Tổ hợp tác giúp chị em thoát nghèo

02/10/2016 - 00:00
Tận dụng lao động nông nhàn, Tổ hợp tác Mây song đan thôn Đồn Vận đã tạo việc làm giúp chị em có thu nhập ổn định, tích cực tham gia vào nhiều hoạt động xã hội ở địa phương.

Xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn là xã thuần nông thuộc tỉnh Hòa Bình với gần 70% lao động làm nông nghiệp. Năm 2010, số hộ nghèo của xã là 27 hộ, trong đó số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ là 15 hộ chiếm 55%. Đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, thời gian nhàn dỗi của người lao động khá dài. Trước thực trạng đó, Hội LHPN xã Liên Sơn phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Lương Sơn mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn mây song đan cho hội viên, phụ nữ và thành lập “Tổ hợp tác Mây song đan thôn Đồn Vận”, đồng thời vận động các chị được đào tạo tham gia tổ hợp tác với số lượng 20 chị trong thôn, giúp hội viên, phụ nữ có điều kiện nhận hàng gia công tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập vươn lên ổn định cuộc sống. 

dan-1.jpg
 Chị em có việc làm và thu nhập ổn định

Ban đầu thành lập tổ hợp tác còn gặp rất nhiều khó khăn, tay nghề của chị em còn hạn chế, mặt hàng mây song lúc có lúc không, không đảm bảo thường xuyên cho chị em làm, tiền lương thì đôi khi 2 tháng mới nhận 1 lần, nên các chị trong tổ quản lí luôn phải tìm kiếm và liên hệ với đối tác để có đầu ra cho sản phẩm. Năm 2013, TW Hội LHPN Việt Nam triển khai Đề án 295 xây dựng mô hình hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ sau học nghề, Hội LHPN xã đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng và Trung tâm dạy nghề huyện Lương Sơn mở thêm các lớp đào tạo nâng cao tay nghề nên trình độ, năng suất lao động của các thành viên trong tổ hợp tác được nâng cao, các chị tự làm ra được những sản phẩm có độ tinh xảo cao như: ủ ấm, bình cắm hoa,…

Đến nay tổ hợp tác đã có thị trường tiêu thụ đảm bảo, tạo việc làm ổn định, tiền lương chị em nhận đều hàng tháng, bình quân thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng/chị, thu hút số lượng lớn lao động trong và ngoài địa bàn tham gia vào tổ. Hàng năm, Hội LHPN tạo điều kiện mở các lớp cho chị em hội viên, phụ nữ tham gia học nghề cũng như nâng cao tay nghề. Từ 20 thành viên lúc ban đầu đến nay đã có trên 100 chị tham gia vào tổ.

Để huy động thêm nguồn vốn tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, các chị trong tổ hợp tác đã cùng nhau vận động xây dựng được 1 tổ góp vốn quay vòng có 40 chị tham gia, với số tiền 500.000đ/chị/tháng. Qua đó đã giúp các chị có nguồn vốn đầu tư vào chăn nuôi, buôn bán nhỏ, tạo điều kiện tăng thu nhập nuôi con ăn học, sắm sửa nhiều vật dụng trong gia đình, nâng cao đời sống vật chất, vươn lên làm giàu chính đáng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

dan-2.jpg
 Tổ hợp tác tận dụng được lao động nhàn rỗi ở địa phương

Bên cạnh việc làm trong thời gian nông nhàn tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình cho gia đình chị em trong tổ, ban quản lí tổ hợp tác cũng vận động chị em tham gia sinh hoạt tại chi hội phụ nữ, tích cực xây dựng quỹ hội, giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, động viên khuyến khích những trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, tổ chức thăm hỏi những chị em trong tổ khi đau ốm, thực hành tiết kiệm thông qua hình thức nuôi lợn đất, đóng góp ủng hộ quỹ xây dựng nhà “Mái ấm tình thương”.

Việc làm đó đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau của hội viên, phụ nữ. Tạo nên khí thế hăng hái thi đua trong học tập, lao động sản xuất. Có thể nói mô hình này đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân lao động nông thôn, tạo thêm việc làm mới tăng thu nhập, thay đổi cách nhìn và tư duy của người dân, tạo sức sống mới cho vùng quê, góp phần xây dựng thành công cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cùng địa phương về đích nông thôn mới năm 2015.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm