“Tôi lấy hoạt động Hội làm niềm vui”

Phạm Thương
08/09/2022 - 15:17
“Tôi lấy hoạt động Hội làm niềm vui”

Cô Thủy (đứng hàng đầu) đã có thâm niên gần 30 tham gia hoạt động Hội.

Đó là tâm sự của cô Nguyễn Thị Thủy, Tổ trưởng tổ phụ nữ 19 (khu phố 2, phường 12, quận 3, TPHCM). Ở tuổi 85 đáng lẽ đã nghỉ ngơi nhưng cô Thủy hàng ngày vẫn tất bật với nhiều hoạt động cộng đồng, trở thành tấm gương sáng được nhiều người mến phục.

Đi đến con hẻm 491 đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TPHCM) không ai không biết cô Nguyễn Thị Thủy, người phụ nữ neo đơn nhưng nhiệt tình và tận tâm với công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".

Cô Thủy cho biết, khi còn trẻ cô làm việc ở lĩnh vực ngoại thương, trong một công ty giao nhận hàng hóa với các tàu nước ngoài. Năm 1991 cô về hưu. Năm 1995 cô bắt đầu tham gia hoạt động Hội phụ nữ đến tận bây giờ. Chính công tác Hội đã giúp cô cảm thấy cuộc sống tuổi già thêm ý nghĩa và vơi bớt nỗi hiu quạnh. Cô Thủy có 2 người con trai nhưng không may cả 2 đã qua đời ở độ tuổi 19, 20. Sau này chồng mất vì tuổi cao sức yếu. Nhiều năm nay, cô sống một mình nên dồn toàn bộ thời gian và tâm trí cho hoạt động cộng đồng.

“Tôi lấy hoạt động Hội làm niềm vui” - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Thủy trò chuyện cùng chị Nguyễn Trúc Linh, Chủ tịch Hội LHPN phường 12 (quận 3, TPHCM).

Cô Thủy bộc bạch: "Vì bản thân là phụ nữ, khi còn làm công đoàn của công ty, tôi phụ trách vấn đề nữ công. Vậy nên, tôi nghĩ mình cũng có chút kinh nghiệm nên chọn gắn bó với chị em ở địa phương khi về hưu. Mặt khác, hoàn cảnh của tôi sống một mình nên khi tham gia các hoạt động giúp tôi quên đi nỗi buồn. Tôi lấy hoạt động Hội làm niềm vui. Hoàn cảnh của mình như vậy mà còn yếu đuối thì sẽ không vượt qua nỗi. Lớn tuổi thì tham gia theo cách người lớn tuổi, ngồi ở nhà cũng buồn lắm. Tôi nghĩ rằng, sự hiểu biết của mình đến đâu thì truyền lại cho chị em đến đấy. Ví dụ đi họp hành thì mình tiếp thu và về phổ biến cho chị em trong tổ. Những thắc mắc của chị em nếu mình biết thì sẽ giải thích ngay, nếu không giải thích được thì đi hỏi lãnh đạo phường".

Gần 30 năm qua, với chiếc xe đạp cũ, cô Thủy đã lặn lội đi từng nhà hội viên để vận động, tuyên truyền. Đôn đốc chị em tham gia hoạt động đoàn thể, đi họp, đi sinh hoạt đúng giờ. Chị em nào ốm đau hay hoàn cảnh khó khăn cô đều vận động mọi người cùng giúp đỡ. Nhờ có cô, các hoạt động của phụ nữ tổ 19 trở thành tổ phụ nữ nòng cốt của phường và luôn dẫn đầu mọi phong trào.

“Tôi lấy hoạt động Hội làm niềm vui” - Ảnh 2.

Cô Thủy tham gia nhiều hoạt động tại khu phố.

Bản thân cô, ngoài vai trò là Tổ trưởng tổ phụ nữ 19, cô còn kiêm thêm Tổ trưởng tổ dân phố 19; Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Hội mẹ truyền thống; Chủ nhiệm CLB Dưỡng sinh của Phường 12.

Trong vai trò là tổ trưởng phụ nữ, cô Thủy phát động được nhiều phong trào thiết thực tại địa phương, điển hình là phong trào nuôi heo đất. Theo đó, mỗi người tham gia tự bỏ heo đất với số tiền vài ngàn đồng/ngày. Đến dịp lễ sẽ cùng nhau khui. Với số tiền tiết kiệm được, chị em có thể chủ động làm vốn buôn bán nhỏ, đóng tiền học cho con. Nhiều chị còn trích lại một phần nhỏ góp cho Tổ hội để chăm lo cho phụ nữ khó khăn. Không nhiều nhưng gạo, nước tương, nước mắm... thì tổ Hội luôn có sẵn để hỗ trợ.

“Tôi lấy hoạt động Hội làm niềm vui” - Ảnh 3.

Cô Thủy còn là Chủ nhiệm CLB Dưỡng sinh của Phường 12.

Khi ở vai trò Chủ nhiệm CLB Hội mẹ truyền thống của phường, cô Thủy thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tổ chức lễ mừng thọ... Đây là CLB dành cho các mẹ thuộc gia đình cách mạng, mẹ chiến sỹ. Số lượng thành viên của CLB trước đây là 35 người, hiện nay còn 18 người. Với những mẹ lớn tuổi, không đi lại được thì CLB sẽ cử đoàn đại diện đến thăm những lúc ốm đau hay tặng quà, chúc thọ khi các mẹ tròn 75, 80 tuổi trở lên. Món quà đơn giản là bộ quần áo, ấm chén nhưng góp phần rất lớn trong công tác đền ơn đáp nghĩa tại địa phương.

Chị Nguyễn Trúc Linh, Chủ tịch Hội LHPN phường 12 (quận 3, TPHCM) cho biết: "Trong công tác hội phụ nữ, cô Thủy tham gia rất tích cực. Mỗi khi phường tổ chức hội nghị gì cũng hỏi ý kiến của cô để nắm bắt thời gian của các dì các chị có tham gia được đông đủ hay không, từ đó đưa ra thời gian tổ chức phù hợp. 

Hiệu quả nhất là hoạt động nuôi heo đất của tổ, 90% chị em thực hiện phong trào này và hoạt động được duy trì liên tục. Ngoài ra, nhiều chị có hoàn cảnh khó khăn, cô kêu gọi chị em trong tổ đóng góp, chăm lo và báo với chính quyền để tìm cách hỗ trợ. Nói chung, hoạt động nào cô cũng có mặt. Ngay cả hoạt động ở xa, cô không tự đi được thì bên Hội phải cử người chở đi. Trong đợt dịch năm ngoái, cô cũng xin tham gia chống dịch, lúc xin trực chốt, lúc xin tham gia phân phát rau củ. Nhưng mà cô Thủy đã lớn tuổi nên phường không thể để cô tham gia được. Cô nhiệt tình, sống vì người khác nên mọi người ai cũng thương mến".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm