Mới đây tại UBND xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã diễn ra buổi hòa giải những mâu thuẫn, bạo lực liên quan đến chị Vũ Thị Đ. Trước đó, do những khúc mắc, đồn thổi liên quan đến chuyện tình cảm, từ khoảng tháng 10/2015 chị Đ. thường bị chồng là anh Kim V. N. hành hạ, nhiếc móc và chị bị đuổi ra khỏi nhà, phải về nhà mẹ đẻ tá túc trong 2 tháng.
Đến đầu năm 2017, anh chồng tiếp tục đánh, đuổi chị Đ. ra khỏi nhà lần 2. Không chỉ chửi, mắng đuổi vợ, người chồng còn có hành vi bạo lực với con gái lớn (14 tuổi) đang học lớp 9. Sau khi chồng bị đuổi ra khỏi nhà, chị Đ. phải đi bán hàng thuê để kiếm tiền thuê nhà, đồng thời làm đơn gửi các ngành chức năng nhờ giải quyết…
Căn cứ vào đơn trình báo của chị Đ., buổi hòa giải bạo lực gia đình (BLGĐ) đã diễn ra vào một buổi chiều ngay tại trụ sở UBND xã. Hôm ấy, thành viên tham dự có đại diện của UBND xã cùng các đại diện đến từ Hội phụ nữ, Công an, Tư pháp, Văn phòng Uỷ ban và 1 số người nhà nạn nhân… Tuy nhiên, tại đây, buổi hòa giải đã gặp phải những khó khăn, gần như không đạt được kết quả khi chỉ có duy nhất nạn nhân là chị Đ. một mình trình bày, một mình nói nguyện vọng, một số thành viên trong gia đình phát biểu ý kiến thì tranh cãi, đổ lỗi lẫn nhau (người bênh nạn nhân, người bênh thủ phạm); Các thành viên trong tổ hòa giải cũng có người rơi vào lúng túng và chỉ đưa ra những kết luận như “vụ việc mâu thuẫn gia đình phức tạp, liên quan không chỉ vợ chồng, mà còn là bố chồng con dâu, mẹ chồng con dâu, ghen tuông, đất đai, tiền bạc... nên khó giải quyết; sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm và có biện pháp xử lý sau”; Cạnh đó, còn có thành viên trong tổ hòa giải thiếu kỹ năng, còn thái độ đổ lỗi cho nạn nhân và cho rằng có thể chị Đ. đã đẩy câu chuyện lên quá cao? Tại sao lại có tình trạng mâu thuẫn tình cảm vợ chồng vì những lời đồn thổi? Không có lửa tại sao có khói?… Riêng “nhân vật chính” của buổi hòa giải hôm ấy - tức thủ phạm gây ra vụ việc là người chồng lại không có mặt với lý do “bận đi làm” và tổ hòa giải dường như “loay hoay”, chưa tìm ra cách để tiếp cận…
Theo ông Lê Hữu Anh (Khoa Cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân): “Trong thực tế tại địa phương khi liên quan đến những vụ hòa giải, xử lý vụ việc liên quan đến BLGĐ, vẫn còn có những cán bộ, thành viên chưa hiểu luật, chưa biết trình tự xử lý, thiếu hiểu biết về giới (mù giới), còn có tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân, ví như như vẫn còn cho rằng “Phụ nữ phải như thế nào mới bị chồng bạo hành” hay “Phụ nữ 10 người thì có đến 9 người nói nhiều nói nhiều nên bị chồng đánh”. |
Công tác hòa giải luôn là chuyện khó
Theo chị Nông Thị Tuyết ở xã Phong Châu (Trùng Khánh, Cao Bằng) từng là thành viên tổ hòa giải thôn gần 10 năm. Tổ hòa giải của chị có 6-7 thành viên thuộc Chi bộ, trưởng thôn, Mặt trận tổ quốc, Hội nông dân, Hội phụ nữ... Chị Tuyết cho biết, về nhiệm vụ, tổ được giao là nắm bắt, tâm tư, đời sống bà con trong thôn và khi có sự việc xảy ra, đặc biệt là vụ việc liên quan đến BLGĐ, thì tổ có trách nhiệm đến gặp người gây bạo lực và nạn nhân để tìm hiểu, khuyên nhủ, hòa giải…
Tuy nhiên trong thực tế, theo chị Tuyết việc hòa giải đã không mấy thành công bởi ít được tập huấn, ít có kiến thức liên quan đến pháp luật cũng như các kỹ năng tư vấn cho nạn nhân bị BLGĐ; Nếu có tổ chức hòa giải cũng chủ yếu là gặp riêng người vợ hoặc cả tổ có đến thăm hộ gia đình thì cũng là lựa lời khuyên bảo họ có gì thì nhẫn nhịn, bỏ quá cho nhau… Còn riêng những vụ như có gia đình người chồng thường xuyên đánh vợ. Mỗi khi bạo lực diễn ra, thành viên tổ hòa giải chạy sang can ngăn thì đều bị người chồng đuổi về vì “Đây là chuyện riêng của gia đình tôi”, thậm chí, có lần còn bị đe dọa “Nếu còn xía vào, nếu mang chuyện nhà này báo với tổ, cấp trên thì sẽ bị đánh vỡ đầu”. Vậy là chị Tuyết sợ quá, cảm thấy bất lực, quá khó, đành phải về và cũng không biết nên làm thế nào tiếp theo…
Trước đó, trong Hội nghị quốc gia về Phòng, chống BLGĐ, Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ về Giới và Phát triển Cộng đồng (Gencomnet) đã chia sẻ một nghiên cứu tại 4 địa bàn Yên Bái, Hà Nam, Đà Nẵng, TPHCM về những việc làm được và chưa được trong thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ ở cơ sở, kết quả cũng cho thấy: “Những khó khăn, thách thức dường như còn rất nhiều và phổ biến trong các hoạt động, đặc biệt đối với hoạt động hòa giải bạo lực gia đình ở cơ sở như: Thiếu kỹ năng (hòa giải, tư vấn và truyền thông); Chưa nắm vững nội dung của Luật Phòng, chống BLGĐ; Thiếu kinh phí hoạt động; Cán bộ kiêm nhiệm và hoạt động tự nguyện không có lương; Có biểu hiện trả thù thành viên tổ hòa giải...”. |