Tới đầm Vân Long để thấy cảnh thần tiên trên dương thế

13/05/2017 - 07:00
Buông bỏ nhịp sống xô bồ, ồn ã nơi phố thị, buông bỏ nỗi lo cơm áo gạo tiền, buông bỏ tham sân si của cuộc sống đời thường, chúng tôi hòa vào nhóm người lên thuyền bắt đầu hành trình khám phá đầm Vân Long, Ninh Bình.
Kẽm Chăm - đại bản doanh của đoàn phim “Kong: Đảo đầu lâu”

Từ sáng sớm, tôi và một người bạn lên xe chạy một mạch 1,5 tiếng đồng hồ theo Quốc lộ 1A về đoạn đường rẽ vào Vườn Quốc gia Cúc Phương. Từ đầu Quốc lộ đến Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (đầm Vân Long) chừng 5km. Dọc bên đường gần đến bến đò Vân Long, những bông hoa súng bung nở trên nền nước in dấu bầu trời xanh thẳm. Khung cảnh thần tiên, non nước hữu tình trông thật nhẹ nhàng, thanh khiết, khiến cho tâm hồn bất cứ ai qua đây bỗng trở nên thư thái lạ thường.
Khám phá Vân Long
Buông bỏ nhịp sống xô bồ, ồn ã nơi phố thị, buông bỏ nỗi lo cơm áo gạo tiền, buông bỏ tham sân si của cuộc sống đời thường, chúng tôi hòa vào nhóm người lên thuyền bắt đầu hành trình khám phá. Dù là ngày đầu tuần nhưng lượng khách khá đông và đến rải rác từ sáng sớm tới chiều muộn. Trong đó, chủ yếu là khách nước ngoài, đến từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thời tiết se se lạnh nhưng khá chiều lòng người: Sáng mưa lay phay, trưa chiều hửng nắng, tối lại có chút mưa phùn, trong khi đó người dân kể lại cả tuần trước ở vùng non nước này, trời cứ xầm xì mãi.

Thật may khi chúng tôi lên thuyền, nắng bắt đầu hửng. Cảnh vật bỗng bừng sáng trước mắt với bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Trong không gian rộng lớn của vùng đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc bộ, các dãy núi xếp lớp sừng sững tạo thành bức tường thiên nhiên hùng vĩ. Tôi háo hức nhờ cô lái đò chở tới hiện trường mà đoàn làm phim Hollywood “Kong: Đảo đầu lâu” từng tác nghiệp.
Hang Bóng
Cô Lê Thị Thái, 53 tuổi, kể: Khu Vân Long có rất nhiều núi và hang động, có thể kể đến như: Núi Nghiên, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Mèo Cào, núi Cô Tiên, núi Voi Dựng, núi Cánh Cổng, núi Mồ Côi và các hang động như hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh. Mỗi ngọn núi hay hang động đều có vẻ đẹp độc đáo riêng và mang trong mình một truyền thuyết kỳ bí, hấp dẫn.

Có lẽ hấp dẫn nhất, độc đáo nhất vẫn là kẽm Chăm - nơi đoàn làm phim “Kong: Đảo đầu lâu”
dựng cảnh và cũng có cảnh đoàn quay ở phía xa xa bên trái bến đò Vân Long. Cô Thái là người may mắn vì được phục vụ, vì ở bến đò có 460 hộ dân đăng ký và xếp số thứ tự để quay vòng phục vụ khách du lịch tham quan.

Nhiệm vụ của cô là chở các vật dụng cho đoàn làm phim. Dù chỉ chở đồ nhưng cô cũng cảm thấy rất vui vì đã góp phần đem hình ảnh quê hương, đất nước Việt Nam đến với khán giả toàn cầu. Cô Thái cũng như những người dân nơi đây cứ ao ước một lần được đến rạp xem bộ phim “bom tấn” ấy, để tận mắt chứng kiến cảnh đẹp của quê hương thông qua kỹ xảo điện ảnh hiện đại bậc nhất thế giới.
Du lịch sinh thái ở Vân Long
Kẽm Chăm nằm giữa 2 dãy núi cao chót vót, dài đến vài trăm mét. Trời rét đài tháng 3, mặc dù hơi oi bức do nắng bất chợt nhưng chúng tôi vẫn không tránh khỏi những cơn gió lạnh run người. Nếu như đến đây vào mùa hè thì chắc chắn không ai nỡ ra về.

Rời kẽm Chăm, chúng tôi đến đền Mẫu ở chân núi Mèo Cào. Sở dĩ núi có tên như vậy theo người dân nơi đây là bởi các vách núi dựng đứng có vết lồi lõm kéo dài từ trên xuống như mèo cào. Theo truyền thuyết, nơi đây thờ mẹ của 4 tướng Hồng Nương - 4 nàng Hồng nhan sắc tuyệt trần, có sức khỏe hơn người đã có công chiêu mộ nghĩa quân, theo Hai Bà Trưng chống giặc Hán và được phong làm tướng. Sau khi về quê, 4 vị tướng dựng đền thờ mẹ dưới chân núi Mèo Cào và hóa trên đỉnh núi Ba Chon.

Dịch vụ homestay độc đáo

Không chỉ chiêm ngưỡng cảnh đẹp non nước hữu tình, đến Vân Long, du khách còn được thưởng thức dịch vụ homestay độc đáo. Anh Trần Xuân Quang, Trưởng Ban quản lý khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long, cho biết: Nếu khách có nhu cầu thì có thể đặt loại dịch vụ du lịch trải nghiệm sinh hoạt hằng ngày cùng người dân như: Đi chợ, nấu ăn, xay lúa, giã gạo, cuốc đất, tát nước bằng gầu sòng, gầu dây, cất vó, móc cua ở bờ ruộng, đánh dậm…
Chiều Vân Long
Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội tham gia tour du lịch bằng xe trâu, xe bò để tham quan khung cảnh làng quê Bắc bộ.

Theo chân anh Quang, chúng tôi đến nhà bà Vũ Thị Tuyên gần trạm đón khách du lịch để cùng làm mắm tép - một loại đặc sản không thể thiếu đối với người dân vùng đồng chiêm trũng, đặc biệt là người dân sống gần vùng đất ngập nước quanh năm.
Bà Tuyên kể, trước đây ở đầm Vân long, tôm cá, các loại hải sản nhiều vô kể. Tép có 2 màu: Màu xanh đen là sống ở vùng nước có rong rêu, màu trắng là sống ở vùng nước không có rong rêu. Tuy nhìn khác màu sắc nhưng cả 2 loại đều rất ngon. Ngày nay, do nhu cầu bảo tồn nên tôm cá không còn được khai thác trong khu đất ngập nước Vân Long nữa. Tuy nhiên, tép ở ngoài đồng ruộng cũng rất sạch và ngon.

Sau khi xem các công đoạn làm mắm tép, chúng tôi được gia chủ mời bữa cơm bình dân gồm: Thịt ba chỉ rang mắm tép, rau sống chấm mắm tép, cá chép om dưa, rau muống luộc dầm sấu. Món ăn dân giã, toàn “của nhà trồng được” khiến chúng tôi ăn một cách mê say. Đặc biệt là món mắm tép vừa thơm, vừa có vị ngọt bùi đặc trưng dù ăn một lần cũng khó có thể quên được.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm