Tổn thương gan do thuốc: Dấu hiệu và cách xử lý

Vân Anh
26/02/2024 - 17:22
Tổn thương gan do thuốc: Dấu hiệu và cách xử lý
Một số loại thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn (OTC), thực phẩm bổ sung đều có thể làm rối loạn chức năng gan bình thường và khiến gan bị tổn thương.

Gan đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa thuốc. Nhưng một số loại thuốc có thể gây tổn hại trực tiếp đến cơ quan quan trọng này, được gọi là tổn thương gan do thuốc. 

Tổn thương gan do thuốc thường liên quan đến việc dùng quá nhiều acetaminophen, hoạt chất có trong thuốc giảm đau không kê đơn và thuốc hạ sốt như Tylenol. 

Tại Hoa Kỳ, tổn thương gan do thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây suy gan cấp tính, một tình trạng nghiêm trọng cần phải nhập viện và thường là ghép gan sau đó.

1. Dấu hiệu tổn thương gan do thuốc

Các dấu hiệu ban đầu của tổn thương gan do thuốc có thể bao gồm:

- Đau bụng

- Sốt

- Tiêu chảy

- Nước tiểu đậm

- Vàng da - một tình trạng xảy ra khi một chất gọi là bilirubin tích tụ trong máu và khiến da và lòng trắng mắt có màu vàng

- Buồn nôn và ói mửa

- Mệt mỏi hoặc buồn ngủ trầm trọng

- Phát ban

- Phân có màu trắng

Tổn thương gan do thuốc: Dấu hiệu và cách xử lý- Ảnh 1.

Đau bụng, sốt, vàng da, tiêu chảy là những triệu chứng điển hình của tổn thương gan do thuốc (Ảnh: Internet)

Mất bao lâu để thuốc gây tổn thương gan?

Điều này phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả loại thuốc liên quan và tình trạng sức khỏe cá nhân của mỗi người. Nói chung, các triệu chứng tổn thương gan do thuốc có thể xuất hiện từ 5 ngày đến 3 tháng sau khi bạn bắt đầu dùng thuốc.

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương gan do thuốc

Ai cũng có thể bị tổn thương gan do thuốc nhưng có một số tình trạng bệnh lý nhất định sẽ làm tăng nguy cơ gan bị tổn thương khi dùng thuốc như:

- Viêm gan - bệnh lý mà ở đó tế bào gan bị tổn thương và các mô gan bị viêm nhiễm.

- Bệnh Wilson - đây là bệnh lý khiến gan không bài tiết đồng dư thừa vào mật như bình thường, từ đó làm cho lượng đồng tích tụ quá mức trong cơ thể, đặc biệt là ở gan, não và mắt.

- Bệnh celiac - đây là tình trạng không dung nạp Gluten với các triệu chứng như thờ ơ, biếng ăn, xanh xao, chướng bụng, các vấn đề tiêu hoá ở trẻ em và ủ rũ, ốm yếu và biếng ăn ở người lớn.

- Nhiễm virus Epstein-Barr - nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm trong đó phổ biến nhất là bệnh bạch cầu đơn nhân (Mono).

- Virus Herpes simplex - virus này có thể gây nhiễm trùng da và ảnh hưởng nhiều cơ quan khác, chẳng hạn như miệng.

- Rối loạn sử dụng rượu - tình trạng này thường xảy ra ở những người uống rượu quá mức.

3. Các bệnh lý ở gan do thuốc

Thuốc có thể gây ra nhiều tình trạng ở gan, trong đó có 5 bệnh lý tổn thương gan do thuốc mà bạn nên biết:

- Viêm gan cấp tính và mãn tính

Một số loại thuốc có thể gây viêm gan cấp tính và mãn tính (viêm tế bào gan) có thể dẫn đến hoại tử (chết) tế bào. Viêm gan cấp tính do thuốc được định nghĩa là viêm gan kéo dài dưới 3 tháng, trong khi viêm gan mạn tính kéo dài hơn 3 tháng. Viêm gan cấp tính do thuốc phổ biến hơn nhiều so với viêm gan mãn tính do thuốc.

Các triệu chứng điển hình của viêm gan do thuốc bao gồm: Ăn không ngon, buồn nôn, nôn mửa, sốt, yếu đuối, mệt mỏi, đau bụng. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể gặp thêm các triệu chứng khác như nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu và vàng da (da và phần trắng của mắt có màu vàng).

Cả viêm gan cấp tính và mãn tính thường khỏi sau khi ngừng dùng thuốc, nhưng đôi khi viêm gan cấp tính có thể đủ nghiêm trọng để gây suy gan cấp tính và viêm gan mãn tính trong một số trường hợp hiếm gặp có thể dẫn đến tổn thương gan vĩnh viễn và xơ gan.

Tổn thương gan do thuốc: Dấu hiệu và cách xử lý- Ảnh 2.

Viêm gan cấp tính và mãn tính thường khỏi sau khi ngừng dùng thuốc (Ảnh: Internet)

- Ứ mật

Ứ mật là tình trạng giảm bài tiết dòng chảy của mật. Bilirubin và axit mật thường được gan tiết vào mật và đào thải khỏi cơ thể qua ruột, nhưng nếu chất này tích tụ trong cơ thể có thể dẫn đến vàng da và ngứa.

Thuốc gây ứ mật thường can thiệp vào quá trình tiết mật của tế bào gan mà không gây viêm gan hoặc hoại tử tế bào gan. Bệnh nhân ứ mật do thuốc thường có nồng độ bilirubin trong máu tăng cao nhưng có nồng độ AST và ALT bình thường hoặc tăng nhẹ. Nồng độ photphat kiềm trong máu (một loại enzyme do ống mật tạo ra) tăng lên do các tế bào của ống mật cũng bị rối loạn chức năng và làm rò rỉ enzyme. Ngoài ngứa và vàng da, bệnh nhân thường không bị bệnh nặng như bệnh nhân viêm gan cấp tính.

Hầu hết bệnh nhân ứ mật do thuốc sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tuần sau khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, ở một số người, các triệu chứng như vàng da, ngứa có thể kéo dài hàng tháng sau khi ngừng thuốc. Một số bệnh nhân thỉnh thoảng có thể phát triển bệnh gan mãn tính và suy gan. Vàng da và ứ mật do thuốc kéo dài hơn 3 tháng được gọi là ứ mật mãn tính.

- Suy gan cấp tính

Hiếm khi thuốc gây suy gan cấp tính nhưng vẫn có thể xảy ra. Các triệu chứng của suy gan cấp tính bao gồm: Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, ngứa da, vàng da vàng mắt, buồn nôn và nôn, đau bụng ở khu vực gan (¼ phía trên, ở bên phải của ổ bụng), lú lẫn, thậm chí hôn mê.

Tại Hoa Kỳ, acetaminophen (Tylenol) là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy gan cấp tính.

Tổn thương gan do thuốc: Dấu hiệu và cách xử lý- Ảnh 3.

Acetaminophen (Tylenol) là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy gan cấp tính (Ảnh: Internet)

- Gan nhiễm mỡ

Thuốc có thể gây ra gan nhiễm mỡ có hoặc không có viêm gan liên quan. Bệnh nhân gan nhiễm mỡ do thuốc có thể chỉ có một vài triệu chứng hoặc không có triệu chứng nào. Trong trường hợp nặng, gan nhiễm mỡ do thuốc có thể dẫn đến xơ gan và suy gan.

- Huyết khối tĩnh mạch gan

Một số loại thuốc có thể gây ra cục máu đông (huyết khối) trong tĩnh mạch gan và tĩnh mạch chủ dưới. Huyết khối tĩnh mạch gan và tĩnh mạch chủ dưới có thể dẫn đến gan to, đau bụng, tích tụ dịch ở bụng ( cổ trướng ) và suy gan.

4. Các loại thuốc gây tổn thương gan

Một số loại thuốc và chất bổ sung có khả năng gây tổn thương tế bào gan, dòng mật hoặc cả hai. Dưới đây là một số loại thuốc phổ biến gây hại cho gan, đặc biệt khi sử dụng quá liều.

- Acetaminophen

Acetaminophen là nguyên nhân hàng đầu gây suy gan. Acetaminophen là thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) được tìm thấy trong Tylenol và Excedrin. Nó cũng được sử dụng trong các loại kem và thuốc mỡ dùng để giảm đau cơ.

Tổn thương do Acetaminophen có thể bắt đầu từ 24 giờ đến 72 giờ sau khi dùng thuốc. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 2 đến 4 ngày sau khi bạn dùng thuốc lần đầu.

Không nên dùng hoặc sử dụng nhiều hơn một loại thuốc OTC hoặc thuốc theo toa có chứa acetaminophen mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.

