉnh đạt khá cao so với năm 2023, trong đó có rất nhiều tổ hoà giải đạt tỷ lệ hoà giải thành từ 90% trở lên, đặc biệt có 386 tổ đạt tỷ lệ hoà giải thành 100%".

Các thành viên Tổ hòa giải khóm 3, phường 9 cũ (nay là phường An Xuyên) thảo luận công việc trước khi thực hiện hoà giải
Ðể đạt được kết quả đáng phấn khởi trên, thời gian qua, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Cụ thể là tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho hoà giải viên; biên soạn, phát hành tài liệu nghiệp vụ; hướng dẫn, đôn đốc thực hiện hiệu quả công tác hoà giải. Ðồng thời, triển khai Ðề án 315 giai đoạn 2024-2030, chọn 6 xã làm điểm, xây dựng mô hình cấp xã điển hình làm công tác hoà giải cơ sở, nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ hoà giải viên, thúc đẩy sự đổi mới trong công tác hoà giải một cách hiệu quả.
"Nhìn chung, chính quyền cấp xã đã thể hiện vai trò trong hướng dẫn, quan tâm đầu tư nguồn lực để thực hiện công tác hoà giải cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay, năng lực của một số hoà giải viên còn hạn chế, khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là những người lớn tuổi; sự quan tâm của chính quyền cấp xã chưa đồng đều, kinh phí chưa được bố trí đầy đủ, kịp thời... Vì vậy, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động này, cấp xã cần phải chủ động trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo quy định; từng hoà giải viên phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia cùng cộng đồng để thực hiện tốt hoà giải ở cơ sở", Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau Phạm Thị Ngọc nhấn mạnh.