- Kháng sinh

Thuốc kháng sinh là thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Một số loại kháng sinh uống và bôi tại chỗ có liên quan đến tổn thương gan, bao gồm: Isoniazid, Metronidazol, Amoxicillin-clavulanate, Azithromycin, Tetracyclin, Clindamycin.

Tổn thương gan do những loại kháng sinh này thường xuất hiện trong vòng vài tuần sau khi dùng thuốc.

- Statin

Statin là loại thuốc phổ biến điều trị cholesterol cao. Những người đang dùng statin có thể có nồng độ men gan cao khi xét nghiệm máu, đây có thể là dấu hiệu của tổn thương gan do thuốc.

Lipitor (atorvastatin) là statin thường liên quan nhất đến tổn thương gan do thuốc. Tổn thương gan do statin không xảy ra ngay lập tức mà có thể mất từ 1 tháng đến 10 năm mới thấy tổn thương.

- Methyldopa

Methyldopa là một loại thuốc được sử dụng để điều trị huyết áp cao (tăng huyết áp). Vì methyldopa có liên quan đến tổn thương gan do thuốc nên thường không được khuyên dùng cho những người đã mắc bệnh gan, đặc biệt là những người bị xơ gan.

Tổn thương gan có thể xuất hiện trong vòng 2 đến 12 tuần sau khi bắt đầu dùng methyldopa.

- Thuốc chống co giật

Một số loại thuốc dùng điều trị bệnh động kinh có thể làm tổn thương gan. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc này đã cũ hơn. Các loại thuốc mới hơn được sử dụng để điều trị bệnh động kinh hiếm khi gây tổn thương gan.

Thuốc chống động kinh có thể gây tổn thương gan bao gồm: Dilantin (phenytoin), Felbatol (felbamate), Axit Valproic. Tổn thương gan do những loại thuốc này có thể xảy ra từ 1 đến 6 tuần sau khi bạn bắt đầu dùng thuốc.

- Các loại thuốc khác

Ngoài các loại thuốc trên, một số loại thuốc phổ biến khác có thể ảnh hưởng đến gan của bạn, bao gồm: Thuốc tránh thai, amiodarone - thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, một số loại gây mê.

Thời gian để những loại thuốc này gây tổn hại cho gan là khác nhau. Ví dụ, tổn thương gan liên quan đến thuốc tránh thai có thể không xuất hiện trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, nhưng tổn thương do gây mê có thể xảy ra chỉ sau vài ngày.

Bên cạnh các loại thuốc, một số chất bổ sung cũng có thể gây tổn thương cho gan. Do vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thực phẩm bổ sung về liều lượng, tác dụng và tác dụng phụ có thể gặp.

Tổn thương gan do thuốc: Dấu hiệu và cách xử lý- Ảnh 4.

Sử dụng thuốc đúng liều lượng và chỉ định để giảm thiểu nguy cơ tổn thương gan (Ảnh: Internet)

5. Điều trị và phòng ngừa tổn thương gan do thuốc

- Điều trị tổn thương gan do thuốc

Cách điều trị cụ thể duy nhất cho hầu hết các trường hợp tổn thương gan do dùng thuốc là ngừng dùng thuốc gây ra vấn đề.

Nếu các triệu chứng tổn thương gan do thuốc nghiêm trọng, bạn nên nghỉ ngơi và tránh tập thể dục nặng, uống rượu hoặc tránh dùng acetaminophen và bất kỳ chất nào khác có thể gây hại cho gan. Bạn có thể cần truyền chất lỏng qua tĩnh mạch nếu buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng.

Đặc biệt, trong trường hợp bạn dùng acetaminophen liều cao, bạn cần được cấp cứu càng sớm càng tốt vì có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc acetaminophen. Nếu bị ngộ độc acetaminophen và không được điều trị kịp thời, bạn có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng như suy thận và viêm tuỵ. Các triệu chứng sử dụng quá liều acetaminophen như chán ăn, buồn nôn, nôn, và đau bụng hạ sườn phải.

- Phòng ngừa tổn thương gan do thuốc

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc mới hoặc thảo dược hoặc thực phẩm bổ sung nào để tránh gây tổn thương cho gan. Dưới đây là một vài lưu ý khi sử dụng thuốc để giảm thiểu nguy cơ tổn thương gan do thuốc:

- Không bao giờ sử dụng nhiều hơn liều khuyến cáo của các loại thuốc không kê đơn có chứa acetaminophen (Tylenol).

- Không uống rượu khi đang sử dụng thuốc.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm